“Nền tảng của chánh niệm” - Bài 3: Quán Thân (tiếp theo)

7/07/2019 9:53
Sáng nay, ngày 7/7/2019, tại Pháp Đường Chánh Niệm – Tu viện Khánh An, Thượng tọa Tăng Định, trụ trì chùa Kỳ Viên – Quận 3, đã hướng dẫn quý hành giả buổi học thứ 3 với phần niệm hơi thở.

Thượng tọa dạy, Quán niệm hơi thở là phương pháp hành thiền cơ bản, trong đó hành giả tập trung chánh niệm trên cảm giác của hơi thở vào và hơi thở ra. Hơi thở không phải là vật gì đó mà chúng ta tạo ra hay tưởng tượng, chỉ là một quá trình tự nhiên của cơ thể liên tục hoạt động cho đến khi mạng sống chấm dứt, dù chúng ta có chú tâm vào hơi thở hay không, hơi thở vẫn luôn hiện diện, và chúng ta có thể quay về hơi thở bất cứ lúc nào. Hơi thở chính là đề mục, là đối tượng để niệm, ghi nhận giây phút hiện tại, không xao lãng tâm trí mình. Khi có chánh niệm ta dễ dàng nhận biết các cảm thọ trên thân. Hơi thở như một người bạn đồng hành theo chúng ta suốt cuộc đời dù là đau khổ hay hạnh phúc.


Quán niệm hơi thở sẽ giúp ta đạt được sự tỉnh thức, ánh sáng trí tuệ phát khởi, từ đó đoạn trừ các tham dục qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; đối trị sợ hãi, giúp hành giả có thể tu tập trong bất cứ hoàn cảnh nào; đem lại hỷ lạc cho hành giả; đưa đến thành tựu chánh trí, giác ngộ giải thoát và đạt được Niết bàn.


Trích lời dạy của Thiền sư Mahasi về kỹ thuật tập trung vào bụng khi thiền quán, Sư dạy quý hành giả ghi nhớ những chuyển động của thành bụng khi thở giúp ta quán sát sự dao động của tâm. Mỗi khi ta thở vào và thở ra, bụng chúng ta di chuyển theo dạng phồng rồi xẹp rất rõ ràng, dễ theo dõi. Lúc này, ta không cần phải nhìn gì cả, nhắm mắt lại và chú tâm vào bụng. Khi bụng phồng lên, ghi nhận là "phồng". Khi bụng xẹp xuống, ghi nhận là "xẹp". Không cần phải tự nói thầm là "phồng" và "xẹp".

Nếu tâm phóng đi nơi khác, hãy ghi nhận sự phóng tâm như thế, ghi nhận "phóng tâm". Rồi trở về đề mục chính là sự phồng-xẹp của bụng. Nếu cảm thấy mệt mỏi hay đau đớn, chỉ ghi nhận hai hay ba lần: "đau, đau, đau", rồi đem tâm trở về đề mục ghi nhận sự chuyển động của bụng. Nếu có nghe một âm thanh nào đó, chỉ ghi nhận hai hay ba lần: "nghe, nghe, nghe", rồi chú tâm trở lại vào sự phồng-xẹp của bụng. Hành giả cố gắng ghi nhận, chú tâm một cách tỉnh thức. Trong quá trình thực tập như thế, hành giả sẽ tự thực chứng được sự sinh-diệt của hơi thở, rộng hơn là trực nhận được đặc tính vô thường của vạn vật trong vũ trụ. Thực tập được như vậy tuy đôi lúc tâm cũng có dao động nhưng nhờ chánh niệm mà vượt qua ô nhiễm tâm hồn, đối diện phiền não, thay đổi tri kiến về những hiện tượng trên thân, từ đó điều khiển đời sống tâm linh, điều chỉnh lại quan niệm sống, tự hiểu được hạnh phúc và đau khổ trong cuộc đời.


Hành thiền giúp hành giả tạo một đời sống hướng thiện, nuôi dưỡng các cảm thọ tốt đẹp như hỷ, lạc, xả, và từ bỏ các cảm thọ không tốt đẹp như khổ, ưu. Đây là một sự giáo dục tâm lý, đoạn tận các tâm lý không tốt đẹp như năm triền cái vốn bắt nguồn từ tham sân si, và thay thế bởi những điều tốt đẹp. Thiền định như một bước tiến trong hành trình vun bồi giới đức, và là nền tảng để phát triển tuệ giác.

Sau buổi giảng, Thượng tọa  hướng dẫn hành giả các phương pháp, kỹ thuật khi thiền đứng và thiền đi, tập trung hơi thở trong từng bước chân. Quý hành giả thực tập theo trong niềm hoan hỷ. Kết thúc buổi thiền tập, đại chúng đồng thọ trai.



Tin: Lệ Ánh, Ảnh: T. Lưu

Một số hình ảnh ghi nhận được:














Tin Tức Liên Quan