Thầy Trí Chơn chứng minh lễ đốt nến tri ân và ban pháp thoại tại chùa Bảo Lâm - Đồng Nai

19/07/2019 2:29
Nhận lời thỉnh mời của Ni Chúng chùa Bảo Lâm- Xã Xuân Hưng- Xuân Lộc- Đồng Nai, đêm ngày rằm tháng 6/ kỷ hợi, Thầy Trí Chơn đã có mặt chứng minh buổi thắp nến tri ân và chia sẻ pháp thoại nhân lễ húy nhựt Cố Ni Sư thích Nữ Như Ý- Viện chủ Chùa Bửu Lâm.

Trong không gian trang nghiêm, lắng đọng, Thầy Trí Chơn đã nhắc đến công đức xây chùa, tạc tượng của Phật tử địa phương cũng như tinh thần dấn thân phụng sự của Ni Sư.



Từ nửa thế kỷ trước, khi mà xã Xuân Lộc còn hoang vắng không có bóng người, đời sống bà con còn khó khăn nhưng Phật tử địa phương đã chọn đất, dựng Chùa rồi mời Ni sư về đây trụ trì. Chùa Bảo Lâm là biểu hiện tâm đạo của Phật tử nơi đây. Nhưng có Chùa, có Phật mà thiếu người hướng đạo thì ta cũng sẽ không thấy đạo. Vì vậy mà chư phật tử đã cung thỉnh Ni Sư về hành đạo ở chốn này. 

Thông qua trụ trì mà ta tiếp xúc được Pháp bảo và Phật bảo. Thời Đức Phật cũng có nhiều tôn giả như Phú Lâu Na hay A Nan cũng đã nguyện đi đến nơi hoang vắng, khó khăn, để hành đạo.

Nhìn hạnh nguyện dấn thân cao cả của cố Ni Sư Để ta hiểu thêm tâm bồ tát, tinh thần dẫn dắt hậu lai, báo Phật ân đức của Người. Nếu không có hồng đức của Ni sư thì chúng ta khó có được một đại chúng vững chãi Bửu Lâm như bây giờ. Chùa không chỉ thờ Phật còn thờ tiên tổ ông bà. Con cháu ở đâu ông bà ở đó! Nhìn bát hương ta thấy được Đức Phật và cũng thấy được tiên tổ. Chỉ có dân tộc ta mới có nền văn hoá đẹp đẽ này. Ta có niềm tin nơi Phật thì Phật gia hộ, có niềm tin nơi tiên tổ thì tiên tổ hộ trì.


Ni Sư viên tịch đã 6 năm, xác  thân tuy mất nhưng công đức và đạo hạnh vẫn còn. Nhìn bằng tuệ quán sẽ thấy Ni sư nơi mảnh đất Bảo Lâm, nơi tán cây Ni sư trồng, lối mòn Ni sư từng đi, những công trình Ni sư  xây dựng. Không chỉ Ni Sư mà cả các bậc bô lão đã góp bàn tay xây dựng chùa chiền cũng đang còn đó cho chúng ta. Nhớ đến công hạnh khai sơn tạo tự để chúng ta tri ân và báo ân. 


Nhìn vào Sư Cô Nhựt Quy trụ trì - một đệ tử gắn bó với Ni sư hơn 30 năm từ thuở làm điệu cũng có thể thấy được Ni sư. Nếu không có Ni Sư thì sẽ không có Sư Cô trụ trì bây giờ. Nhìn vị trụ trì đời hai để thấy công đức sự dạy giỗ của vị trụ trì đời thứ nhất. Sư Cô chia sẻ “Thầy của con là người rất khó”. Chính nhờ cái khó đó mà người đệ tử mới tiến bộ, vững chãi như ngày hôm nay. Không đưa mình vào khuôn khổ giới luật thì sẽ không trở thành cao đức. Cục bột không đưa vào khuôn thì không thể thành bánh. Khuôn càng tròn, càng tinh tế thì chiếc bánh càng đẹp. Thầy tổ đưa ta vào nếp sống quy củ thiền môn để giúp chúng ta tiến bộ cho tương lai. Nếu nép mình vào khuôn khổ giới luật, thấm nhuần đạo đức tương lai chúng ta sẽ tươi sáng còn không chúng ta sẽ không có đường đi rõ ràng, khổ đau trên con đường giác ngộ. Cây bonsai phải bị ép, bị cắt, bị uốn, bị kẽm cột mới đẹp, mới có giá. Đất chịu vào khuôn thì mới gọi  là gạch, gạch phải được nung nấu cho chín thì xây nhà mới bền. Ngôi nhà Phật pháp cũng phải được nung nấu bằng sự hành trì giới luật trung kiên, vững chãi cho tương lai. 



Nhìn vào Ni chúng ta thấy được công đức của Ni Sư. Sự viên tịch của Ni Sư cũng là bài pháp với thường sống động, không có gì phải sầu, khổ, ưu, não. 

Pháp thoại kết thúc gia đình Phật tử Bảo Lâm cúng dường Tam Bảo những điệu múa, những khúc hát tràn đầy cảm xúc thầy trò. 


Tin:Quảng Thức, Ảnh: T.Lưu


Một số hình ảnh ghi nhận được:




Tin Tức Liên Quan