Hà Tiên là một trong những địa điểm thu hút du khách mỗi khi về miền Tây bởi vẻ đẹp nên thơ, hữu tình đến ngây ngất lòng người, mà thi sĩ Mạc Thiên Tích đã khắc họa bức tranh qua tập thơ “Hà Tiên Thập vịnh”, gồm 10 bài thơ vịnh do Đông Hồ dịch, được ví Hà Tiên như một thiên đường tiên cảnh nơi hạ giới. 1. Tiêu Tự Thần Chung (Chùa Tam Bảo), 2. Kim Dự Lan Đào (Núi Pháo Đài), 3. Lộc Trĩ Thôn Cư (Cảnh Đẹp Mũi Nai), 4. Nam Phố Trừng Ba (Bãi Biển Phía Nam), 5. Thạch Động Thôn Vân (Thắng Cảnh Thạch Động), 6. Đông Hồ Ấn Nguyệt (Ngắm Bình Minh Trên Sông Đông Hồ), 7. Giang Thành Dạ Cổ ( Tiếng Trống Cầm Canh Bên Bờ Sông), 8. Lư Khê Ngư Bạc (Xóm Chài Rạch Vược), 9. Bình San Diệp Thuý (Thắng Cảnh Trên Núi Bình San) và 10. Châu Nham Lạc Lộ (Thắng Cảnh Đá Dựng).
Từ Sài Gòn đi về hướng Mỹ Thuận, rồi qua Sa Đéc, An Giang đến với vùng đất Kiên Giang; một vùng đất qua thời gian thăng trầm của lịch sử từ thuở khai hoang mở cõi của ông cha ta qua nhiều thế kỷ; Nhạc sĩ Lê Giang đã cảm tác vẻ đẹp nơi đây viết lên giai điệu bài hát “Kiên Giang quê mình đẹp lắm” dựa theo làn điệu dân ca Lý chèo đưa cá Ông “Chiều xuống đứng bên cầu nghe sóng biển, Nắng thu vàng chiếu rạng bến bờ, Kiên Giang mình đẹp làm sao! Bóng mây sánh đôi bóng núi, Con chim nhạn hát điệu tình quê, Một biển trời như con mẹ cất tiếng ru, Trăng nhú lên bến cảng quê hương, Trăng cũng đẹp, đất cũng đẹp, sao đâu đâu cũng đẹp! …”
Quả thật “sao đâu đâu cũng đẹp”; Những ai đã một lần đến với vùng đất này đều có chung một suy nghĩ rằng Kiên Giangđể lại nhiều ấn tượng, lưu luyến và khó quên; Vì sao? Vì nơi đây giống như một đất nước Việt nam được thu nhỏ với các địa danh thắng cảnh nổi tiếng hội tụ về đây, như lời của cố thi sĩ Đông Hồ: “Ở Kiên Giang kỳ thú thay, có một ít hang sâu, động hiểm của Lạng Sơn, có ngọn núi chơi vơi giữa biển khơi của Vịnh Hạ Long, có ít núi vôi của Ninh Bình, ít Thạch Thất Sơn Môn Hương Tích, có một ít Hương Giang, chùa chiền Bắc Ninh, lăng tẩm Thuận Hóa và một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, Nha Trang, Vũng Tàu, Long Hải,…”.
Đến với Hà Tiên, du khách không ai là không được nghe lịch sử của vùng đất này, do vị tướng Mạc Cửu vào cuối thế kỷ 17 đã có công khai phá tạo dựng nơi đây để có được một Hà Tiên như ngày hôm nay, vì vậy để nhớ ơn công lao to lớn của Ông, người dân đã lập đền thờ Ông và dòng họ Mạc, lưu truyền đến hậu thế.
Có một địa điểm đã trở thành biểu tượng tiêu biểu của du lịch Hà Tiên lâu nay với câu chuyện truyền thuyết đã đi vào huyền thoại “Hòn Phụ Tử”. Hòn Phụ Tử là cảnh quan tuyệt đẹp, vừa tạo nên một tuyệt tác của thiên nhiên giữa trời mây, non nước, vừa để lại những tình cảm xúc động quanh câu chuyện đầy tính nhân văn. Tương truyền rằng, xưa kia ở vùng biển này có một con thuồng luồng rất hung dữ hay làm đắm thuyền để bắt ngư dân ăn thịt. Bất bình trước sự việc này nên hai cha con làm nghề chài lưới sinh sống cạnh chùa Hang quyết tâm đi tiêu diệt con ác thú này để trừ hại cho bà con dân làng. Vì biết là sức mình không thể đánh trả con ác thú nên người cha đã tự tẩm thuốc độc vào mình, nằm sát bờ biển để dụ con ác thú. Và đúng như dự định, con ác thú đã thấy con mồi và tới cắn đứt đầu người cha. Nhưng chưa kịp ăn hết thì đã trúng độc, lăn ra chết. Sau đó, người con đi tìm cha của mình, và thấy xác người cha không còn nguyên vẹn sát bờ biển bèn ôm lấy khóc thương thảm thiết rồi chết do trúng độc từ người cha lan sang. Và rồi, trời nổi giông bão suốt mấy ngày liền, nơi hai cha con chết mọc lên hai hòn đá, một to - một nhỏ trông giống như hai cha con đứng canh giữ biển khơi, bảo vệ cho dân làng. Để cảm tạ sự hy sinh cao cả của hai cha con, người dân gọi đó là Hòn Phụ Tử.
