Học Pháp Và Hành Pháp

16/07/2024 8:39
Đầu tháng sáu âm lịch rồi là lần thứ hai chúng con về Tu Viện Khánh An, góp phần cùng tăng thân hướng dẫn khoá tu Xuất gia gieo duyên. Gọi là hướng dẫn nhưng thực ra cũng là cơ hội giúp chúng con học hỏi và trải nghiệm trên đoạn đường tu của mình.

   Qua những buổi giảng tại pháp đường Chánh Niệm, Thầy đã tưới tẩm hạt giống bồ đề bằng những trận mưa pháp, như Đại Kinh Rừng Sừng Bò, Quán Niệm Hơi Thở, Năm Sự Ngăn Che Trí Tuệ… giúp chúng con được sống lại sơ tâm ban đầu, được xông ướp giáo pháp trong mảnh đất tâm khô cằn, và chư hành giả cũng có nhiều cơ hội được nếm trải hương vị chánh pháp.

 Trong các bài pháp thoại, Thầy thường xuyên khuyến tấn học pháp mà không đi vào hành pháp là một thiếu xót rất lớn của người đệ tử Phật. Điều này được đức Thế Tôn nhắc đi nhắc lại trong các bản kinh như Kinh Trung A hàm, phẩm Trường thọ vương, kinh Chân nhân, Ngài dạy: “Này các Tỳ-kheo: ‘Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về pháp chân nhân, và pháp không phải chân nhân. Hãy lắng nghe, hãy khéo tư niệm. Lại nữa, hoặc có người tụng kinh, trì luật, học A tỳ đàm, thuộc làu A hàm, học nhiều kinh sách, người khác không được như vậy. Người kia nhân vì thuộc làu A hàm, học nhiều kinh sách nên quý mình, khinh người. Đó gọi là pháp không phải chân nhân’. Pháp chân nhân xét nghĩ như thế này: ‘Ta không phải do thuộc làu A hàm, học nhiều kinh sách mà đoạn trừ được dâm, nộ, si. Hoặc có người nào đó không thuộc làu A hàm, cũng không học nhiều kinh sách, nhưng người ấy thực hành pháp như pháp, tùy thuận pháp, hướng pháp, thứ pháp, do đó mà được cúng dường cung kính’. Như vậy, vị này thú hướng sự chứng đắc pháp chân đế, nhưng không quý mình, chẳng khinh người. Đó gọi là pháp chân nhân". Đoạn kinh dạy chúng ta tầm quan trọng của pháp hành, sự thực tập và chứng nghiệm giáo pháp đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người xuất gia. Nếu quên lãng hay đánh mất pháp hành thì các thành tựu về pháp học không đủ sức chuyển hóa những phiền não, khổ đau. Chỉ khi thực tập, ta mới cảm nhận rõ được sự nhiệm mầu của chánh pháp, linh dược mà đức thế tôn đã tìm ra cách đây gần ba ngàn năm.


   Mỗi khi chúng con và chư hành giả, ngồi thực tập bên nhau tại Vườn Trăng Non, Pháp Đường Chánh Niệm hay Phật Đường Tỉnh Thức v.v... được Thầy hướng dẫn thời khoá thiền tọa: “Thở vào nhận biết hơi thở đang đi vào, thở ra nhận biết hơi đang đi ra; Tê chân ghi nhận có sự tê chân, không phản ứng chỉ ghi nhận, tiếp tục quay trở về hơi thở...”. Đó là những câu thiền ngữ mà Thầy luôn nhắc trong khi ngồi thiền, giúp chúng con soi chiếu bốn đề mục thân, thọ, tâm, pháp cũng như quan sát hơi thở, theo dõi hơi thở đem tâm trở về với thân.

   Mỗi ngày trôi qua, chúng con và chư hành giả có nhiều cơ hội quay trở về nhìn lại chính mình, trở về đời sống chánh niệm, ý thức từng khoảng khắc đi qua cuộc đời, sống sâu sắc cho từng phút giây hiện tại. Có đôi lúc, quan sát thấy chư hành giả trong khi thực tập có dấu hiệu đau chân, mỏi lưng. Nhưng đó, chỉ là những ngày đầu tiên chưa quen với nếp sống tu tập của người xuất gia, thức khuya dậy sớm, công phu bái sám. Càng về sau, mọi người cảm nhận rõ niềm hỷ lạc và phấn chấn, siêng năng, tinh tấn, sống đời tỉnh thức để chuyển hoá nội tâm. Đây là hoa trái của sự thực tập.

   Sự trải nghiệm đời sống của người xuất sĩ, giúp hành giả mang chí nguyện xuất gia được kết duyên lành với Tam Bảo, vun sới những hạt giống tốt nảy mầm trên mảnh đất tâm.


   Với những ai, muốn thay đổi chính mình, thực tập nếp sống chậm, tìm về sự bình an nội tại , không bị chi phối ngoại cảnh hay những điều kiện vật chất thì khóa tu này là cơ hội giúp mọi người thực tập chuyển hoá thân tâm, thiết lập đời sống chánh niệm tỉnh thức, đem lại nhiều giá trị lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

   Sống trong ngôi nhà giáo pháp, pháp học và pháp hành luôn là điều kiện không thể thiếu đối với người xuất gia, là chất liệu xây dựng đời sống phạm hạnh, làm nên phong thái bậc xuất trần thượng sĩ.

   Với người Phật tử xuất gia đoản kỳ khi được học pháp và hành pháp như được tắm mình trong bể giáo pháp thì niềm tin sẽ vững chãi, kiên định và không bị lay động trước những biến động của thời cuộc. Từ đó, mỗi người đóng góp vào cho khu vườn giáo pháp càng thêm tỏa rạng giữa chốn nhân gian.

TK. Minh Huệ

Tin Tức Liên Quan