Nền tảng của chánh niệm- Bài 6: Quán tâm trên nội tâm.

4/08/2019 8:45
Sáng ngày 4/8/2019, khoá tu thiền Nền tảng của chánh niệm tiếp tục bài học cuối trong mùa an cư năm nay với bài 6: Quán tâm trên nội tâm.

Thầy nói tâm vốn không hình sắc do vậy ta cũng không nắm bắt được, ta chỉ có thể cảm nhận được tâm qua các biểu hiện của thân. 

Quán tâm chính là tuệ tri các tâm hành, thấy biết một cách chân thật, rõ biết thực tánh các pháp, tiến trình sinh khởi cũng như đoạn diệt của sự vật hiện tượng. Quán tâm trên nội tâm có nghĩa là với tâm có tham, tuệ tri: "Tâm có tham"; hay với tâm không tham, tuệ tri: "Tâm không tham". Hay với tâm có sân, tuệ tri: "Tâm có sân"; hay với tâm không sân, tuệ tri: "Tâm không sân". Hay với tâm có si, tuệ tri: "Tâm có si"; hay với tâm không si, tuệ tri: "Tâm không si". Hay với tâm thâu nhiếp, tuệ tri: "Tâm được thâu nhiếp". Hay với tâm tán loạn, tuệ tri: "Tâm bị tán loạn". Hay với tâm quảng đại, tuệ tri: "Tâm được quảng đại"; hay với tâm không quảng đại, tuệ tri: "Tâm không được quảng đại". Hay với tâm hữu hạn, tuệ tri: "Tâm hữu hạn". Hay với tâm vô thượng, tuệ tri: "Tâm vô thượng". Hay với tâm có định, tuệ tri: "Tâm có định"; hay với tâm không định, tuệ tri: "Tâm không định". Hay với tâm giải thoát, tuệ tri: "Tâm có giải thoát"; hay với tâm không giải thoát, tuệ tri: "Tâm không giải thoát". Tuệ tri như thế, không phân biệt ta sẽ thấu được “chân tánh” của  tham, sân, si, nhận chân mọi diễn biến trong tâm thức. Thực hành quán tâm để đạt được chân tâm thường trú, không dễ bị ngoại cảnh làm cho dao động, kìm hãm những cảm xúc tích cực và tiêu cực khởi lên.



Con người ngày ngày luôn mong cầu được hạnh phúc. Thế nhưng tự thể của hạnh phúc là như nhiên, tĩnh lặng mà dường như chúng ta không cảm nhận được điều ấy. Bởi dục vọng và ham muốn của con người thì nhiều vô cùng, nhiều không kể hết. Ai cũng truy cầu cuộc sống cao, mong muốn bản thân có mọi thứ, đạt được mục tiêu của mình. Nếu đạt được rồi thì nhất thời cảm thấy vui vẻ, nếu không đạt được thì thấy thống khổ cả đời. Mong muốn được hạnh phúc là khi ấy lòng tham, sân, si đã tiềm ẩn ngay chính bản thân. Có những việc rất đơn giản nhưng bị con người làm phức tạp lên, rồi người ta lại cảm thấy khổ. Chính vì thế hãy học cách buông bỏ, buông bỏ một chút gánh nặng trong tư tưởng, suy nghĩ, thản nhiên đối mặt với hết thảy, khiến cho hết thảy thuận theo tự nhiên, có như vậy chúng ta mới sống được bình yên và tự tại một cách đúng nghĩa.



Tập sống một cuộc đời với một thể thắng hằng hữu như nhiên, với tâm tĩnh lặng ta sẽ có được hạnh phúc đích thực. Tất cả hạnh phúc hay bất hạnh đều do cảm xúc từ trong chính bản thân ta tạo ra. Khi các cảm xúc ấy khởi lên, ta hãy quán chiếu mà nhận chân được tiến trình sinh khởi cũng như thoái trào của tâm chớ đừng thâu nhiếp, cuộn mình lại trong cái vỏ sò của cái tôi để rồi phải sống một cuộc đời luôn tiêu cực và phiền muộn.

Đức Phật độ tất cả chúng sinh trong sáu cõi luân hồi từ các loài hữu tình, vô tình trong vũ trụ đến những loài thấy được hay không thấy được, Ngài đều rãi tâm từ bi với ước nguyện chúng sinh sẽ không còn bị trôi lăn trong cõi u mê tăm tối. Tâm của con người vô cùng vi tế mà Đức Phật dạy phải quán chiếu ngay cả đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Sự giác ngộ, giải thoát không có con đường nào khác ngoài con đường quán chiếu tâm thức của chính mình. Soi chiếu để giúp chính bản thân ta thoát khỏi sợi dây ràng buộc của ái dục, phát khởi tứ vô lượng tâm, nhận diện sâu sắc, rõ nét tâm bình đẳng, tĩnh lặng trước các pháp, mở rộng trái tim chan chứa tình yêu thương và giàu lòng trắc ẩn. Khi đó, mỗi người sẽ trở thành một “tế bào hạnh phúc”, một “nhà máy hạnh phúc” và sẽ ngày ngày “sản xuất hạnh phúc” không chỉ cho mình mà cho tất cả mọi người, mọi loài.



Kết thúc buổi học, các hành giả nghỉ giải lao trong 15 phút sau đó quay lại thực hành thiền quán trong 45 phút dưới sự hướng dẫn của Thầy Viện chủ và dùng cơm trưa trong chánh niệm.



Tin: Lệ Ánh, Ảnh: Trường Nguyễn 

Một số hình ảnh ghi nhận được trong khóa thiền:


Tin Tức Liên Quan