Buổi Thiền
trà sáng nay, thầy trò cùng thảo luận về thức ăn nuôi dưỡng tâm.
Sau 15 phút
thiền tọa, đại chúng được lắng nghe sự chia sẻ của quí sư chú Trung Lưu, sư chú
Trung Thắng, chú Trung Hạnh, chú Trung Long và cô Trung Hiền với hai đề mục
chính đó là công phu hành trì với kiến thức xã hội mà chính bản thân các vị đã
lĩnh ngộ và thực tập.
Sư chú Trung
Thắng thì nhấn mạnh đến Giới thứ năm “Nuôi dưỡng và trị liệu”.
"Ý thức
được những khổ đau do sự tiêu thụ thiếu chánh niệm gây nên, con nguyện học hỏi
cách chuyển hóa thân tâm, nuôi dưỡng sức khỏe cơ thể và tâm hồn bằng cách thực
tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện nhìn sâu vào bốn loại
thực phẩm là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực để tránh tiêu thụ
những thực phẩm độc hại. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma
túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ bất cứ một sản phầm nào có độc tố, trong đó có
mạng lưới toàn cầu, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, sách báo, bài bạc và
chuyện trò. Con nguyện thực tập thường xuyên trở về với giây phút hiện tại để
tiếp xúc với những gì tươi mát, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong con và
xung quanh con mà không để cho tiếc nuối và ưu sầu kéo con trở về quá khứ;
không để lo lắng và sợ hãi kéo con đi về tương lai. Con nguyện không tiêu thụ
chỉ để khỏa lấp khổ đau, cô đơn và lo lắng trong con. Con nguyện nhìn sâu vào
tự tính tương quan tương duyên của vạn vật để học tiêu thụ như thế nào mà duy
trì được an vui trong thân tâm con, trong xã hội, và trong môi trường sống."
Trên tinh
thần “Nuôi dưỡng và trị liệu” qua bốn loại thức ăn,
Thầy khuyến tấn đại chúng: chúng ta thường có hai khái niệm đó là thân và tâm. Đối với thân thì ăn uống, vận động, thể thao,... đối với tâm thì học Phật Pháp, kiến thức xã hội nhằm giúp xây dựng tâm thức tốt đẹp,... Nhưng giữa thân và tâm có mối liên kết tương quan. Khi chúng ta nuôi thân cũng là nuôi tâm và ngược lại.
Nếu như chúng
ta đưa Phật Pháp vào tâm, đem những lời kinh câu kệ đến với tâm thức và thường
xuyên thực tập lời Phật dạy thì tự thân của chúng ta sẽ trở nên thiện lành,
việc làm cũng trở nên đúng đắn. Còn nếu như chúng ta xem những sách báo hạ
liệt, có những yếu tố tràn đầy tham sân si thì trong vô thức chính ta cũng sẽ
bị cuốn theo những sách báo đó và cũng sẽ làm những việc không chơn
chánh.
Như một lời
tâm sự thiết tha, thầy chia sẻ : thầy thật sự cảm thông và cũng rất lo lắng cho
những người xuất gia trẻ như chúng con trong thời điểm hiện tại, khi mà các
phương tiện truyền thông ồ ạt, các trang mạng xã hội mọc lên như nấm và bao vây
các con. Nó lôi cuốn các con vào những tiêu đề, chuyên mục không phù
hợp với người tu, người sơ cơ học đạo như chúng con sẽ rất dễ bị xuôi theo. Khi
thầy nói lên lời này, con cảm nhận được trong giọng nói của thầy thật sự mang
một nỗi ưu tư rất nhiều. Chúng con còn quá trẻ, tâm tính dễ dao động trước
ngoại cảnh, thầy luôn vì chúng con mà hết lòng khuyên nhủ.
Thầy khuyên
chúng con hãy nên chọn lọc những gì mà mình sẽ tiếp nhận trên Internet. Cái nào
mình cần và cái nào là không cần thiết. Chúng ta là người tu phải thật sự làm
chủ được tư duy và hành động của chính mình, không thể để ngoại cảnh chi phối
và lôi cuốn. Những trang mạng xã hội thật sự là rất ồn ào và nhiều độc tố,
nhưng vì chúng con được mang danh là thế hệ 9x, 10x nên những thứ này thật sự có
một lực hấp dẫn rất lớn và nếu không có sự nhất tâm hành trì thì chúng con sẽ
bị cuốn trôi theo nó.
Chính bản
thân con cũng nhận thức được rằng, các mạng xã hội như Facebook, Zalo,... Nó
giống như một con dao hai lưỡi cho chính bản thân mình. Chúng ta có thể biết
được rất nhiều thông tin qua các trang mạng đó, nhưng đồng thời cũng bị thứ đó
lôi cuốn làm tổn hại biết bao nhiêu thời gian vào nó. Có đôi lúc, vì không tự
chủ được chính mình mà cứ mãi cầm điện thoại lướt đến lướt lui, vô tình con đã
để một ngày của mình trôi đi rất lãng phí. Rồi thì tiêm nhiễm vào tâm thức
những thông tin bát nháo của xã hội, những thói sân si của người đời, từ đó
hình thành lên những tập khí cũ mà mình không hay biết. Thiết nghĩ nếu như bản
thân không bỏ Facebook, không hạn chế những phương tiện truyền thông thì con
thân tại già lam nhưng tâm tại trần tục. Chẳng khác gì vẫn là một người đi theo
dòng chảy của thế gian qua một cái điện thoại, trong khi chí nguyện của người
xuất gia đó chính là vượt cao đi xa, thoát ngoài cõi tục! Thật sự đáng hỗ thẹn
cho con.
