Buổi tham vấn Khóa tu “Sống tỉnh thức” lần thứ 49

28/09/2020 7:27
Chiều ngày 27/09/2020 (11/08/Canh Tý), cũng trong khuôn khổ Khoá tu Sống tỉnh thức lần thứ 49, Thầy Viện chủ đã có buổi tham vấn để giải đáp các thắc mắc còn vướng mắc trong quá trình tu tập của hành giả.

Cô Diệu Hà (Gò Vấp) có câu hỏi: Kính thưa thầy người ta bảo Đức Phật đúng hơn là một nhà giáo dục, Ngài là giáo sư; Kinh điển là giáo khoa và chùa là ngôi trường. Học theo Ngài mà tụng kinh, cúng bái, lễ lạy là không đúng đâu. Con  xin thầy chỉ dạy về quan điểm này? 


Thầy trả lời: Trước khi trả lời đức Thích Ca có là một nhà giáo dục hay không ta thử tìm hiểu một nhân vật mà hậu thế tôn vinh ông là thánh hiền, là nhà giáo dục lỗi lạc. Người Trung Quốc vinh danh ông là Vạn thế Sư biểu, nghĩa là bậc thầy của muôn đời. Đó là Khổng Tử. 


Tư tưởng triết học của Ông nhấn mạnh đến sự tu dưỡng đức hạnh của mỗi cá nhân và bậc trị quốc cần phải bắt đầu từ “tu thân”, “tề gia”, rồi mới đến “trị quốc”, và sau cùng là “bình thiên hạ”. Ông nổi tiếng với hệ tư tưởng “đạo trung dung” và các quy phạm về đạo đức mà con người cần có, như Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Tư tưởng của ông nhằm kiến thiết một xã hội lành lặn, thái bình

Về quy tắc Tam cương ngũ thường trong đạo Khổng, cương là giềng mối, khuôn phép, Tam cương ngũ thường là chuẩn mực đạo đức, đời sống chính trị, xã hội được Khổng Tử đặt ra và nam giới phải theo, bên cạnh tam tòng tứ đức mà nữ giới phải tuân thủ. Khổng Tử cho rằng một xã hội duy trì được tam cương ngũ thường là một xã hội an bình, hạnh phúc. Ông là một vị thầy giáo mô phạm của Phương Đông ngàn đời nay.

Nho giáo có Khổng Tử thì Phật giáo có Đức Thích Ca Mâu Ni. Ngài là một người với tâm từ bi vô cùng to lớn không chỉ con người mà còn với vạn loại chúng sinh. Tất cả cỏ cây hoa lá, chim muông thú rừng dù nhỏ hay lớn Ngài đều đem tình thương để hoá độ.

Hình ảnh ấn tượng của cuộc đời khiến thái tử Sĩ Đạt Ta quyết định đi tu đó là nhìn thấy cảnh người già, người bệnh và người chết. 

Rõ ràng là chí nguyện tầm đạo của Ngài xuất phát từ tâm từ bi vô lượng cứu mình, cứu người giải thoát sinh tử luân hồi. Ngài là bậc đạo sư không chỉ hướng dẫn con người sống thiện lành ở thế gian mà còn là bậc thầy hướng dẫn tu tập để xuất ly thế gian. 

Năm nguyên tắc đạo đức mà Thế Tôn giáo hoá cho đời sống của người Phật tử tại gia cũng chính là những khuôn phép để xây dựng một xã hội bền vững. Mỗi lời kinh, tiếng kệ đều là lời dạy của Đức Phật, là lời hay ý đẹp nuôi dưỡng những điều thánh thiện để con người trở nên thiện lương hơn, chuyển hoá tham sân si, dứt trừ kiến chấp về ngã là điều kiện cần phải có để thoát khỏi sanh tử luân hồi, chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc, chuyển hoá phiền não thành Niết Bàn.

Một đấng đạo sư của trời người với tâm vô lượng vô biên như thế thì hà cớ gì việc lễ lạy Ngài là sai trái? Việc chúng ta may mắn được lễ lạy đức Thế Tôn là một việc làm vô cùng hạnh phúc, là ân đức ngàn đời. Ngài có mặt trên đời chính là nguồn năng lượng an lành cho con người. Không phải ngẫu nhiên mà LHQ chọn ngày ra đời của Đức Phật  làm ngày lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới. 

