Con gửi về Đức Thế Tôn

30/06/2024 8:40
KA. Sau khi loạt bài “Thế Tôn - Ngài vẫn luôn có mặt cho chúng con” của thầy Trí Chơn được đăng trên trang Facebook Khánh An, BBT đã nhận được sự đồng cảm và sẻ chia của quí thầy cô và Phật tử gần xa. Có những vị đã gửi thư chia sẻ, có vị viết bài gửi về, như nói lên tiếng nói của người con Phật trước những bão dông của phê phán, kỳ thị. Hơn bao giờ hết, chỉ có công phu tu tập mới không làm rối thêm dông bão dèm pha; chỉ có hành trì mới thắp sáng ngọn đèn tỉnh thức của Thế Tôn. BBTKA. giới thiệu bài viết sau đây của Phật tử Diệu Trang - Cát Anh.

   Kính bạch Đức Thế Tôn,

   Sáng nay, con dậy sớm, chậm bước vào thiền đường Tinh Khôi, ngắm nhìn Ngài với ánh mắt tĩnh tại, nụ cười an nhiên, bất giác con cũng mỉm cười như Ngài. Con thắp một nụ trầm, một nén hương và bắt đầu ngồi xuống nhìn hơi thở, nhìn nội tâm mình. Những loạn động lăng xăng lắm lúc như sóng biển, trào dâng, cuốn theo những hình ảnh, ngữ ngôn trong dòng suy tưởng, cũng có khi tạm lắng rồi lăn tăn như mặt hồ gợn gió, chẳng còn tiếng phân bua. Con cứ thể mỉm cười và quan sát thân tâm, được vài mươi phút thì tiếng chuông dừng thời khóa từ chiếc điện thoại được con cài tự động thỉnh lên. Con tháo chân, xoa nhẹ đôi bàn tay và áp lên mắt mình. Hơi nóng từ bàn tay ôm lấy hốc mắt, con cảm nhận mình đang ôm lấy hai viên dạ minh châu mà cuộc đời trao tặng. Con mở mắt, những tia nắng sớm xuyên qua mấy tán muồng hoàng yến xanh um, một vài cành khô khẳng khiu giơ lên cao như muốn chạm tới nền trời xanh thẳm. Vài cơn gió nhẹ lướt qua, chuông gió rung lên từng hồi. Trong con thầm nhủ, sự sống thật xinh đẹp, tròn đầy.


   Con đứng dậy, bước xuống cầu thang và nhẩm thầm bài thi kệ:

Ý về muôn vạn nẻo,

Thiền lộ tâm an nhiên,

Từng bước gió mát dậy,

Từng bước nở hoa sen.

   Cứ như thế, con nương vào hơi thở, ôm lấy chính mình, ôm lấy niềm phúc lạc và biết ơn đang hiện hữu nơi mình. Con biết ơn Thế Tôn, biết ơn giáo pháp mà Người đã để lại, biết ơn chư Tổ, Quý Thầy, Sư Cô những người đang ngày đêm mang giáo pháp đi vào cuộc đời. Con cũng biết ơn chính mình vì đã cho mình cơ hội tiếp xúc, học hỏi và thực tập giáo pháp của Thế Tôn, để hôm nay con có được những phút giây dù vô cùng ít ỏi nếm được sự tự do lớn lao này. Không đắm chìm trong những buồn đau, tiếc thương quá khứ, không miên viễn, suy tư về các dự tính tương lai xa xôi để rồi đánh mất niềm an nơi chính mình, con quý yêu sự sống ngay trong phút giây hiện tại, “nương náu” vào khoảnh khắc bây giờ và ở đây để đi qua “bão giông” lo lắng, sợ hãi, ưu tư…

