Hiểu về Em trong “Ta đã nhìn thấy Em”

2/10/2019 8:33
Năm 2016 về về dự lễ lạc thành và tạ ơn Tam Bảo tu viện, tôi ngạc nhiên khi mọi người gặp Thầy không gọi tên mà gọi là Thầy Khánh An. Gì mà kỳ vậy, Thầy có tên thì cứ gọi tên sao lại gọi hiệu chùa. Nhưng giờ thì tôi đã ngộ ra. Gọi hiệu chùa không chỉ là để tránh phạm huý (theo thời xưa) mà còn để tôn vinh công đức và đạo hạnh của người hoằng dương chính pháp mà Khánh An là sự biểu hiện công đức của thầy.

Hôm nay ngày ký kết mua đất xây dựng chùa Giác Minh. Cái khoảnh khắc ký bảng hợp đồng, Thầy nhẹ nhàng lấy cây bút ra rồi đưa cho cả hai bên mua và bán. Dòng mực trôi chảy trên trang giấy, tôi hình dung  đạo Phật  như đang trôi chảy trong lẽ sống của cộng đồng suốt mười mấy năm qua theo những tháng năm hoằng hoá của thầy. Và, Lễ ký kết mua đất xây dựng chùa Giác Minh hôm nay hay bất cứ một ngôi chùa nào xây dựng trên mảnh đất này cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy. Một cảm xúc ngậm ngùi khó tả trào dâng, tôi chỉ muốn gọi Thầy là Thầy Giác Minh trong giờ phút này.


Quang cảnh ký kết mua đất tại văn phòng Luật sư

Trong thời  pháp, nhân Lễ ký kết mua đất, Thầy có đọc   một bài  thơ Thầy vừa cảm tác mang tên “Ta đã nhìn thấy em”.

Bài thơ thế này:

Ta đã nhìn thấy em

Bao tháng năm mỏi mòn trải gót

Góc bể chân trời ta tìm em

Thủa hồng hoang bao trái tim mông dại

Tuyết ngập đường và mây rủ xuống màng đêm.

Vẫn nhẹ lòng thảnh thơi bước tới

Kết nối tình thâm cho hoa lá nhìn nhau

Sỏi đá hôm nao lạnh lùng, quay quắc

Cho ta hôm nay tựa gối an nhiên.

Bao phiền muộn đã mở lòng chào đón

Khúc khuỷu gập nghềnh nay rực sáng trăng sao.

Buổi gặp em ta mất nửa khung trời mộng

Trôi dạt dấu hài giữa con sóng lao xao.

Nay trở về nhìn nhau tình vạn thủa

Chợt thấy em trở lại độ uyên nguyên

Hãy ngồi xuống cho lòng trong dạ trắng

Lau bụi đời ngăn ánh mắt như nhiên.

Cảm ơn đời đã cho ta gặp lại 

Điểm hẹn năm xưa mở rộng lối ta về

Lời giao ước thủa đầu bao mòn mỏi

Nay ta đã tìm được bóng hình em.

Tại sao trong Lễ ký kết mua đất xây dựng chùa  mà thầy lại làm thơ tình? Tại sao trong pháp thoại trang nghiêm, Phật tử muốn lắng nghe giáo pháp thì thầy lại giảng thơ tình?

Ông chủ đất, Martin Stanecek ký trước mặt bà luật sư Alexandra Gônlakova 

PT. An Huệ (đai diện Trung tâm Văn hoá PGVN tại CH. Séc) ký trước mặt luật sư

Đọc và bình giảng xong  bài thơ thì mọi người mới hiểu (thực ra cũng chỉ hiểu một cách lơ mơ) tình yêu mà thầy đeo đuổi suốt bao năm trên xứ này là gì.

Bao tháng năm mỏi mòn trải gót

Góc bể chân trời ta tìm em

Thủa hồng hoang bao trái tim mông dại

Tuyết ngập đường và mây rủ xuống màng đêm.

Bao tháng năm là bao năm? Gần 15 hành đạo trên đất Séc nói riêng và cả châu Âu nói chung. Tìm em “mòn mỏi, tìm tận góc bể chân trời”  một người mang tên ...  “Chùa”.

“Thủa hồng hoang bao trái tim mông dại” là cái thủa được  mấy ai hiểu đạo Phật, có mấy người thấy được hình bóng người tu. Gặp ông thầy mà cứ hỏi “Anh khỏe không, gia đình thế nào?” mà  không “hồng hoang mông dại là gì?.

“Tuyết ngập đường và mây rủ xuống màng đêm”.

“Cái tuyết” ở đây vừa là tuyết  đông băng giá vừa là cái lạnh tình người. Thầy đến đây không quen biết ai mà cũng chẳng ai quen biết thầy. Cái tết năm 2006 là cái tết mà trong lần trò chuyện thầy gọi là cái tết  “nhớ đời”. Nếu như ở quê nhà thì tết là ngày sum họp, đoàn tụ, còn ở chùa là nơi không đâu đông bằng. Vậy mà năm ấy thầy sang, bao người chỉ lo buôn bán như không có gì xảy ra, thầy thì một mình trên gát trọ khu Opatov, xuyên qua lớp kính nhìn tuyết rơi từ sáng cho đến khi trời phủ hoàng hôn.

