Pháp thoại “Sen búp tặng người”

18/04/2020 10:11
Tối ngày 17/04/2020, trong giờ công phu tối Thầy Trí Chơn đã hướng dẫn đại chúng nghệ thuật chắp tay, chào xá.



Gần đây, do vì dịch bệnh nên trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh các vị nguyên thủ quốc gia chào xả giao bằng cách “chắp tay chào nhau”. Có thể nói, chưa bao giờ cái chào biểu tượng của một tôn giáo lại trở nên đẹp đến thế.

 

Chắp tay là một nghệ thuật chào nhau trong nhà thiền. Đây cũng là nét văn hoá chào hỏi trong các nước có truyền thống Phật giáo lâu đời nói chung. Vậy việc chắp tay mang ý nghĩa gì và nhắc nhở chúng ta tu hành như thế nào?


1/ Khi chắp tay, mười ngón xếp vào nhau tạo thành một thể đồng nhất.  Nó mang ý  nghĩa “Hiệp nhất”. Hiệp nhất thân với tâm, đưa tâm quay về trú nơi thực tại hiện tiền nhiệm mầu. Hiệp nhất mình với đối tượng chào xá (Phật, Bồ tát, Tổ sư...), quán tưởng mình và Phật có chung thể tánh, nghĩa là trong mình có Phật và trong Phật có mình. Hiệp nhất với thế giới xung quanh, nếu trong giờ hành trì lễ bái thì tất cả thành viên đều cùng chung thể tánh, cùng một tâm hướng về.


Thực tập như vậy, biểu hiện được tinh thần vô ngã trong mỗi chúng ta. Khi mình và huynh đệ có trong nhau, nó tạo thành một năng lượng tỏa sáng trong công phu tu tập. Chắp tay còn nhắc nhở tinh thần hòa hợp - tuy mười ngón tay nhưng cùng chung một thân thể.





 

2/ Mười ngón tay hướng lên mang ý nghĩa “Hướng thượng”. Tâm ta luôn hướng về cõi sáng, hướng về những gì cao cả, thiêng liêng.


Đức Phật đã dạy có 4 hạng người: Người từ ánh sáng tiếp tục đi trên con đường sáng; người từ bóng tối đi ra con đường sáng; người từ ánh sáng đi vào trong bóng tối và người từ bóng tối tiếp tục đi vào trong bóng tối. Đức Phật đã tán dương hai hạng người đầu.


Thực ra, cái sáng hay tối không nằm ở bên ngoài mà ngay trong mỗi chúng ta, chúng ta là người tự chọn cho mình con đường ấy. Vì thế cái chắp tay  nhắc nhở mình luôn hướng thượng, kiên quyết không vì một lý do gì mà hướng hạ.

 

3/ Khi chấp tay mình để trước ngực, nhắc nhở chúng ta phải “Thành tâm”. 


Chắp tay trước đức Phật là ta đem hết tâm chân thật của mình ra để cúng dường, hay với một vị tăng, một bạn đồng tu cũng vậy. Khi đó ta xây dựng được một hình ảnh rất đẹp trong lòng người khác và trau dồi được phẩm chất trong ta.

 

Hiểu cách khác, khi hai bàn tay chắp lại, nó tạo thành biểu tượng của hoa sen. Mỗi khi xá chào một đối tượng, chúng ta quán niệm rằng “sen búp xin tặng người, một vị Phật tương lai”. Chúng ta cung kính Phật, tôn kính tiên tổ ông bà như thế nào thì ta cũng phải tôn kính những người xung quanh như thế ấy. Hãy bày tỏ sự trân quý cho nhau. Người tu nên thực hành như vậy.


4/ Nếu như chắp tay trước ngực thể hiện sự thành tâm, thì đưa tay lên trán biểu thị niềm “tôn kính”.


Trong khi lễ Phật, thành tâm để tay trước ngực sau đó bày tỏ niềm tôn kính đưa tay lên trán rồi lạy xuống.


5/ Khi lạy xuống năm vóc (đầu, hai tay, hai chân) sát đất, hai bàn tay ngửa ra để biểu thị sự buông xả. Không vội vàng, hít vào thở ra cho thật sâu sắc sau đó mới chống tay đứng lên. 


Khi lễ càng mọp người xuống lạy thì cái bản ngã của ta càng nhỏ dần, trí tuệ và công đức ta ngày một tăng trưởng. Vậy nên chỉ cần chắp tay và lễ lạy thôi đã là một pháp môn tu.

 




Trong thập pháp giới gồm Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn (tứ thánh) và trời, người, a tu la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục (lục phàm) thì thập pháp giới đó nằm ngay trên mười đầu ngón tay của chúng ta. Mọi cảnh giới là do chính bàn ta tạo ra. Khi mười ngón tay chấp lại nhắc nhở rằng thập pháp giới đang có mặt ở đây, trên chính bàn tay mình. Muốn bước lên cảnh giới thánh hay bước xuống cảnh giới khổ đau là do ta cả. Hãy nên quán chiếu vậy. 

 

Cuối thời pháp, thầy mong đại chúng hãy thực tập chắp tay cho thật thành kính, thật trang nghiêm để thể hiện được mình là một con người có tu, có luyện.



 

Tin: Trung Tuệ, Ảnh: Trung Long.

 

Tin Tức Liên Quan