Xin hãy thương nhau khi còn nhìn thấy nhau

8/03/2021 6:26
Một buổi chiều nắng xuân, vẫn như mọi ngày sau giờ chấp tác con lại chân bước chầm chậm, hít sâu thở nhẹ đi từng bước trên dọc hành lang chánh điện để hưởng cái không khí hoàng hôn lúc chiều về.


Ngoài đường, người người chen nhau về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi,  còi xe inh ỏi ồn cả một khu phố nhưng trong lòng con lại thấy thật nhẹ nhàng. Bởi vì giờ con đã biết thế nào là "an trú trong giây phút hiện tại" . Thời gian xa Thầy, xa tăng thâ
n đã thấm thoát gần 1 năm tròn. Con nhớ lại ngày   Thầy quyết định gửi tụi con đi thực tập để trải nghiệm, ẩn trong ánh mắt của Thầy là nhiều nỗi lo. Thầy lo vì tụi con còn quá nhỏ, quá non nớt. Trước giờ được nuôi dưỡng trong vòng tay chở che của Thầy, nay tụi con được gửi đến một trú xứ mới, dẫu vẫn được chăm tốt nhưng xa Thầy, xa đệ huynh khác nào như chim non mà phải tự tập bay sao -  cha nào mà  không lo khi con nhỏ phải đi xa.

Con nhớ như in lời Thầy dặn dò trước lúc tụi con ra đi: Các con bây giờ như một cái cây bị nhổ đi trồng một nơi mới, ban đầu cây chưa hợp với đất, cây sẽ bị héo ú một thời gian. Nhưng ít lâu nữa, sau khi đã hòa hợp được với môi trường rồi, cây sẽ tự đâm chồi sẽ nảy lộc và tươi tốt. Các con hãy ráng lên, thầy chờ ngày các con trưởng thành!”.

Lời căn dặn hôm nào cứ luôn văng vẳng bên con, giúp con lấy lại tinh thần cho mỗi lần gặp những điều bất như ý ở môi trường mới. 

Thời gian làm điệu đã cho con biết bao bài học ,vui có, buồn có, mệt có, an lạc cũng có. Nhưng chung quy lại là giờ có chút chút  trải nghiệm sống cảnh xa nhà, xa Thầy và huynh đệ.

Sáng hôm qua, khi đang ngồi trên hành lang phòng cầm cuốn Kinh Nhật Tụng để học thuộc Chú Lăng Nghiêm thì con được Sư chị tri sự cắt cử đi phun thuốc và bón phân cho hoa lan. Dấn thân vào việc rồi mới thấy để có một cây hoa lan xanh tươi, căng tròn nhựa sống  là cả một quá trình chăm sóc. Ngày nào cũng phải tưới nước, ít hôm lại phun thuốc và bón đủ loại phân, nào là kích mọc rễ, nào là hoa lâu tàn, rồi thì đâm chồi nảy lộc... Nghiệm lại đời tu cũng vậy, để thành một người mô phạm thì cần phải nhờ thầy tổ, nhờ huynh đệ chăm sóc, nuôi dưỡng, tưới tẩm mỗi ngày bằng giáo pháp. Điều đặc biệt nhất là phải nỗ lực tự thân thì mới mong mai này trở thành  người hữu dụng.

Nhiều người sẽ thắc mắc, thế những cây xương rồng ngoài sa mạc không được người chăm sóc thì sao nhỉ? Thì cây sẽ phải tự biết thích ứng với môi trường khắc nghiệt của sa mạc, phải biết tự chuyển mình để sống và tồn tại.  Hay những cây mai, cây đào lớn lên tự nhiên chịu đựng những gió sương của mẹ thiên nhiên lại có giá cao hơn những cây mai, cây đào được chăm sóc tỉ mỉ, uốn nắn đủ các kiểu. Giá trị của một con người hay một người tu có lẽ là sự trải nghiệm, vượt qua những thử thách, nhào nặn, sương gió của cuộc đời để tìm về được bản tâm của mình là thước đo chính xác nhất.

Dù khắc nghiệt, khổ đau đến đâu chỉ cần ta dừng lại, hít thở sâu và chịu thích nghi với mọi thứ xung quanh thì ta sẽ bình yên. Cũng như khi ta không có được Thầy, được huynh đệ  sát cánh thì ta hãy tự lấy những nỗi buồn trên đường tu làm chất liệu tự nuôi dưỡng cho chính mình, biết là khó khăn lắm nhưng ta hãy giống như cây xương rồng sống trên sa mạc. 

 

Người ta thường bảo đi qua những ngày mưa mới biết yêu thương những ngày nắng. Có lẽ câu nói này khá hợp cho hoàn cảnh của chúng con. Chúng con là ba chị em cùng được sinh ra một ngày trong gia đình tâm linh, dưới sự chở che của Thầy, của Tăng thân, chúng con đã được nuôi dưỡng những hạt giống của tình thương  . Nhưng có lẽ từ khi rời xa Tu viện, rời xa Tăng thân để đi học hỏi thực tế thì cái tình cảm gắn kết nó dần dần bị nhạt dần. Chẳng phải vì xa Thầy, xa huynh đệ hay do khoảng cách mà thiếu đi sự truyền thông với nhau. Công việc mỗi chùa mỗi khác, thời khóa chấp tác, rồi đi học nó đã cuốn chúng con đi mà làm quên mất nhau.

