Giờ Tham vấn khóa tu Sống tỉnh thức lần thứ 47

1/06/2020 6:17
Vào lúc 14 giờ 31/5/2020 (nhằm 9/4/Canh Tý), sau 30 phút thiền tọa và thọ trì Kinh Chuyển Pháp Luân, hội chúng đã có giờ tham vấn. Thầy Trí Chơn là người trả lời những thắc mắc của quý thiền giả.

Cô Từ Ngọc ở Tân Bình, TP.HCM đặt câu hỏi: mấy chục năm trước lúc mang thai, cô có phát nguyện nếu sinh được mẹ tròn con vuông cô sẽ cạo đầu. Nhưng, cô không thể thực hiện được, vậy có thể thay thế việc ăn chay trường bằng việc cạo đầu hay không?


Thầy trả lời, với thế gian mái tóc là vẻ đẹp của con người “Cái răng cái tóc là vóc con người”. Đối với người tu, Đức Phật dạy mỗi sợi tóc chính là một sợi buồn, một sợi phiền não, tủi hờn. Do vậy người tu cạo đầu được hiểu như là sự rủ bỏ phiền não, khổ đau, nghiệp chướng. Việc cạo đầu còn thể hiện sự vứt bỏ ngã chấp, thể hiện sự khiêm hạ đến tột độ trong lối sống của người tu hành. Khi cạo bỏ râu  tóc đi có nghĩa là ta đã không tơ tưởng gì đến hình thức đẹp xấu, không cần chải chuốt, vứt bỏ mọi sỹ diện, tự ái. Đó là hành động đầu tiên mà người tu hành thể hiện quyết tâm gạt bỏ ngã chấp ở bản thân, quyết tâm đi theo con đường tìm kiếm sự hoàn thiện trí tuệ, quyết tâm xóa bỏ vô minh. Đôi khi sông sâu biển rộng không thể ảnh hưởng đến con người ta nhưng chỉ với một sợi tóc thôi đã làm bao người điêu đứng: “Tóc em từng sợi nhỏ, Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh”.

Ngoài mái tóc, người tu còn phải mang trên mình bộ quần áo hoại sắc. Thời Phật tại thế, các nhà sư không mặc áo lành, mà dùng các mảnh vải rách nhặt được, không kể đẹp xấu, màu sắc, họ phải tự mình chắp, ghép các mảnh vải vụn lại với nhau để khâu thành một tấm Y từ nhiều mảnh vụn. Làm như thế để làm gì? Có phải vì họ nghèo túng không thể có áo không? Không phải, có nhiều người sẵn sàng cúng dường áo cho họ, nhưng khi mặc thế, các vị sư muốn tiêu diệt thói kiêu căng, và thói quen thích đẹp thích tiện nghi vốn tiềm ẩn nơi xác thân - tiêu diệt ngã chấp. Thầy khuyên, thay vì hứa hẹn sẽ phủi bỏ mái tóc thì hãy nên thực tập rũ bỏ phiền não của tâm để đạt được sự bình an. 


Cô Phương Diệu cũng nhân trong khóa tu này bộc bạch những tâm sự của cô trong thời gian cách ly do dịch Covid-19 , nhờ bức “Tâm thư gửi bạn Covid19” của Thầy mà đã giúp cô vượt qua được khó khăn cũng như các vấn đề tâm lý trong khoảng thời gian vừa qua.


Chị Thùy Vi (Thủ Đức, TP.HCM) hỏi về vấn đề thai giáo theo quan điểm của Đạo Phật?


Thầy nói rằng, bất kỳ tôn giáo nào cũng chú trọng đến việc nuôi tâm. Đặc biệt, với người phụ nữ đang mang thai, mọi lời nói, hành động, ý nghĩ đều ảnh hưởng đến đứa trẻ. Ông bà xưa thường dạy con cháu rằng: “Muốn cho con hiền thì người mẹ phải siêng làm việc hiền, muốn cho con có nhân cách, đạo đức thì người mẹ thường nên đi chùa, tụng kinh, lễ bái, gần người hiền trí, muốn cho con xinh đẹp thì người mẹ nên quán tưởng đến Đức Phật, muốn cho con hiếu thảo thì nên phụng dưỡng, cung phụng mẹ cha”.

Sự kết thân trở thành mối quan hệ cha mẹ và con cái là do nghiệp duyên. Chúng ta là sự tiếp nối của cha mẹ, cũng như cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp. Cây bắp không thấy được hạt bắp nhưng nó biết nó là sự tiếp nối của hạt bắp và hạt bắp có mặt trong mỗi tế bào của cây bắp.

Điều này có thể áp dụng cho tổ tiên huyết thống cũng như tổ tiên tâm linh của mình. Tuy chúng ta đã sinh ra hơi trễ, trễ 2,600 năm sau khi Phật tại thế, nhưng đối với người con Phật biết tu tập chánh niệm đều biết rằng Phật đang có mặt bây giờ và ở đây. Cha của mình cũng vậy, mà mẹ của mình cũng vậy! Đó chính là tuệ giác ta có được khi thực tập niệm và định.

Sự thương yêu của cha mẹ đối với con cái không có ngôn từ nào có thể diễn tả trọn vẹn hết được. Như mặt trời, mặt trăng luôn soi sáng khắp nhân gian, tấm lòng cha mẹ hướng về con cái cũng luôn giống như vậy. Trong mắt mẹ hiền, con mãi mãi là đứa con nhỏ bé của mẹ. Nếu hỏi rằng tình thương của cha mẹ bao giờ mới dứt thì câu trả lời có lẽ là khi cha mẹ rời khỏi cõi đời này. Chỉ đến khi ta làm cha, làm mẹ mới có thể thấu hiểu và đồng cảm về nỗi lòng to lớn ấy.



Cô Nguyên Hạnh (Gò Vấp, TP.HCM) nhờ Thầy giải thích cho cô rõ về ý nghĩa của chữ tam muội trong “lửa tam muội” và “niệm tam muội”

Thầy nói rằng “Tam muội” dịch âm từ chữ Phạn là "samādhi", dịch nghĩa là “chánh định” nghĩa là an trụ tâm vào một chỗ, một cảnh. Người tu thực hành thiền định, trụ tâm vào một đối tượng Chánh pháp, không cho tán loạn, giữ gìn an tĩnh, trạng thái này gọi là Tam muội. Niệm Phật đã vào tam muội (nhất tâm) thì tâm tự niệm tự giác (rõ ràng) tự thanh tịnh. Lửa tam muội là một cách ảnh dụ nhờ thiền định mà có thể đốt cháy phiền não khổ đau cho chúng sinh nếu biết tu tập.


Kết thúc buổi vấn đáp cũng là thời điểm khóa tu hoàn thành viên mãn trong sự hoan hỷ của tất cả quý hành giả.

Ngọc Ánh

Hình ảnh ghi nhận được:







Tin Tức Liên Quan