Pháp thoại “Lối về uyên nguyên” tại tịnh thất Hiền Như, California - Hoa kỳ.

20/09/2019 4:37
Vào đêm 18/09/2019, Thầy Trí Chơn đã có mặt tại tịnh thất Hiền Như, California - Hoa Kỳ. Thầy đã có thời pháp ngắn chia sẽ đến hội chúng nơi này.

 Thầy nói, mỗi ngày, ta tiếp xúc với không biết bao nhiêu điều từ trần cảnh, tất cả mọi âm thanh sắc tướng ấy ta đưa vào trong tàng thức qua sáu cánh cửa: mắt, tay, mũi, lưỡi, thân, ý. Và đó chính là ta đang tạo vốn liếng - cái duy nhất mang theo với ta sau này. Nghiệp thức.

Hạ Tri Chương là một nhà thơ nổi tiếng đời Đường, sau bao nhiêu năm xa cách, cuối đời ông trở lại quê hương, bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ cùng bao sự đổi thay, lạ lẫm, ngỡ ngàng. Những đứa trẻ xem ông như người khách lạ, trong lòng buồn tủi, ông đã làm một bài thơ:


Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi

Hương âm vô cải mấn mao thôi

Nhi đồng tương kiến bất tương thức

Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.

Nghĩa rằng, thuở rất nhỏ mình từ giả xóm làng vì sự nghiệp, công danh, mãi cho đến về già mới có cơ hội về lại quê hương, nơi chôn nhao cắt rốn. Người tiều tụy, chỉ có giọng nói còn đọng lại một chút âm hưởng của xóm làng. Cảnh đổi đã đành, mà người cũng đổi thay. Ngay nơi quê hương của mình, ngay nơi mình đã từng sinh sống, đã từng bắt đầu, mà rồi để khi trở lại, với câu hỏi vô tình của đứa trẻ kia, cứ ngỡ đây có phải là nơi ta đã từng sinh ra? Hãy quán chiếu cho thật sâu, hãy nhìn cho thật kỹ, đôi khi ta sẽ thấy được hình ảnh của mình.

Những ngày tháng đầu đời mình sống trong vòng tay êm ấm, rất bình yên và hạnh phúc của cha mẹ. Nhưng rồi, vì công danh sự nghiệp bương chải, quên mất chiếc nôi ngày xưa, cho đến khi trở lại mình không nhận diện được chính mình và người sau cũng chẳng nhận ra ta. Về khía cạnh cuộc sống hiện thực là thế, còn về phương diện tâm thức là như thế nào? Cái thuở ban đầu tâm ta trong vắt sáng ngời, sống hồn nhiên như một đứa trẻ, nhưng rồi một ngày ta đã xa xóm xa làng ra đi, xa luôn những ngày bình yên tuổi trẻ nô đùa. Cái xa của tâm thức ngày một lớn dần và ta bắt đầu tìm đến cái tài, cái danh, cái sắc, cái thực, cái thụy. Thuở ban đầu, tâm ta không có những yếu tố đó, nhưng dần dần ta tự đồng hóa mình với những cái mà ta cho là giá trị trong cuộc sống, để rồi đôi khi càng đi ta lại càng xa lối về.

Cuộc sống của chúng ta không chỉ dừng lại ở những cái bên ngoài mà mình đang trang điểm cho tấm thân. Tấm thân này là vay mượn, thứ đi theo chúng ta chính là cái tâm. Ta không thấy được tâm, nhưng qua hình tướng ta biết được cách biểu hiện của tâm như thế nào. Chính cái tâm là kho tàng nuôi dưỡng những hạt giống dù tốt dù xấu mà ta sẽ mang theo. Học Phật là để trang điểm cái tâm, vậy thì ta phải biết lấy giáo pháp đặt để vào trong trái tim mình. Nơi đó có bình yên, tỉnh lặng, hạnh phúc, có tình thương giữa con người với con người.


Ngày qua ngày, trong đời này và trong cả sáu nẻo luân hồi mà ta qua, những thứ mà ta tiếp xúc, ta trải nghiệm hằng ngày nó trở thành định kiến, nó trở thành cái của ta và ta cho nó là đúng trong phạm vi nhỏ hẹp của mình. Tất cả chúng ta gần như sống bằng định kiến. Những người biết sống với cập mắt dung thông sẽ thấy được rằng bên cạnh đóa hoa xinh đẹp thì chúng được nuôi dưỡng bằng lọ nước hôi. Và chúng ta cũng thế, dưới đáy của chìu sâu tâm thức mình cũng ẩn tàn những yếu tố của tham, của sân si, tật đố, tị hiềm, ghét bỏ... Vì vậy, học Phật là để nhận diện và chuyển hóa chứ không phải loại trừ. Tuệ quán là để nhìn thấy rõ bản chất của sự vật hiện tượng. Nếu như tham lam là năng lượng thì từ bi trí tuệ là năng lượng. Và nếu như sân giận là năng lượng thì khoang thứ bao dung cũng là năng lượng. Thế nên ta phải làm sao để chuyển hóa năng lượng tâm của ta trở nên tốt đẹp hơn. Đến với một người ta phải hiểu cho được và chấp nhận cả hai mặt tốt xấu, có vậy mới bền lâu. Chúng ta đều có khuynh hướng tìm cầu hạnh phúc, tìm cầu bình an, vậy mà ta không chịu đào luyện nội tâm mình cho mát mẻ mà cứ đòi hỏi nơi người, điều chỉnh nơi người. Vì vậy, sự tu tập của con người suy cho cùng là quay về với chình mình để thấy cho được những gì diễn ra trong tâm thức. Đó là một nghệ thuật sống.

Trong đạo Phật có một “Hạnh anh nhi”, tức là hạnh của trẻ thơ. Ta hãy tập dần buông bỏ cái nhìn của định kiến, đặt để, xét nét, so đo. Chính vì định kiến, đặt để mà có phân biệt, chấp trước, phải trái, tốt xấu. Hãy sống như hạnh của trẻ thơ để tiếp nhận các sự vật hiện tượng một cách đơn thuần nhất, tiếp nhận một cách trẻ trung và tinh khôi nhất để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, tốt lành hơn.

Tâm Minh Tu







Tin Tức Liên Quan