Nhận diện khổ đau và hạnh phúc theo cái nhìn đạo Phật

25/02/2019 3:29
Không giống những tôn giáo khác hay những lý thuyết tâm lý học, đạo Phật nhận diện khổ đau và hạnh phúc theo cái nhìn trực diện, khách quan về sự thật của sự việc, hiện tượng.

Trong bài kinh Chuyển Pháp Luân, đức Phật đã chỉ rõ sự thật khổ đau có mặt trong cuộc sống chúng ta: “Tái sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ; phải gần gũi, thân cận với người không thương là khổ, mong muốn mà không thể nào được như ý là khổ”. Và Ngài cũng chỉ ra con đường hạnh phúc viên mãn đó là chứng ngộ Niết Bàn với sự thực tập Bát Chánh Đạo. Chánh Kiến được đức Phật nói đến đầu tiên trong Bát Chánh Đạo, đó là trí tuệ chân chính thấy đúng, biết đúng. Thấy và biết rõ những thiện nghiệp và ác nghiệp ta đã tạo và ta là người thừa hưởng quả nghiệp đó (chánh kiến thuộc về Tam giới).

Thật vậy, nhân sinh ra khổ trong kiếp sống này chính là tham ái. Nếu tâm tham phát sinh mà không được thỏa mãn như ý thì tâm sân phát sinh, không vừa lòng, làm cho khổ tâm. Theo quan điểm Phật giáo, hạnh phúc chân thật (Niết Bàn) là sự vắng mặt của tham ái, vô minh, vị ấy sẽ không sầu khổ, lo âu, diệt tận tất cả mọi phiền não.

Thật khó để xã hội hiện nay nhân thức điều nói trên, quan niệm của họ là xây dựng một mái ấm gia đình nho nhỏ, đầy đủ tiện nghi vật chất, có địa vị, danh vọng là cuộc sống hạnh phúc.

Những chuẩn mực đạo đức, pháp luật hiện hành là do con nguời chế định nhằm đem đến hạnh phúc, trật tự nhân sinh; những chuẩn mực này thay đổi qua mỗi thời đại, mỗi thời kỳ. Hạnh phúc hay khổ đau thế gian chỉ mang tính chất giả định bị chi phối bởi dục vọng, tham đắm, chấp vào nhãn quan của mình cho đây là hạnh phúc, đây là khổ đau.

Trong bài kinh Samiddhi (thuộc Tương Ưng bộ kinh) hay kinh Tán Đảo Tra (trong Tạp A Hàm), đức Phật đã dạy vị thiên tử thế nào là an vui hiện tiền, tránh xa cái vui phi thời qua bài kệ:

“Chúng sanh được hiểu biết

Những điều được nói lên

Và chấp trước thái độ

Trên những điều được nói

Nếu họ không liễu tri

Những điều được nói lên

Họ đi đến trói buộc

Do thần chết chi phối

Nếu họ liễu tri được

Những điều được nói lên

Họ không có tưởng tri

Những điều được nói ra

Đối với vị như vậy

Lỗi lầm nhất định không…”

Thật vậy, khi ta xả ly sự chấp thủ, tránh xa những ái nhiễm trần thế thì an lạc xuất hiện nơi tâm ta, cũng như trong kinh Phạm Võng (thuộc Trường Bộ kinh), đức Phật nêu lên: “…Những sở kiến ấy, chấp trước như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy,…Như lai tuệ tri như vậy. Ngài tuệ tri hơn thế nữa và Ngài không chấp sở tri ấy, nhờ không chấp sở tri ấy, nội tâm được tịch tịnh”.

Tóm lại, hạnh phúc và khổ đau trong đạo Phật đòi hỏi sự hành trì tu tập mới thấu hiểu được. Khi con người ý thức và làm chủ được ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) và những vật chất hữu vi chỉ là phương tiện sống, thấy được mục đích chính là quay về đời sống tinh thần, tu tập diệt trừ mọi phiền não để tâm hồn thanh tịnh, an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại.

Trung Long

Tin Tức Liên Quan