Cái thủa ban đầu, lúc mới đến môi trường mới, ai cũng háo hức vui mừng, tràn ngập một bầu trời hạnh phúc vì mình đã có một nơi lý tưởng và đầy ước vọng về một tương lai tươi sáng. Nhưng ở lâu, dần dần cả mình và người đều lộ ra những tập khí năm xưa, để rồi vui buồn, giận hờn trách móc nhau . . .  Trong thực tế, nhân vô thập toàn nhưng khi biết tu rồi, thực tập lời dạy của Thế Tôn, chúng ta dễ dàng biết nhìn lại để nuôi dưỡng và tưới tẩm cho nhau những hạt giống tốt trong ta và  những người quanh ta.

Trong một bản nhạc có rất nhiều nốt nhạc, tất nhiên không nốt nào giống nốt nào. Nhưng chúng lại hòa quyện vào nhau để cho ra những bài hát hay. Cũng vậy, những mảnh ghép khác nhau để tạo nên một bức tranh đẹp dâng đời chính là sự bằng lòng, chấp nhận cho nhau. Chúng ta đang đi học hiểu, học thương mà...

Thế nào là có mặt cho nhau: Là khi người sư em, sư anh hay sư chị đang vui hay buồn ta có mặt bên cạnh để hòa cùng niềm vui nỗi buồn đó, sẻ chia cho nhau để cùng vượt qua khó khăn.

Còn như thế nào là có mặt trong nhau. Là khi hai người có độ cảm tâm, thấu hiểu được nỗi niềm của người kia. Khi nhìn thấy sư anh, sư chị hay sư em mắc lỗi ta hãy thử đứng vào vị trí của sư anh, sư chị hay sư em đó, làm như vậy ta có thể hiểu người và bao dung hơn rồi ta sẽ ôm được sai lầm đó của sư anh, sư chị ...và rồi ta lại thấy thương hơn. Đó chính là Từ và Bi.

Cái tâm của chúng ta ngộ lắm, lúc bình thường sống cùng nhau có thể không hài lòng cái này, không vừa lòng cái khác, rồi sinh ra hờn trách, nói này nói kia làm cho khoảng cách càng xa nhau. Nhưng đến khi sư em gặp chuyện thì lại lo lắng đứng ngồi không yên .Lúc đó cái tâm ghét bỏ đó đã biến đi đâu mất rồi nó đã nhường chỗ cho tình thương.

Ai trong chúng ta lại không mong một cuộc sống bình an. Tất bật, hơn thua cũng chỉ mong có một chữ An trong nhà. Bình an chỉ có mặt khi chúng ta bằng lòng chấp nhận mọi thứ. Và khi tâm nhẹ nhàng, an lạc thì nhìn đâu con cũng sẽ thương được những người không dễ thương, hay sẽ đem niềm an vui đó cho tất cả những người xung quanh. Sau bao khó khăn, giờ con đã học được bài học "bằng lòng" để rồi con biết "dừng lại ". Giờ mỗi lúc con gặp những người không dễ thương, con hay tự quay lại hỏi chính mình: có thương được không ? Câu hỏi này kỳ diệu lắm ạ. Nó nhắc con nhớ lại hạnh nguyện của mình. Con đang đi trên con đường thực tập tình thương và sự hiểu biết của Đức Thế Tôn mà, nên mỗi ngày trái tim con phải rộng ra, tình thương trong con phải lớn hơn chứ sao mà lại để nó nhỏ đi mỗi ngày được.

Ngày hôm nay phải vui hơn ngày hôm qua, tình thương phải lớn dần lên. Đi tu rồi , mà càng tu sự bao dung càng nhỏ lại, tình thương càng hẹp dần và không ưa thích nhau càng lớn thì uổng cho lý tưởng mình đi tu quá. Con đã từng được Thầy Phước Thiện dạy rằng: "Mình đang ở với người có tu mà không chịu được nhau thì mai mốt ra hành đạo giúp đời, gặp toàn gặp những người  chưa tu hoặc thiếu tu thì sao thương họ nổi”.  Con nhớ mãi và xem như đó là lời cảnh tỉnh để mỗi khi tâm con tỏ ra khó chịu với ai đó. Tuy còn nhiều lúc thất niệm nhưng giờ con đã biết chế tác tâm từ để làm sao có được an vui trong khi làm việc cũng như tu học. 

Qua biến động của  dịch bệnh, mới thấy mạng người thật mong manh trước thiên nhiên đất trời. Hãy thương lấy nhau, khi còn có thể nhìn thấy nhau... 

Con người thường vỗ ngực tự tin rằng mình là kẻ mạnh nhất nhưng khi đứng trước biến cố lớn trong đời như người thân ra đi đột ngột, bị bệnh hiểm nghèo...thì ta mới thấy tâm hồn ta không mạnh mẽ như ta tưởng. Lúc đó, nó trở nên yếu mềm khác nào quả bóng bị xì hơi. Ta gào khóc, ta đau đớn vật vã đến xé lòng, ta...không chịu nổi !

Bước vào năm mới hãy sống với ý chí mới, kiên cường mới,  hãy biết trân quý nhau hơn, hãy nhìn người bằng đôi mắt trong veo và tình thương yêu trong trắng như Sư ông Làng Mai từng nói : "Thương mà không hiểu thì chỉ làm khổ nhau”. Nếu ai đã từng trải qua những tháng ngày "không hiểu nhau" thì đã đến lúc xin hãy  tháo bỏ mọi nội kết để  lòng mình thênh thang hơn, bình an hơn, hạnh phúc hơn.

Nên xin hãy thương nhau...khi còn nhìn thấy nhau...

 

Trung Hiền

 


Tin Tức Liên Quan