Khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 64 với pháp thoại "Tĩnh Lặng - Nếp Sống Của Bậc Thánh"

7/11/2022 11:44
Ngày 06/11/2022 (nhằm 13/10/Nhâm Dần), khoá tu Sống tỉnh thức lần thứ 64 diễn ra với sự tham dự của gần 500 hành giả. Trong khoá tu này, Thầy Viện chủ đã có bài pháp với chủ đề “Tĩnh lặng - Nếp sống của bậc Thánh”




Mở đầu bài pháp, Thầy nói ngôn ngữ là một phương tiện để biểu đạt tâm ý, cảm xúc của mình về thế giới xung quanh nhưng một khi người đó đã hiểu rõ bản chất sự vật hiện tượng thì ngôn ngữ không còn cần thiết nữa. Con người thường có xu hướng dựa dẫm quá nhiều vào chữ nghĩa, vào câu từ mà không nắm được cái cốt lõi, cái bản chất của sự vật hiện tượng. Thế nhưng các bậc Thánh lại khác với hàng phàm phu của chúng ta, mỗi cái nhìn, mỗi hành động, lời nói của bậc Thánh đều thể hiện rõ ý nghĩa. 





Từ chủ đề của bài pháp, Thầy dạy tĩnh lặng là lắng xuống phiền muộn, không để tâm lao xao về quá khứ hay tương lai. Đệ tử học Phật là để trau dồi tâm tĩnh lặng của mình, nói năng như chánh pháp và im lặng cũng như chánh pháp.



Để có được sự tĩnh lặng đó, con người cần phải quay về chính mình, thực hành theo những lời dạy của Đức Thế Tôn và một trong những phương pháp đó chính là thiền. Thiền gồm có thiền định và thiền tuệ. Thiền giúp hành giả thấy rõ cảm xúc đích thực nơi mỗi con người, dùng ý chí để điều tiết cảm xúc của chính mình.


Cảm xúc là những sự vật hiện tượng ở thế giới bên ngoài tác động đến tâm ý của ta khiến khởi lên ba cảm thọ: hỷ thọ, ưu thọ, xả thọ. Khi đã hiểu rõ bản chất cảm xúc, ta sẽ không bị cảm xúc chi phối nữa. Thầy khuyên mỗi người nên giữ sự điềm tĩnh, vì trong cuộc sống bận rộn, hối hả ngày nay, con người phải chịu nhiều áp lực về công việc, sinh hoạt, môi trường và những sự việc xảy ra hàng ngày ngoài ý muốn, nên nhiều khi người ta không kiểm soát được chính mình, những cơn nóng giận tức thời có thể gây ra những hành vi tiêu cực. Thế nên, cố gắng điều tiết cảm xúc để ôn hoà mọi việc và giữ mối quan hệ mọi người được tốt hơn, và thiền định là phương pháp tốt nhất giúp ta chuyển hoá tất cả mọi nghịch cảnh, cuộc sống vốn dĩ không bao giờ êm đềm, suôn sẻ đôi lúc sẽ có những gập ghềnh, bế tắc nhưng quan trọng là ta biết nhìn ra sự thật, giải quyết và đón nhận.




Tu tập thiền định ta mở rộng tâm từ bi và lòng yêu thương. Trong khi thực hành thiền định, hành giả bắt đầu điều phục thân và điều phục tâm và phải trải qua năm thiền chi, đó là:


Tầm: tìm đối tượng để đặt tâm

Tứ: dán chặt tâm vào đối tượng

Hỷ: niềm vui bắt đầu phát khởi nơi tâm

Lạc: niềm an lạc lắng sâu vào tâm thức

Nhất tâm: tâm chuyên chú vào một điểm, tức là đối tượng được lựa chọn để quan sát. Lúc đó, tâm không còn bị phân tán, tán loạn. Đó là sự tĩnh lặng thư giãn của tâm trí an trú chỉ một việc vào đối tượng thiền định.


Năm thiền chi sẽ giúp đối trị năm triền cái: tham dục, sân hận, trạo cử - hối quá, hôn trầm - thụy miên và nghi ngờ.

Thầy dạy, hành giả chỉ cần thực tập theo phương pháp bốn hơi thở chánh niệm sẽ đạt được lợi lạc.


1/ Hơi thở vào/ra dài ta rõ biết ta đang thở vào/ ra dài

2/ Hơi thở vào/ra ngắn ta rõ biết ta đang thở vào/ ra ngắn 

3/ Cảm giác toàn thân ( hơi thở) ta sẽ thở vào/ ra  - ta thực tập

4/ An tịnh thân hành ta sẽ thở vào/ ra - ta thực tập.


Sau bài pháp, Thầy dành 15 phút để hướng dẫn hành giả thực tập.



Chiều cùng ngày, buổi vấn đáp diễn ra, nhiều câu hỏi được Thầy giải đáp tường tận, rõ ràng mang lại sự an lạc cho đại chúng.





1. Cô Diệu Liên: Làm thế nào trước khi hành thiền tâm luôn được an lạc mà không bị tâm tham chi phối? Hiến tạng để cứu giúp người bệnh là một việc làm cao đẹp. Vậy ở góc độ Phật giáo, những việc làm đó có ảnh hưởng đến sự siêu thoát của con người sau khi chết hay không?

 2. Cô Như Ngôn: Ý nghĩa của hình tượng Ngài Ca Diếp mỉm cười khi Đức Phật giơ cành hoa lên?

3. Cô Diệu Mây: Có nên chuẩn bị một tâm an lạc trước khi hành thiền?

4. Cô Phan Mỹ Kim: Cách hướng dẫn mọi người xung quanh tu tập

nhằm giải thoát phiền não trong cuộc sống?


Khóa tu kết thúc viên mãn.


Ngọc Ánh

Một số hình ảnh ghi nhận:


Tin Tức Liên Quan