Pháp thoại “Hạnh của cây” tại tịnh xá Ngọc Phước, Oregon - Hoa Kỳ

15/09/2019 9:30
Chiều 13/09/2019, nhận lời mời của Ni Sư TN Liên Như, Thầy Trí Chơn đã có mặt tại Tịnh Xá Ngọc Phước (Oregon - Hoa Kỳ) để chia sẻ Phật pháp đến với hội chúng. Trong buổi chia sẻ, thầy đã nói về “Hạnh của cây” qua nhãn quan của người học Phật để lấy đó làm kinh nghiệm sống cho bản thân.

Oregon là một trong những thành phố có môi trường xanh đứng vào hàng top của Hoa Kỳ. Khác với những trung tâm kinh tế tài chính với những tòa nhà chọc trời, xe cộ tấp nập... cùng với những chen chút nhọc nhằn bên một khối bê tông vĩ đại, thì khi được trở về với một khu rừng, tiếp xúc được với trời mây non nước, hoa lá cỏ cây, bao nhiêu lụy phiền trong lòng ta trở nên lắng xuống nhẹ nhàng. Nơi đó ta được sống, được thở, được hòa mình vào với màu xanh của môi trường.

 

Trong bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao”. Cái dại ở đây không phải là ngu muội, dốt nát, dại ở đây có nghĩa là yên bình, thiên nhiên và nguyên sơ nhất, sống một cuộc đời như cỏ dại hoa thơm. Cái dại của cỏ cây hoa lá rất nhẹ nhàng, thanh thản, ấy vậy mà hạnh phúc làm sao. Còn cái khôn ở đây là cái khôn của sự toan tính, được mất, bại thành, hơn thua... cái khôn này làm cho tình người bị chia cắt. Cho nên chúng ta hãy chiêm nghiệm cho thật sâu sắc chữ “dại” hồn nhiên này. Được sống trong môi trường xanh đẹp, đi qua những tán cây, được hít thở không khí trong lành đã dạy ta phải biết sống hài hòa với thiên nhiên. Thiên nhiên là tự tính của tất cả các pháp mà môi trường tự nhiên sản sinh, không có bàn tay của con người can thiệp vào.








Đã đến lúc con người cần phải học rất nhiều từ thiên nhiên. Một cái cây muốn đứng vững cần phải bám rễ sâu vào lòng đất, một khi thân càng vững thì cành lá càng sum suê, nhờ thế mà cho ra hoa thơm cỏ ngọt. Chúng ta có thể hình dung, bộ rễ đó chính là đạo đức, là nhân phẩm, là giới luật mà đức Phật đã dạy. Cây nhờ bám sâu rễ xuống đất mà sinh trưởng thì hạt giống thiện lành cũng cần phải bám sâu vào mãnh đất tâm để nuôi dưỡng cây giới đức, cây phẩm chất bên trong mỗi chúng ta. Giới đức cơ bản mà quý Phật tử cần trau dồi là năm nguyên tắc đạo đức. Thực tập cho tốt năm nguyên tắc cơ bản này sẽ làm nền tảng cho ta xây dựng được một cuộc sống tự do trong đời này và cả đời sau. Giới luật của Phật đề ra là để ta học, ứng dụng và chuyển hóa, nếu không thì cũng chỉ là một cái cây bàn bạt trên mặt đất dễ gẫy đổ. Nếu rễ là giới thì thân này là định, con người ta sống cần phải định. Ta cứ nghĩ phố chợ là nơi ồn ào, nhưng nơi ồn áo nhất thật sự là tâm chúng ta. Định là sự vắng lặng, dừng lại  tất cả những suy nghĩ lo toan. Nhờ giữ giới mà ta có được định, nhờ định mà phát sanh trí tuệ. Cũng giống như khi nhìn một cái cây với tán lá to rộng, hoa trái sum suê, ta biết rằng hoa trái ấy là hoa trái của trí tuệ, là thành quả của sự tu tập trì giới.

 

Ngoài bộ rễ ra, ta con học được bài học từ chiếc lá. Lá là buồng phổi của ta và ta cũng là sự sống của lá, chiếc lá còn là những phương thuốc kỳ diệu cho con người. Lá đã vậy mà hoa cũng thế, thứ nhất là hoa đẹp, thứ hai là hoa thơm. Con người cần phải làm đẹp và tỏa ngát hương thơm cho cuộc đời, cái đẹp giới đức từ bên trong đẹp ra. Cái đẹp của người đức hạnh là cái đẹp không bay ngược chiều gió mà biến mãn khắp mười phương. Cho nên giới đức, phẩm hạnh và trí tuệ bên trong mỗi con người vô cùng quan trọng. Đó không phải chỉ làm đẹp cho riêng mình, mà còn làm đẹp cho gia đình và cuộc sống xung quanh mình. Hãy sống với môi trường thiên nhiên là thế, hãy học cây cối thiêng liêng là thế. Một khi hoa đã thơm thì trái sẽ ngọt, trí tuệ luôn mang đến sự ngon ngọt và bổ dưỡng cho con người. Mình hãy sống làm sao để mang sự ngọt ngon này làm niềm vui sống cho những người xung quanh.

 

Một yếu tố quan trọng cuối cùng là tính vững chãi, đoàn kết, hòa hợp của cây. Chúng sống thành rừng tạo nên sự vững chãi, mát mẻ, chắn gió, chắn bão. Hãy chiêm nghiệm lại để xem mình có được tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau không. Cây to sẽ là nơi nương nấu cho rất nhiều loài bé nhỏ, đó là những loài dây leo, những cây phong lan bám vào, những ngọn cỏ rêu phong... hay những chú chim bay về làm tổ. Sống trên đời, tuổi càng cao, tác càng lớn, thì càng phải biết bao dung, đùm bọc cho những cây nhỏ hơn. Đó gọi là cây cao bóng cả. Có một nghịch lý rằng khi con người ta càng lớn thì cái tôi càng dâng cao. Hãy dẹp bỏ cái tôi, chính vì ta trưởng thành, ta là người lớn vì vậy cần phải có sự bảo bọc, ngăn che và cần phải có sự đảm đương với những cái nhỏ, cái thấp bé hơn mình. Đó mới xứng đáng là bậc trưởng thượng.

 









Trước đó đêm 12/9/2019, Thầy đã có một pháp thoại tại đạo tràng Quan Âm Eugene.

Tại đây, thầy về quán tưởng danh hiệu Đức A Di Đà. 

Thầy giải thích 3 ý nghĩ của danh hiệu A Di Đà tương ưng với Tam Thân Phật. Vô lượng công đức thuộc về báo thân còn gọi là công đức thân; Vô lượng quang thuộc về ứng hoá thân, ánh sáng trí tuệ Đức Phật đến đâu thì hóa thân của Đức Phật đến đó; Vô lượng thọ mạng thuộc về Pháp thân trùm khắp pháp giới. 

Sau pháp thoại, thầy giải đáp những thắc mắc của hội chúng trong đời sống tu tập nơi xứ người.

Tâm Minh Tuệ

 

Tin Tức Liên Quan