   Bạch Đức Thế Tôn,

   Mấy hôm nay, bạn bè chung quanh con bàn tán về các “hiện tượng” được cho là làm xấu đi hình ảnh đạo pháp rất nhiều. Ở các hàng quán mà con vô tình đi ngang qua cũng nghe được những lời chê bai, dè bỉu thậm chí là lên án Thầy này, chùa kia… Có một số bạn bè nhắn tin cho con hỏi con có suy nghĩ gì về các “hiện tượng” ấy. Thú thật là con cũng thường lên “cõi mạng” nhưng phần lớn là lưu lại những khoảnh khắc xinh đẹp của đất trời, cỏ cây hay những phút giây đầm ấm, yêu thương mà con cảm nhận được trong đời sống của mình, con muốn chia sẻ những niềm an vui ấy đến bạn bè, người thân như một món quà, như một lời nhắn gửi về những niềm thương vẫn luôn hiện hữu quanh ta, đôi khi từ những điều rất nhỏ. Con ít khi đọc, nghe những thông tin, những nhận định, bình luận, đánh giá về ai đó hay về hiện tượng nào đó, nhất là trong thời đại công nghệ hiện nay, thông tin nhiều nhưng không toàn diện, ai cũng có thể nói nhưng lại hiếm người lắng nghe. Những cái thấy của cá nhân thường rất phiến diện lại dễ dàng nêu lên như một chân lý, vô hình chung tạo ra các dòng xoáy dư luận, lành mạnh thì ít, độc hại thì nhiều. Con nhớ Sư Ông Làng Mai từng nói: “nội dung nói không quan trọng bằng cách nói”, đôi khi những sự vật, sự việc, con người và các hiện tượng… vốn dĩ đơn thuần, như nhiên nhưng qua cái thấy, cái nghe, cái biết hữu hạn của con người, nó được xô bên này, đẩy bên kia, lắm lúc thổi phồng lên tạo thành một mớ hỗn mang, đảo lộn, như một trận cuồng phong. Mà cơn cuồng phong nào lại không để lại những suy suyễn, hư hại và đỗ vỡ nơi nó quét qua. Học đòi theo hạnh của Thế Tôn, con muốn mình biết cách tự bảo hộ lấy mình, do đó, con nguyện “không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và trong đoàn thể. Con nguyện thực tập Chánh tinh tấn để nuôi dưỡng khả năng hiểu biết, thương yêu, hạnh phúc và không kỳ thị nơi con, để làm yếu dần những hạt giống bạo động, hận thù và sợ hãi mà con đang có trong chiều sâu tâm thức”, “Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hay khổ đau cho người, con nguyện học nói những lời có khả năng gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói gì khi cơn giận đang có mặt trong con…” Ôi, những lời dạy này của Thế Tôn với con đã trở nên trân quý hơn bao giờ hết, nó như lớp áo bảo hộ cho con trước những oi bức, gay gắt, độc hại của chỉ trích, bài xích hay hiệu ứng đám đông, giúp cho con có được tự do trong suy nghĩ, hành động và lời nói, điều đó góp phần bảo vệ tâm thức con, tâm thức của những người chung quanh con, thoát khỏi cơn lốc phiền não, giận hờn, ganh đua.

   Thưa Thế Tôn, con đã hơn một lần chứng kiến những cơn bão “luận bàn” trên mạng xã hội, gần như vấn đề nào cũng có thể trở thành “đề tài” nóng hổi một khi “thế giới mạng” muốn đưa lên “luận bàn” hay không muốn nói là lạm bàn. Chưa kể đến đúng sai, hay dở, con thường quan sát trước, trong và sau cơn bão ấy, tâm thức của con, của cộng đồng con có ảnh hưởng như thế nào! Con nhớ mãi một cơn bão dư luận về các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ thiên tai. Con quan sát thấy tâm thức cộng đồng quanh con từ việc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua thiên tai, bão lũ bỗng trở nên nghi kỵ, dò xét và kỳ thị lẫn nhau. Mọi người lắng nghe các buổi livestream với tâm cuồng nộ, gay gắt chỉ trích. Đi đến đâu con cũng nghe bàn về các buổi “vạch tội” đó, họ phê phán, lên án, ánh mắt đầy sân giận, lời nói đầy sát thương, con thầm hỏi, sự dễ thương, thảnh thơi của họ đi đâu rồi?, liệu chồng, vợ, con cái họ thậm chí là chính bản thân họ có xứng đáng phải nhận những điều độc hại đó từ họ hay không? Và con, người vừa lướt qua, thay vì nhận được ánh mắt, nụ cười thiện chí như lời chào nhau thì lại vô tình “hứng lấy” những ý niệm, lời nói đầy bất an. Lúc đó, con chỉ còn biết quay về ôm lấy hơi thở của mình.  Cơn bão nào cũng qua đi, sự thật rồi cũng dần được làm sáng tỏ, song những điều đã làm, đã nói, đã gây đổ vỡ, thương tổn cho người, cho tâm thức thiện lành nơi mỗi người thì có sự thật nào giúp lấy lại được chăng?!

