Pháp Thí và Tài Thí Tại "Xứ Sở Của Những Người Mù"

8/10/2016 3:23
Ngày 06/10/2016, tại tịnh xá Ngọc Châu Như, H. Vĩnh Châu, Sóc Trăng đã tổ chức khoá tu khá đặc biệt, có hơn 800 hành giả tham dự. Điểm đặc biệt ở đây là hầu hết hành giả đều bị mù hoặc một mắt hoặc cả hai mắt. Tại đây, Thầy Viện chủ Thích Trí Chơn đã có một thời pháp với chủ đề: Tâm Lành Dẫn Lối. Tháp tùng thầy có gần 40 Phật tử đi cùng để tham gia công tác phát quà từ thiện. Hơn 800 phần quà được mang đến cho bà con nghèo, mù - chính là những hành giả đang tu tập. Mỗi phần quà gồm: gạo, mì, đường, dầu ăn, nước tương, trứng, bột ngọt, tiền mặt . . . Tổng giá trị quà hơn 300 triệu VNĐ. Đây là những tấm lòng vàng của những Phật tử ở trong và ngoài nước góp phần (có phương danh trong trang nhà tuvienkhanhan.vn).

04 giờ sáng, rời Thành phố Sài Gòn hoa lệ náo nhiệt, theo tuyến quốc lộ 1A, đoàn đã đến các tỉnh miền Tây mênh mông sông nước. Vùng đất với những nét mộc mạc, giản dị trong cuộc sống đời thường, là mảnh đất giàu phù sa, là miệt vườn sai quả, và điệu lý, câu hò ngọt ngào, sâu lắng. Ở miền Tây toát lên sự dịu dàng nhưng vẫn có những nét mạnh mẽ và phóng khoáng. Buổi sáng, ngồi trên xe lướt qua khung cửa sổ, một khung cảnh thật thanh bình, yên ả. Nhìn dòng sông Hậu - nơi cầu Cần Thơ bắt qua, thấp thoáng trong sương mù, giống hệt như một dãy lụa mềm mại dài tít tắp.

DSC 3296
Trên xe, sau khi dùng sáng, cả đoàn tụng kinh Phước Đức. Khi Thầy Viện chủ vừa xướng lên lời dâng hương, một âm thanh truyền cảm lạ kỳ, như lời của chư Tổ khuyên dạy:
“Xin mọi loài chúng sanh
Từ bỏ cõi lãng quên
Theo đường Giới Định Tuệ
Quay về trong Tỉnh Thức.”

DSC 3268

DSC 3272
Sau thời kinh, mọi người cùng giao lưu, tự giới thiệu bản thân và chia sẻ cơ duyên được đến với Đạo, được đi từ thiện, được có thêm những bạn lành trong môi trường tu tập. Hơn 06 giờ đồng hồ đi chuyển, đoàn đã đến Sóc Trăng. Vùng đất này là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất của người Khmer, nơi tập trung rất nhiều đền đài cổ xưa, mang kiểu dáng Khmer đặc trưng như chùa Khleang, chùa Đất Sét, chùa Dơi với dàn nhạc ngũ âm... cùng các lễ hội vừa mộc mạc vừa rực rỡ màu sắc dân gian.

DSC 3280

DSC 3294
Địa điểm phát quà là tịnh xá Ngọc Châu Như, do ni sư Thích Nữ Tâm Liên trụ trì. Buổi trưa trời nắng vàng, trong khi từng cơn gió biển thổi vào từ phía cổng tịnh xá, tiếng niệm Phật đã ngân vang, tha thiết xuất phát từ tận đáy lòng của hơn 800 người đang niệm Phật mà hầu hết là người mù - nghèo.

