Thầy Thích Trí Chơn chia sẻ về lý tưởng đích thực của một người tu sĩ

12/02/2020 11:37
Người xuất gia là người chọn cho mình một lý tưởng cao đẹp và xây dựng cho mình một nhân cách lớn. Người có nhân cách lớn phải đi trên con đường lớn. Và con đường đạo là con đường lớn, con đường sáng và đẹp.

Người xuất gia khi đi trên con đường ấy thì tâm và tướng phải khác với đời. Tâm phải nuôi dưỡng hạt giống bồ đề và tướng phải thể hiện được một hình bóng thoát tục để tiếp nối và thắp sáng ngọn đèn giáo pháp của đức Phật. Đem điều tốt đẹp ấy gieo rắc trên thế gian này để đền đáp ân đức của quê hương, tổ quốc, Tam Bảo, cha mẹ, các ân nhân, cùng hết thảy chúng sinh vạn loài. Đây là chí nguyện rất đẹp, rất lớn của người tu.

Khi một người bước chân vào cửa đạo và phát nguyện xuất gia, được bao hàm bởi một vài yếu tố. Thứ nhất là cảm mộ đạo pháp, hứa với lòng sẽ gánh vác được đạo pháp. Bởi vì khi một người cảm mộ đạo pháp thì mới có thể đi trên con đường đó. Không có cảm mộ, ta không có lý tưởng, không kính quý, ta sẽ không thể nào chọn đó là con đường đi. Cho nên, việc đầu tiên là cảm mộ đạo pháp và nguyện đứng vào trong hàng ngũ của Tăng sĩ để gánh vác việc của Phật, của Tổ, của chúng Tăng mà chúng ta ước nguyện rằng mình sẽ thực hiện. Thứ hai là từ bỏ những cái đẹp của thế gian. Trong nhà Phật, mái tóc là biểu tượng của phiền não, buộc ràng. Vì thế cho nên người tu phải cạo đầu. Ta có thể hình dung, nếu người đời cần một mái tóc hay bộ đồ thật đẹp, thì người tu lại cạo bỏ những nét đẹp ấy, nét đẹp của quyến rũ, của tình ái, của sự dính mắc và khoác lên mình chiếc áo giải thoát. Chiếc áo đó không phải là chiếc áo hoa mà là chiếc áo vàng giải thoát, màu lam của khói hương và màu nâu của đất, màu của tha thứ, bao dung, kiên trì, nhẫn nại và sinh trưởng bao nhiêu công đức.




Một người tu sống ở chùa và nếp sống mỗi ngày là hành trì, lễ bái, tu tập, công phu, thiền tọa. Đây không phải tiêu cực mà là một lý tưởng cao đẹp. Ví như một cậu sinh viên, gác qua chuyện gia đình, tình cảm thân quyến để chọn một trí tuệ lớn cống hiến cho tổ quốc, xã hội. Ví như người chiến sĩ, gác qua cả gia đình để sống ở biên cương, thì ngôi nhà của anh lúc này là cả quê hương, tổ quốc. Cũng vậy, người đi tu là người gác qua tất cả người thân, bạn bè để nuôi dưỡng một lý tưởng cao đẹp và nhận tất cả chúng sinh vạn loại là bà con, thân bằng quyến thuộc của mình. Phải có lý tưởng cao thượng và yêu đời lắm mới làm được như vậy, đừng nghĩ đạo Phật là một cái gì đó tiêu cực, khép mình chẳng biết nghĩ đến ai.

Khi đi trên con đường ấy, ngay cả thân mạng mình tuy có quý nhưng cái quý hơn hết đó chính là giới thân huệ mạng. Cho nên, xả thân cầu đạo, xả phú cầu bần là để cầu một lý tưởng đẹp đẽ chứ không phải tránh né. Khi một người đã tu rồi thì phải đi cho tới nơi tới chốn, phải làm cho bằng được, để làm sao kiến đạo, thấy đạo, ngộ đạo thì đó mới là lý tưởng đích thực của người tu.

Một phép so sánh nhỏ trong đời sống hiện tại để thấy được người xuất gia chọn con đường của họ là sự cống hiến và vĩ đại như thế nào. Nếu khoảnh khắc mà thế gian ngủ rất ngon thì khoảnh khắc đó người tu phải dậy công phu, thiền tọa, lễ bái. Cuộc sống của thế gian là hưởng thụ, là ăn sung mặc sướng thì cuộc sống của người tu rất bình dị. Cuộc sống của thế gian ít nhiều cũng có nỗi đau của con vật này, chúng sinh kia, thì cuộc sống của người tu chỉ đơn giản là rau củ quả. Cuộc sống của thế gian là phải dành giật, tranh chấp, tìm kiếm hạnh phúc bằng những nỗi đau, nỗi buồn của nhau thì cuộc sống của người tu là nuôi dưỡng tâm thiện lành của mình và làm sao thắp sáng được nhân cách đạo đức để toả ra cho đời được yên được lành. Đó là hạnh nguyện của người tu.

Nhìn về góc độ xã hội, hiện nay Tăng sĩ đã có nhiều hoạt động và hình bóng Tăng sĩ cũng bắt đầu có mặt ở nơi này nơi kia trong cuộc sống, bên cạnh những cái chuẩn mực cũng có những cái thiếu chuẩn mực. Tuy nhiên, không vì vậy mà ta đem cái cá nhân để đánh đồng với cái tập thể, đem những cái rất dị biệt đưa vào với cái chung, và không thể nào ta đem một hiện tượng đánh đồng với bản chất. Lý tưởng của đạo rất sáng và người đi trên đường đạo rất đẹp, nhưng đâu đó cũng có hình ảnh của những người tu chưa tới nơi tới chốn. Song song, cũng có những người tu vì lợi dưỡng, vì miếng cơm manh áo, vì lý do này, lý do kia. Chúng ta cần có một cái nhìn cho thật khách quan để thấy được rằng đạo Phật là một hình thái xã hội, tất cả người tu đều là con người bước vào cửa đạo, thế nên có người này người nọ. Nếu chúng ta muốn đánh giá đạo, ta hãy nhìn vào lý tưởng của đạo và nhìn vào ba ngôi Tam Bảo sáng ngời Phật, Pháp, Tăng.

 Tâm Minh Tuệ lượt ghi 

Tin Tức Liên Quan