   Cơn bão này đi qua, cơn bão khác lại đến, tiết trời thay đổi thất thường như lòng người khó an, bất định. Những đàm tiếu nhắm vào đạo pháp, bạn bè dò hỏi có nghĩ đến ngày “mất đạo” hay không! Con mỉm cười, không phải vì tin vào có cái gì bất di bất dịch hay ơ thờ trước thế sự đa đoan. Con chỉ biết, bản thân con không thể làm gì tốt hơn cho tương lai ngoài việc sống an ngay trong phút giây hiện tại. Con không muốn cô phụ sự có mặt của chính mình, của những biểu hiện của sự sống đang rất tròn đầy quanh mình. Con không muốn cô phụ ân đức của bầu không khí đang thở, của con đường con đang bước đi, của những hàng cây, những cỏ hoa, những thức ăn và nước uống bằng những luận bàn và suy tư. Tranh luận trắng đen, sai đúng, bên này hay bên kia… con đã làm điều ấy quá lâu rồi, và từ ấy đến nay, lối sống đó không mang lại hạnh phúc hay lợi ích nào cho chính con, cho những người con thương và cộng đồng mà con đang sống. Nó chỉ làm lớn thêm lên lòng kiêu mạn, tự hào, dò xét, ý ngữ, ác ngữ, buồn phiền và lo lắng trong con. Đó là những tâm hành bất thiện mà con không muốn mình ngập chìm trong đó nữa. Thế Tôn đã chỉ cho con con đường sáng đẹp để đi, con không muốn mình lại thêm một lần nào đi về nẻo tối. Con dùng giới luật của Thế Tôn để bảo hộ lấy chính mình!

   Với con, cuộc đời là đạo, một khi sự sống vẫn còn có đó cho con và con cũng có đó để nhận biết, để trân quý và để sống với cuộc đời thì đó chính là đạo. Vậy thì, đạo có mất đi không? Làm sao mà mất được, mất chăng là ngay trong giây phút này chúng ta vẫn đang bỏ đời, thờ ơ với đạo để chạy theo những kiến chấp, biện giải, luận tranh để rồi lúc tối lúc sáng, lúc đúng lúc sai, lúc kiêu mạn, lúc tự ti… để mặc cho sinh mạng lụng tàn dần như đèn lụng tim, cạn dầu theo ngày tháng.

   Có lẽ tâm tư con lạc quan thái quá, chí nguyện con non kém, nhỏ hẹp nên con tin rằng chỉ cần bản thân mình sống được những ngày, những giờ, những phút, thậm chí là những sát na đáng sống thì ngay khi đó, những sát na nhỏ nhít đó cũng đã góp phần làm an vận mệnh của đạo pháp rồi. Đạo pháp không cần thêm những biện giải, những luận bàn, những phân tranh, đạo pháp cũng không cần tôn vinh, thừa nhận hay bài bác, đạo pháp cần được con nhớ và thực hành. Thế Tôn dạy đạo cho con, chắc hẳn Thế Tôn muốn con thực hành để sống được một đời sống vững chãi, thảnh thơi như Thế Tôn. Con vẫn thường tự nhắc nhở mình như thế!


   Thế Tôn biết không, đôi lúc trong con có những ý niệm rất buồn cười, con nghĩ rằng sở dĩ có Thầy, có Tổ, có Phật, có nhà thờ, có Chúa, có Thánh Ala… là vì có chúng sinh, sở dĩ có Phật, có Chúa, có Thánh Ala và các cơ sở thờ tự khác là vì chúng sinh cần có nơi để quay về nương tựa. Phật, Chúa do chúng sinh mà có, nơi thờ tự vì chúng sinh cần mà dựng nên. Nếu không có chúng sinh thì cũng không có Phật, nếu chúng sinh vững chãi, thảnh thơi, không trầm luân trong tham, giận, kiêu căng thì cũng không còn những nơi thờ tự. Do đó, ngày nào chúng con còn bị chi phối trong những nỗi khổ niềm đau đó và chúng con có ý chí mong cầu thoát khổ thì tự dưng ngày đó sẽ còn có ba ngôi cao quý để quay về. “Nơi nào có học trò, thì nơi đó sẽ có người Thầy”, vậy thì bài xích, bang bổ hay chống phá để làm gì khi cái gốc của sự biểu hiện đó là từ chính mình mà ra.