Lý do thầy có mặt trên đất Séc này là “Chúng con ao ước có được ngôi chùa, mong thầy đi vận động tiền xây cất giúp chúng con”. Và,  thầy đã  nói “Xin quý vị hãy cho tôi đi khắp nước Séc  để “xây chùa” trong tâm mỗi người con Việt  rồi sau đó mới nói đến chuyện xây chùa bên ngoài”. Kể từ đó, suốt nhiều tháng năm, thầy rong đuổi ngược xuôi để truyền pháp cho mọi người. Truyền ở đâu? Khi thì trong chợ, lúc thì nhà riêng. Gian nan, vất vả nhưng thầy:

“Vẫn nhẹ lòng thảnh thơi bước tới”

Để làm một việc:

“Kết nối tình thâm cho hoa lá nhìn nhau”

Và kết quả là:

“Sỏi đá hôm nao lạnh lùng, quay quắc

Cho ta hôm nay tựa gối an nhiên”



Thấp thoáng bên hiên “Chùa” tương lai



Mảnh đất xây chùa có dòng sông uốn quanh 

Nhánh sáng giáo pháp mà tình người trở nên ấm cúng, biết nhìn nhận nhau, chấp nhận nhau hơn. Trước đó thì cái không gian “cơm áo gạo tiền” khiến con người ta trở nên “lạnh lùng, quay quắc”; còn cái không gian quan hệ thì “mã tầm mã ngưu tầm ngưu”.

Mỗi bước chân đi của thầy đều có an lạc, mỗi thời pháp của thầy giúp đem lại niềm vui rũ bỏ muộn phiền:

Bao phiền muộn đã mở lòng chào đón


Hạnh phúc rơi nước mắt của cụ Giác Hạnh tuổi ngoài 80 ngày mua đất xây chùa 

“Khúc khuỷu gập nghềnh nay rực sáng trăng sao”.

Tuy vậy, trong cuộc mở lối khai đường, thầy nhận những lời chào đón cũng nhiều và hứng chịu nhiều sỉ vả cũng không ít, bao oan khuất ập đến, bao trắc trở  xảy ra.

Cái chí nguyện kiến lập đạo tràng luôn sẵn có trong Thầy và trong tất cả mọi người. Nhưng vì khiếm khuyết còn nhiều, tự ngã còn cao; vậy nên trong vô tình đã đánh mất “Nữa khung trời mộng”. Thầy mất, trò mất và rất nhiều người mất.

Đứng trên mảnh đất hôm nay,  ngẫm lại thì “Buổi gặp em ta mất nửa khung trời mộng

Trôi dạt dấu hài giữa con sóng lao xao”.

Cái “mất” này thực ra không mất, chỉ vì không hướng về nhau. Chỉ cần nhìn thấy nhau thì sẽ quay về được với tâm ban đầu, với tình vạn thủa. Và lúc bấy giờ ngôi chùa uyên nguyên trong những năm tháng đầu ước nguyện cũng sẽ có mặt. Hãy ngồi xuống buông xả mọi thứ, hãy quay về chính mình làm mới “cái thấy” như nhiên:

Đoàn viên 




Nay trở về nhìn nhau tình vạn thủa

Chợt thấy em trở lại độ uyên nguyên

Hãy ngồi xuống cho lòng trong dạ trắng

Lau bụi đời ngăn ánh mắt như nhiên.

“Cảm ơn đời đã cho ta gặp lại” nhưng cũng cảm ơn Đạo đã cho ta “điểm hẹn năm xưa” - điểm đến ngôi  chùa. Lời hẹn ước năm nào “Chúng con ao ước có được ngôi chùa, mong thầy đi vận động tiền xây cất giúp chúng con” bao năm mòn mỏi, Hôm nay đã trở thành hiện thực, “Đã tìm được bóng hình em”

Cảm ơn đời đã cho ta gặp lại

Điểm hẹn năm xưa mở rộng lối ta về

Lời giao ước thủa đầu bao mòn mỏi

Nay ta đã tìm được bóng hình em.

Con đường phụng sự còn rất dài, kiến tạo một ngôi chùa là ước nguyện, khát khao của cả cộng đồng trong những ngày tháng đầu. Nhưng làm sao để Ba ngôi cao quí mãi mãi sáng ngời nơi ngôi chùa  là điều người để tử Phật cần quán chiếu, thực tập.

An Huệ 


Không gian 4.000 mét đất xây dựng chùa Giác Minh 


Chùa Giác Đạo, TP. Cheb, CH. Séc thầy thành lập năm 2010




Tin Tức Liên Quan