Truyền hình An Viên phỏng vấn Thầy Viện chủ về trang phục Phật giáo

9/10/2016 3:16
Sáng ngày 08/10/2016, Truyền hình An Viên đến Tu viện xin phỏng vấn Thầy Viện chủ Thích Trí Chơn về trang phục tăng sĩ Phật giáo Việt Nam (PGVN).

Chương trình do phóng viên Thuỳ Vân thực hiện.
Một số câu hỏi được đặt ra:
Sự khác nhau về trang phục của các hệ phái Phật giáo, dấu ấn nào cho trang phục PGVN, làm sao phân biệt trang phục tu sĩ với trang phục cư sĩ?

DSC 3611
Thầy trả lời:
Hiện nay, PGVN tồn tại bốn hệ phái Phật giáo chính: Nam tông Khmer, Nam tông Kinh, Khất sĩ và Phật giáo Bắc tông. Trang phục Nam tông Khmer và Nam tông Kinh mặc y màu đỏ thẩm. Trang phục hệ phái Khất sĩ phương thức mặc cũng giống Nam tông nhưng khác màu - màu vàng nghệ. Trang phục ba hệ phái này được xem là truyền thống, có tính ổn định. Vấn đề cần bàn là trang phục của Phật giáo Bắc tông.
Tu sĩ Phật giáo Bắc tông chiếm 85% trong tổng số tu sĩ Phật giáo cả nước, có mặt khắp cả ba miền, mặc 3 màu chính: nâu, lam và vàng.
Thông y là áo dài mặc khi ra khỏi chùa. Tỳ kheo mặc áo tràng nâu. Sa di mặc áo nhựt bình nâu. Tỳ kheo ni, Thức xoa, Sa di ni mặc áo nhựt bình lam.
Thường phục: hiện nay tồn tại 4 loại hình: áo vạt khách (vạt hò), áo nhựt lỡ, áo cổ giữa và áo la hán (ảnh hưởng thường phục Đài Loan).
Lễ phục: là y pháp mà mỗi vị đã lãnh thọ, màu vàng.
Dấu ấn trang phục PGVN là áo tràng và áo nhựt bình. Thường phục truyền thống của PGVN là áo vạt khách, áo cổ giữa và áo nhựt lỡ. Màu sắc truyền thống trong trang phục PGVN chính là màu nâu. Tôn vinh sắc màu truyền thống là tôn vinh nét đẹp Việt Nam, tôn vinh trang phục PGVN. Đây là màu sắc mà tổ sư bao đời đã sử dụng, đã mặc hàng nghìn năm nay.
Màu nâu là màu của đất. Người tu sĩ là người thực hành hạnh của đất: sinh trưởng (tất cả vạn vật đều từ đất mà có), chuyển hoá (rác thành hoa, phân thành lúa), bao dung (chấp nhận mọi thứ, ôm lấy mọi thứ), nhẫn nại (chịu tất cả mọi đào sới, khoan, đập), kiên trì (rắn chắc, bền lâu) . . .
Điều bất cập hiện nay là chưa có qui định y phục theo giáo phẩm. Do vậy, khó để phân biệt được một vị Đại đức, Thượng toạ hay Hoà thượng. Khi xưng hô thì hoặc biết chắc giáo phẩm của vị đó hoặc ... nhắm phỏng tuổi tác mà gọi chứ không có tiêu chí trong ăn mặc để xác định.
Ngay cả thường phục của tu sĩ và cư sĩ cũng chưa có qui chuẩn. Hình ảnh người cư sĩ mặc chiếc áo nâu, áo lam đi vào đời rất dễ thương, rất đẹp. Đó là mang thông điệp từ bi đi vào đời. Nhưng bất cập là đời sống người Phật tử có gia đình, có công ăn việc làm, có khi chở nhau ngoài đường, có khi ngồi buôn bán ngoài chợ, một số cư sĩ nam hoặc để tóc ngắn hoặc cạo đầu, dễ bị ngộ nhận là tu sĩ.
Về các câu hỏi: có phải hiện nay trang phục PGVN đang bị ảnh hưởng bởi các mẫu trang phục của các quốc gia Phật giáo láng giềng và trong khu vực? Có nên thiết kế thống nhất mẫu trang phục phù hợp nhất cho Tăng Ni? Những "nhà sư giả" mặc trang phục Phật giáo để đi lừa gạt người khác thì có những biện pháp gì để khắc phục?