Ngày nay trong các chuyến hành trình về Hà Tiên, du khách đều một lần đặt chân đến tham quan “Hòn Phụ Tử”, mặt dù hòn Phụ ngày nay đã không còn hiện hữu cách đây 11 năm (kể từ 09/8/2006) do sự bào mòn của sóng biển vào chân hòn, nên hòn Phụ đã bị đổ sập. Hàng ngàn năm đứng giữa biển khơi, chịu những cơn giận dữ của sóng biển, phong ba bão tố… không bị bào mòn sao được? Ta hãy quán chiếu rằng chúng cũng như con người, sinh tử là vô thường theo quy luật “Sinh Già Bệnh Chết” mà tạo hóa đã dành cho con người trong kiếp phù sinh này; Qua thời gian hòn Phụ đã già, nay đã trở về với lòng biển cả, bỏ lại hòn Tử lẻ loi, cô độc giữa chốn nhân gian, có khác gì kiếp sống vô thường của con người chăng? Thiên nhiên đã tạo dựng nên một Hòn Phụ Tử từ cát bụi được, thì thiên nhiên cũng mang nó trở về với cát bụi được. Bản chất của cuộc sống này chính là Chân Như duyên khởi, vạn vật đều là vô sinh vô diệt, “Thành Trụ Hoại Không” muôn đời là bất biến, đừng nghĩ rằng đá sỏi là vô tri vô giác, tôi cảm nhận chúng cũng như con người cũng có linh hồn, có lẽ ta không hiểu được cảm nhận của đá sỏi đó thôi.
Trong chuyến du hành, tất cả các thành viên trong đoàn như được tiếp thêm năng lượng trong chánh niệm qua những thời trì tụng ngắn Kinh Phước Đức và Chú Đại Bi do quý thầy trong Tăng thân dẫn chúng trên xe mỗi khi khởi hành bắt đầu cho một ngày mới. An lạc và hoan hỷ trong tình Tăng thân và đạo hữu là cảm nhận chung của tất cả thành viên trong chuyến du hành về miền đất “…Tiên” lần này.
Bánh xe thời gian cứ mãi quay đều bất tận, nếu như mỗi hành giả biết cách chọn cho mình con đường quay về bến giác thì chắc chắn cuộc sống trong mỗi giây phút hiện tại sẽ an lạc trong từng bước chân, trong từng nhịp thở.
Những tia nắng bình minh ló dạng nơi chân trời xa tít hay những giọt nắng vàng yếu ớt chìm dần vào giữa lòng đại dương bao la, tất cả là do vòng tuần hoàn của mặt trời chiếu rọi xuống nhân gian theo vòng quay chu kỳ hai mươi bốn giờ đồng hồ một ngày. Bình minh đó rồi lại hoàng hôn đó giống như vòng xoay của cuộc sống mà con người cứ mãi chạy theo đuổi bắt tìm cầu thứ hạnh phúc mong manh giả tạm được - mất, bại - thành ... Chỉ có những tia nắng rực rở từ “Mặt trời hồng tỉnh thức” sẽ mãi là ánh bình minh bất diệt chiếu sáng xuống nhân sinh và sẽ không bao giờ có ánh buồn hoàng hôn mỗi khi chiều về trước biển trần này.
“…Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mĩn cười
An trú trong hiện tại
Giây phút đẹp tuyệt vời…”
Nguyễn Hưng - Minh Trí
Tin Tức Liên Quan
- Pháp thoại “Tỉnh thức về cơn giận” tại chùa Pháp Vân ( 4/04/2018 9:45)
- Giao lưu ra mắt sách “ Mở lối yêu thương’’ của Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình (25/03/2018 1:33)
- Viên mãn chuyến hoằng pháp đầu năm Mậu tuất của Thầy Trí Chơn tại châu Âu (22/03/2018 10:26)
- TT Thích Trí Chơn thăm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hoà Áo, Cộng hoà Séc và Hội Người Việt Nam tại CH. Séc (13/03/2018 10:22)
- Lễ cầu an đầu năm tại CH. Séc. (12/03/2018 9:53)
- Lễ Thượng Nguyên tại chùa Pháp Hoa – Erfurt (tường thuật) ( 6/03/2018 10:39)
- Đại Lễ Thượng nguyên tại chùa Pháp Hoa - Erfurt, một dấu ấn lịch sử trong cộng đồng Phật giáo người Việt tại Đức ( 6/03/2018 4:00)
- Lễ Thượng nguyên - Cầu an đầu năm tại chùa Nhân Hoà - Ba Lan. ( 6/03/2018 3:34)
- Phim về Thiền sư Nhất Hạnh chính thức ra mắt tại VN (25/02/2018 9:28)
- Pháp Thoại “Ba Nghiệp Thanh Tịnh” Tại Khánh Hoà (22/01/2018 6:37)