Đủ Duyên Lại Tương Phùng

26/08/2024 9:45
Ông Bà Đức Bạch – Diệu Thiện là đôi vợ chồng già sinh sống ở Cali nhưng quá đổi thân quen và gần gũi đối với Tăng thân Tu viện Khánh An. Mới đây mà đã tròn 2 năm ngày Ông về Phật! Sỡ dĩ nói Ông Bà rất thân quen và gần gũi với Tăng thân Tu viện là vì trước mùa dịch Covid 19, hễ tết đến là Ông Bà về thăm quê, đặc biệt là đón xuân ở Khánh An.

   Những ngày tháng tập sự ở Khánh An, con may mắn được làm thị giả Thầy. Vậy nên, mỗi khi có đoàn khách đến dù xa hay gần, dù chỉ đến thăm hay lưu trú lại con đều có cơ hội lân mẫn, phụng sự. Năm Kỷ Hợi (2019), trước khi vào thất, Thầy gọi con căn dặn: “Tết này như thông lệ hằng năm, Ông Bà Đức Bạch – Diệu Thiện về đón xuân ở Khánh An. Thời điểm này, Thầy vào thất rồi, con nên dành nhiều thời giờ túc trực bên cạnh Ông Bà; nhớ chăm sóc, hỏi han, cơm nước cho Ông Bà nha con”.


Thầy trò chúc xuân cùng nhau

   Căn phòng Ông Bà về ở có tên phòng Hoa Tigon, kế phòng của Nội – Sư cô Trung Hậu, đối diện với thất của Thầy. Con nhận thấy, dường như các cụ đều có chung nỗi niềm là luôn ngóng lên thất Thầy qua khung cửa sổ, mong gặp được Thầy thiền hành quanh hiên mỗi chiều. Có lần Ông lấy chiếc máy ảnh của mình ra và khoe với con những bức hình mà Ông chụp được. Trong đó có rất nhiều bức Ông chụp duy nhất một góc máy – từ căn phòng Hoa Tigon ôm trọn khung cửa sổ và những tán cây, xuyên qua thất của Thầy. Niềm vui của Ông là mỗi chiều canh máy và bắt trọn khoảnh khắc chiếc áo nâu quen thuộc thiền hành bên hiên rồi cười khoe với Bà. Từng là một phóng viên, nhiếp ảnh của kênh truyền hình nổi tiếng tại Mỹ, hẳn nhiên cử chỉ và đôi mắt Ông phải rất tinh tường để có thể lưu lại những khoảnh khắc vàng trong nhiếp ảnh. Không chỉ là phóng viên ảnh chuyên nghiệp, Ông còn là một họa sĩ. Mỗi lần từ Hoa Kỳ về là Ông luôn có một bức tranh để tặng Thầy. Bà thì tuổi ở 80, dầu bệnh yếu vẫn luôn chăm ông mỗi sớm chiều, lo từng bát cơm, viên thuốc. Không chỉ thế, Bà còn lo cho Ông tâm sáng để biết… “lối về”. Con vẫn nhớ như in nội dung mẫu giấy Bà viết và mỗi ngày ân cần nhắc nhở ông đọc: ‘Nam mô A Di Đà Phật, con nguyện xin về với Phật A Di Đà’.

Ông bà kỷ niệm cùng sư cô Trung Hậu ngày đầu xuân


Vui xuân

Bức hình đó chính ông họa


Bút tích bà dặn dò ông

   Những năm tháng được kề cận Thầy, chúng con không những học từ Thầy mà còn học được nhiều điều từ những việc Thầy giao khi tiếp xúc, ứng xử với mọi người. Và Ông Bà là một trong số những vị khách đã để lại nơi con nhiều xúc cảm. Ân tình của Ông Bà dành cho Thầy, cho Khánh An quá lớn. Dẫu ở độ tuổi gần bách niên, Ông Bà vẫn lặn lội nửa vòng Trái đất để trở về quê hương vun đắp nguồn mạch tâm linh nơi mình. Đó là điều mà ai cũng thương, cũng quý và kính trọng Ông Bà. Trong khoảng thời gian ở Tu viện, hình ảnh Ông Bà làm con vững tin hơn về con đường mà mình đã chọn, về nơi chốn và cả Tăng thân. Bởi, không ai lại bỏ công, bỏ sức để trở về một nơi – mà nơi đó chẳng mang lại ý nghĩa nào cho bản thân ở cái tuổi bóng xế tuổi chiều. Điều đó chứng tỏ, Khánh An đã trở thành ngôi nhà tâm linh vững chãi trong lòng Ông Bà ngần ấy năm qua.

   Trước thất Vô Sự là chiếc bàn tròn bằng mây, Thầy cần gì thì viết mấy chữ để trên chiếc bàn ấy. Một sớm đầu xuân 2020, có một mảnh giấy đặt trên bàn mây. Đó là một bức thư, Thầy tự tay viết sách tấn Ông Bà. Con mang thư qua, đọc cho Ông Bà nghe và xin được lưu lại như một tư liệu quý giá giữa cái tình của Thầy và hai Cụ. Cầm bức thư của Thầy trên tay, khoé mắt Ông đỏ hoe hướng về Thất Vô Sự - xúc động không nói nên lời. Một khoảng thinh lặng lạ thường ngự trị cả không gian!


Bức thư Thầy viết cho ông bà từ trong thất

   Một người sống tình cảm, hẳn nhiên sẽ nhận lại rất nhiều tình cảm từ người khác. Tình cảm của Ông được thể hiện qua từng nét vẽ, bức hình; tình cảm của Bà được thể hiện qua những món quà bé nhỏ xinh xinh. Tình cảm của Ông Bà là những dòng chữ tiếng Việt không dấu đánh máy rồi in ra – sau đó dùng bút đen viết thêm nào là dấu á (ă), dấu ớ (â), dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Đấy là thứ tình cảm bình dị của Ông Bà. Tình cảm là thứ không thể cân đo đong đếm bằng giá trị vật chất, trái lại nó xuất phát từ trái tim và Ông Bà cũng chính là hình mẫu của tình thương, nhẹ nhàng và ấm áp.


Tấm thiệp tự tay ông bà làm tặng người viết

   Mấy năm qua, Khánh An vắng bóng Ông và vẫn chưa có cơ hội gặp lại Bà. Con không chắc cuộc chia tay này bao giờ gặp lại, nhưng chắc chắn một điều khi đủ duyên ta lại tương phùng. Con kính nguyện cầu Ông dù trong hình tướng nào, vẫn luôn là người sống theo lời Phật. Kính nguyện Bà dù ở nơi nào lòng vẫn bình an, vững tin vào Tam Bảo cho đến cuối chặng đường này… Thương kính ông bà!


Người viết (phải) kỷ niệm với ông bà trước Tăng đường Vững Chãi

Trung Tuệ

Tin Tức Liên Quan