Vì thế, là Phật tử ta nên có niềm tin bất động với Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng

 

Cô Bùi Thị Phượng (Diệu Liên) Gò Vấp có câu hỏi:

Bạch thầy, một số người trong xã hội ngày nay bài bác việc xây dựng chùa to Phật lớn;  tu sĩ bây giờ sống theo phong cách hiện đại là không đúng với tinh thần đạo Phật. Kính mong thầy chỉ giáo để chúng con được rõ hơn.



Thầy nói, Ta có thể nhìn lại hình ảnh năm xưa, vào thời đại của Đức Thế Tôn đã có những ngôi đại tự, phải to lớn lắm mới có thể dung chứa được khoảng 1,250 người (theo các bản Kinh ghi lại). Tại Việt Nam, vào thời Lý có chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Trần Nhân Tông đã về đây thuyết Kinh và đệ nhị tổ Pháp Loa chính là người trụ trì nơi đây, ngôi chùa này có sức chứa lên đến 15,000 tăng ni. Một minh chứng khác, Chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) có sức chứa 3,000 tín đồ.


Ngày xưa, khi đất nước còn nghèo, đời sống con người chưa cao thì hình ảnh ngôi chùa nhỏ bé trong xóm làng hoà vào luỹ tre, bến nước với con đường nhỏ quanh co đã khắc ghi sâu đậm trong tâm thức của con người Việt Nam. Khi ấy, mỗi thôn mỗi làng đều có chùa, đó là một môi trường giáo dục tâm đức xây dựng xã hội bình yên, là nền tảng kiến thiết xây dựng xã hội vững bền, ngôi chùa là tài sản chung của xóm làng, của quốc gia. Chính hình ảnh ngôi chùa nhỏ đó đã nuôi lớn biết bao nhiêu thiện nhân, vừa có tài, vừa có đức phục vụ cho đất nước. Ngày nay, khi xã hội phát triển, dân số ngày càng nhiều, các tòa nhà cao tầng thi nhau mọc lên san sát. Vì thế, nhu cầu tâm linh ngày càng cao, thế nhưng, so với nhu cầu ấy thì số lượng chùa chiền cũng như cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng tinh thần ham tu học của các tín đồ Phật tử. Chùa là nơi giáo dục tâm đức, trí đức, là nơi hun đúc tâm thiện lành để xây dựng xã hội phồn vinh. Nhiều năm trước, chúng ta rất ít nghe các vụ án giết người man rợ, thế nhưng hiện nay tình trạng ấy xảy ra rất nhiều, vì thế hình ảnh ngôi chùa cần được phát triển rộng rãi để nâng cao giá trị sức sống tâm linh vốn dĩ rất quan trọng trong đời sống con người. 

Việc các quý Thầy sống theo thời hiện đại ấy cũng chỉ vì thích nghi với cuộc sống này, điều đó cũng chính là phương tiện để cho Phật tử tu tập tốt hơn. Người tu không bị dính mắc vào những tài sản, sắc dục mà chỉ lấy đó làm phương tiện để hoằng pháp lợi sinh, mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc đời. Hiện nay, mạng xã hội phát triển nhanh chóng khiến mọi thông tin đều đảo điên, sai trái, thật giả lẫn lộn, trong bối cảnh đó, đạo Phật đã tùy duyên, dùng phương tiện để truyền trao những giá trị của đạo giải thoát. Ánh sáng trí tuệ của Đức Thế Tôn, những giá trị đạo đức cần được tôn vinh vẫn cứ thế được quý Thầy ngày ngày miệt mài truyền dạy đến chúng sanh. Tuy rằng đâu đó, vẫn còn những thành phần gây huỷ hoại, phỉ báng đạo pháp thế nhưng phần đông những thầy tu đều sống theo tôn chỉ “tam thường bất túc”, đều có những bước chân thảnh thơi, nụ cười hỷ lạc toát lên vẻ đẹp người tu sĩ. Những sóng gió lần hồi đi qua, người tu sĩ sẽ trở thành vị thuyền trưởng thiện nghệ lèo lái con thuyền thân tâm xuôi dòng thánh thủy. Đấy chính là những người tu chân chính, cùng nhau xây dựng xã hội phồn vinh, thịnh vượng, một thế giới đầy huyền nhiệm và hạnh phúc.

Kết thúc buổi vấn đáp cũng là lúc khóa tu kết thúc viên mãn. Mọi người ai nấy cũng đều hoan hỷ rạng ngời.

Tin: Ngọc Ánh, Ảnh: T. Lưu

Một số hình ảnh ghi nhận được:



Tin Tức Liên Quan