Thầy cũng
giải nghĩa về bốn loại thức ăn để đại chúng cả nắm kỹ hơn. Thầy nói: Đoàn thực
nghĩa là các loại thức ăn thô như, cơm, cháo, sữa,...và những thứ đó chúng ta
ăn bằng miệng. Xúc thực là ăn bằng cảm giác, tiếp xúc thông qua các
giác quan như con mắt thấy cánh hoa rơi, tai nghe tiếng chim hót, mũi ngửi được
mùi hương,... Các giác quân tiếp xúc trần cảnh rồi vào bên trong tâm
đó gọi là xúc thực. Tư niệm thực có nghĩa là hồi ức, trầm tư. Ta nhớ nghĩ về
quá khứ, trong một khoảnh khắc nào đó tâm trí của ta sẽ hiện lên như một thướt
phim về những sự việc đã xảy ra, những ký ức đẹp, vui vẻ sẽ nuôi dưỡng ta, còn
những điều buồn khổ, bi lụy thì cũng khiến cho ta trở nên tiều tụy. Thức thực
là nhận thức hiểu biết, lấy hai điều này để nuôi dưỡng tâm trí mình và đồng
thời nó cũng là một kho tàng trong tiềm thức từ quá khứ.
Trong bốn loại thức ăn trên thì chỉ có đoàn thực là để nuôi thân, còn lại chính là để nuôi tâm vì vậy có thể nói rằng tâm và thân đều tương tác với nhau.
Thầy dạy, đạo
chúng phải cố gắng huân tu để có thể xứng đáng thọ nhận bát cơm của đàn na tín
thí, không phụ lại ơn của thí chủ. Song song đó cũng phải lao động chấp tác để
vun bồi thêm phước đức cho chính mình, như các vị tổ đã từng nói "Nhất
nhật bất tác, nhất nhật bất thực" một ngày không làm, một ngày không
ăn.
Nghe những
lời dạy của thầy, tâm con bồi hồi trào lên một cảm xúc khó tả, dường
như mỗi một lần được ngồi bên thầy, được thầy dạy bảo con lại như được mở thêm
một cánh cửa để bước đến phương trời cao rộng. Đôi bàn chân như thêm vững chắc
để có thể bước tiếp con đường phía trước, từng lời pháp nhũ của thầy là từng
giọt nước tưới tẩm cho con. Những lời dạy sâu sắc đó sẽ lưu mãi trong tâm thức
con, nó là tư lương nuôi dưỡng con để có thể đi qua tháng ngày thăng trầm ở
phía trước.
Gần cuối giờ
kết thúc thầy đã đọc lên một đoạn trong bài Sám Quy Nguyện mà đại chúng thường
tụng trong thời khoá công phu:
"Đi
đứng, nằm ngồi trong chánh niệm,
Vào ra, cười
nói tướng đoan nghiêm,
Mỗi khi tâm
buồn giận lo phiền,
Nguyện nhiếp
niệm trở về hơi thở..."
Một đoạn ngắn
thôi, nhưng đã bao hàm hết ý tứ trong đó. Đối với người tu thì công phu hành
trì, oai nghi tế hạnh là việc trọng phải tâm tâm niệm niệm không thể xao lãng.
Nếu không dụng tâm kiên trì thì không thể nào có được khí chất đĩnh đạc của một
người xuất gia.
Giới luật,
oai nghi là thức ăn để nuôi dưỡng phẩm chất không chỉ riêng người tu mà ai cũng
có thể thực tập. Có bị gò bó nhưng nó giúp ta hoàn thiện được nhân cách sống,
tạo cho ta một tâm thái cao nhàn, quả thật nếu chúng ta dùng hai điều này để
nuôi dưỡng tâm thì thật sự đó là một món mỹ thực.
Hãy giữ nội
tâm an nhiên giữa những cơn sóng xô bồ thế sự bạn nhé!
Trung Ngân
Tin Tức Liên Quan
- Thiền giảng “Tâm thư gửi bạn Covid -19” bài 5 (12/04/2020 12:29)
- Thiền giảng “Tâm thư gửi bạn Covid19” – Buổi 4 ( 9/04/2020 7:35)
- Thiền giảng “Tâm thư gửi bạn Covid19” - Bài 3 ( 8/04/2020 7:33)
- Thiền giảng “Tâm thư gửi bạn Covid19” - Bài 02 ( 7/04/2020 10:57)
- Pháp thoại: "Nhịp Mõ Trầm Hùng" ( 6/04/2020 1:47)
- Thiền giảng “Tâm thư gửi bạn Covid19” ( 4/04/2020 10:36)
- Pháp thoại: “Tiếng Chuông Mầu Nhệm” ( 4/04/2020 10:16)
- “Làm sao để có sức khỏe tốt” bên tách trà sáng thứ bảy ( 1/04/2020 12:10)
- Phút giây đổi mới - Thực tập tưới hoa (28/03/2020 3:26)
- Vườn Che Chở (28/03/2020 2:43)