   Sinh – Trụ - Hoại – Không, có phải quy luật này như một trò chơi vòng quanh mà con và nhiều người đang lẩn quẩn trong đó. Chưa có thì tìm cầu, xây dựng, có rồi thì vun bồi đến lúc sung mãn thì cũng là khi tự mãn và muốn đập bỏ đi. Bỏ đi rồi lại chóng vánh, chỏng chơ kiếm tìm. Con tự nghiệm lại bản thân mình thấy quy luật này sao đúng quá, đúng với tất cả mọi thứ. Thế Tôn thật tài tình! Nếu như con mải miết giữa trò chơi phân biệt, bên này – bên kia, thắng – thua, mất – được, đúng đúng sai sai thì con sẽ còn quay điên cuồng như con dụ giữa cuộc sinh tử này.

   Giáo pháp mà Thế Tôn để lại cho chúng con, như tiếng gầm của loài Sư tử lớn, như ngọn đuốc rực cháy trong đêm. Có cầm lên để mà đi trong khu rừng tham, sân, kiêu mạng hay không là lựa chọn của mỗi người. Có biết chuyền tay, mồi lửa cho nhau, làm lợi lạc cho nhau, cùng nhau đi về nẻo sáng của vững chãi, của thảnh thơi, của tự do lớn hay không là chọn lựa của chúng ta. Và nếu như không muốn cầm đuốc lên thậm chí còn dùng nước, dùng cây gậy, dùng cuồng phong dập tắt nó cũng là lựa chọn của mỗi người, không những không mồi lửa cho nhau mà còn muốn tự mình góp tay làm phụt tắt những những đuốc còn sót lại trong khu rừng rậm rạp, đen ngòm này để rồi tất cả đều lạc lối, chơ vơ cũng là lựa chọn của mỗi chúng ta. Và dĩ nhiên sự lựa chọn nào, của bất kỳ một ai cũng đều có giá trị, gây ảnh hưởng, tác động đến đoàn thể chung bởi vì chúng ta có trong nhau, chúng ta là nhau.

   Với những ý niệm sáng còn nhiều non kém, thấp thỏi của mình con chỉ nguyện xin được góp chung vào sự nghiệp sáng nơi Thầy, nơi Phật, nơi chư Tổ, ánh sáng đi tới đâu thì bóng tối ở đó sẽ được hòa vào và cùng sáng. Sự sống còn bị lãng quên thì tiếng chuông đại hồng sẽ vì như thế mà còn đồng vọng, bản thân con vẫn tự nhắc mình, đừng vì chạy theo tư tưởng đặt để đúng sai bởi cái thấy hiện thời luôn phiến diện mà có những ý nghĩ, lời nói và hành động gây thương tổn mình – người, gây đổ vỡ, gây lụng tàn để rồi lại tự mình chông chênh, lạc loài và quay về tìm phương bồi đắp. Con sẽ tự quay về nhìn nhận nơi mình, phản tỉnh chính mình, nhìn đời, học đạo ở nơi mình, khi nào bản thân mình ổn thì mọi thứ tự khắc an. Con tâm đắc câu nói của Sư Ông Làng Mai: “The way out is in - Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm”, con nguyện bản thân mình thường nhớ nghĩ lời dạy của Thầy, Tổ và đem áp dụng vào đời sống hàng ngày để làm sáng thêm ngọn đèn tâm, để ôm lấy thêm một khoảng bóng đêm be bé trong đời, cũng như Thế Tôn đã nhẹ nhàng ôm lấy con bằng vòng tay đầy từ bi và trí tuệ của sự sống.

   Kính thương Thế Tôn thật nhiều!

Con - Cát Anh

Tin Tức Liên Quan