DSC 3602
Thầy trả lời:
PGVN và Phật giáo một số nước trong khu vực có sự giao thoa văn hoá, lễ nghi, lễ phục và một số hình thái khác. Đây là sự tương đồng trong tiến trình tiếp biến các hình thái văn hoá, lễ nghi. Áo tràng là mô thức chung của trang phục Phật giáo các nước trong khu vực như Việt, Nhật, Trung, Hàn. Chỉ khác là Phật giáo mỗi nước có thay đổi một vài tiểu tiết và tự chọn màu sắc để tạo dấu ấn cho tông phái của mình. Chẳng hạn như áo tràng/ áo hậu PG Nhật Bản thì nách áo khoét trống, các vạt áo từ lưng trở xuống may gấp li, áo Đài Loan thì trên cổ may chồng 3 miếng vải để cho đứng cổ áo. Y Nhật Bản thì từ một tấm y vấn toàn thân được chế lại chỉ còn là tấm vải nhỏ choàng vào cổ gọi là Pháp y. Hay như tấm y Hàn Quốc được chế lại chỉ còn khoảng 1 mét vuông choàng qua vai. Áo tràng Việt Nam thì đơn giản hơn, hoặc là áo 4 vạt hoặc là áo 7 vạt, không thêm thắc các tình tiết. Bảo rằng áo tràng Việt Nam là lai căn, phi truyền thống là không đúng. PGVN còn có một "đặc sản" không đâu có được là áo nhựt bình được các Tổ chế ra vào thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn. Đây là chiếc áo đặc trưng của Đạo Phật Việt Nam.
Trang phục PGVN có bị ngoại lai chăng là trước trào lưu hội nhập và giao lưu văn hoá, giáo dục Phật giáo với một số nước khoảng 20 năm trở lại đây. Cụ thể là một số du học Tăng, Ni sau thời gian đi học ở Trung Quốc, Đài Loan về rồi sử dụng luôn trang phục nơi mình từng sống, từng lưu trú học tập. Đây chỉ là bộ phận nhỏ, nhưng nếu ta không củng cố, tôn vinh các giá trị nội sinh thì các loại hình trang phục Phật giáo phi truyền thống sẽ ảnh hưởng là điều có thể xảy ra.
Việc thiết kế mẫu trang phục thống nhất cho tu sĩ Phật giáo Việt Nam cần lưu ý: hãy quay về với trang phục truyền thống, màu sắc truyền thống mà định hình cho sự thống nhất theo xu thế chung. Hãy khẳng định lại các giá trị hiện hữu, hãy làm mới cái ta đang có hơn là chế tác những mẫu mã mới, sẽ khó thích nghi.
Về sử dụng pháp phục "có thương hiệu" để loại trừ những thành phần sư giả không phải thượng sách. Sư giả là sư giả. Sư thật là sư thật. Cuộc sống này có tiền giả, bằng cấp giả, công an giả, giám đốc giả, kể cả người hành khất còn có giả . . . cùng với hàng trăm, hàng nghìn cái giả trên đời thì, việc tồn tại sư giả là hiện tượng không tránh khỏi. Cố nhiên không ai cổ suý cái giả nhưng chọn giải pháp hình thức để triệt tiêu cái giả là vạn nan. Tu sĩ thật hay không thật nằm ở phẩm chất của vị đó. Vị đó có được xông ướp giới luật và giáo pháp trong đời sống tu tập hằng ngày hay không sẽ trả lời việc giả thật. Với những vị không ở chùa, không phải người tu, không được đào tạo, không đứng trong hàng ngũ Tăng đoàn mà vẫn mặc áo người tu, chỉ vi lợi dưỡng thì các Ban: Tăng sự, Kiểm tăng, Kiểm soát, Pháp chế . . . trong Giáo hội sẽ có trách nhiệm thực thi việc chỉnh đốn Tăng đoàn.

DSC 3618

DSC 3626

Sau khi phỏng vấn Thầy Viện chủ, phóng viên cũng có cuộc trao đổi ngắn với Thầy Trung Giác - Tri sự Tu viện, xin được biết cảm nhận của thầy về trang phục tu sĩ hiện nay. Thầy Trung Giác cười nói: "Thủa nhỏ tôi đã gắn với làng quê, gắn với mảnh vườn, thửa ruộng, khi bước chân vào chùa được khoát chiếc áo nâu trên người, tôi thật sự hạnh phúc. Tôi cảm nhận, tất cả mọi sự sống đều từ đất mà sinh trưởng. Người tu cũng vậy, tất cả mọi công đức đều được tăng trưởng từ mảnh đất tâm. Nhìn chiếc áo trên người, tôi gắn tu tập để vun trồng căn lành, nhổ sạch cỏ chướng nơi tâm".
                                                                        Trung Lưu

Tin Tức Liên Quan