DSC 3312

DSC 3313
Nhìn hình ảnh nước da đen sạm vì khắc khổ, mắt mất hẳn thị lực, một số khác thì đôi mắt lồi ra khiến ai nấy không khỏi chạnh lòng chua xót. Không chỉ những người lớn tuổi, ngay cả những thanh niên khỏe mạnh và cả những em nhỏ cũng ngậm ngùi khi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng. Những hình ảnh đó như những bản kinh sống chứng minh lời Phật dạy về nỗi khổ và sự biến ảo vô thường của thế gian. Bác Thạch Lương 70 tuổi, chia sẻ: “Bác bị mù hồi năm 32 tuổi, tính ra đến nay bác phải sống 42 năm trong bóng đêm. Người không nhìn thấy cuộc sống khổ lắm cháu à! Bị đau ở chân, ở bụng còn đở khổ hơn khi mắt mình không còn nhìn thấy gì. Làm gì cũng không được. Đi lại thì đụng chỗ này chỗ kia, phải cần người dắt. Có lúc con mình đem đồ ăn trước mặt mà cũng chẳng biết chỗ nào để lấy ăn. Trước khi bị mù bác có tới 7 đứa con, không ngờ một thời gian đi làm bị hành văng vào mắt, từ đó mắt mờ dần rồi mù luôn. Mù rồi không làm gì được, mọi gánh nặng đặt lên vai vợ bác. Nhìn 7 đứa con nheo nhóc đói khổ, bữa đói, bữa no, đôi khi cả ngày không có một hạt cơm vào bụng, lòng bác đau khổ vô cùng. Nước mắt bác cứ chảy hoài khi tiếng con mình kêu: “Ba ơi! Con đói!”. Những lúc bác tuyệt vọng, nghĩ đến cái chết, để khỏi làm gánh nặng cho gia đình. Nhưng nghĩ lại chết không phải là cách giải quyết vấn đề. Bây giờ con bác cũng đã lớn, cuộc sống đỡ hơn, với lại cũng có nhiều đoàn từ thiện đến đây giúp đỡ, bà con mình đỡ khổ. Giờ bác chỉ biết gắng tu để kiếp sau mình thoát khổ.”

DSC 3429

DSC 3340
13 giờ, Thầy Viện chủ có một thời pháp cho bà con tại đạo tràng với chủ đề "Tâm Lành Dẫn Lối". Tiếng niệm Phật vừa cất lên, một cơn mưa trút xuống như gột rửa bao nỗi sầu khổ, niềm đau của con người nơi đây. Thầy nói: “Đây là đạo tràng với những thính chúng đặc biệt. Đa số những vị ngồi ở đây đều bị mù, không còn mắt để nhìn thấy người mình thương, hay nhìn lên trời xanh mây trắng. Nhưng giác quan này khép lại thì giác quan khác mở ra và tinh tế hơn. Khi mắt mình mù thì tai mình sẽ thính hơn, bàn tay mình xúc chạm sẽ tinh tế hơn… Đôi mắt mình sẽ nằm ở đôi bàn tay, bàn tay cũng chính là đôi mắt biểu hiện tình thương của mình với mọi người xung quanh. Khi đôi mắt khép lại thì ánh nhìn cũng có dưới đôi bàn chân. "Đôi mắt" nơi bàn chân đã đưa quí vị đi chùa, đến nơi thánh thiện, nơi an lành và giả thoát để tu học, để chuyển hoá.

DSC 3403
Có rất nhiều người có đầy đủ các giác quan, mắt sáng, chân khỏe để đi nhưng thật sự họ có một khói óc mù lòa, và trái tim tối tăm. Họ mù lòa về nhân cách, mù lòa về đạo đức. Không phân biệt được thiện ác đúng sai, chỉ vì danh lợi, địa vị mà bất chấp thủ đoạn làm tổn thương nhau. Giá trị cuộc đời không đo lường bằng vật chất hay địa vị mà được đo bằng nhân cách nơi mỗi con người.

DSC 3389

DSC 3373

Sở dĩ chúng ta về đây tu tập là để chuyển nghiệp. Nghiệp có ba: nghiệp ở thân, ở khẩu và nghiệp ở ý. Trong đó nghiệp ở ý là quan trọng nhất. Nó nằm ngay ở sự khởi tâm động niệm của chúng ta. Cho nên phải hết sức để ý đến vấn đề tư duy, suy nghĩ của mình. Cốt tủy của việc phán xét đúng sai, tốt xấu của một người là ở sự khởi tâm động niệm của họ. Phật tử do nghiệp duyên gì đó nên không đầy đủ sáu căn nhưng do ta biết tu, biết đến chùa, tụng kinh niệm Phật…nhờ đó mình hiểu được đạo lý, hiểu được tình yêu thương đối với gia đình, xã hội, cuộc sống sẽ an lạc và hạnh phúc hơn.”

DSC 3322

DSC 3414
Sau giờ thuyết pháp, đoàn đã phát hơn 800 phần quà cho bà con.

DSC 3490
Vợ chồng anh Quyền chị Nga đã đến đây trước một ngày để thị sát mặt bằng, hội chúng để thao tác việc quay phim, chụp ảnh. Anh chị là một trong những gia đình chánh tín Tam Bảo. Những Phật sự của Tu viện về mảng truyền thông đều do anh chị phát tâm. Cũng xin nhắc thêm, có những phật tử thầm lặng tham gia các Phật sự này như chị Lệ Mai - An Khánh, anh Khánh Toàn, hễ có đĩa giảng nào vừa ra là các anh, chị đều phát tâm in, sang rồi mang về Tu viện biếu cho Phật tử các nơi nghe - tu. Vừa đến nơi, gặp anh Quyền với nụ cười thật tươi, anh nói: “Hai vợ chồng con đến đây từ chiều hôm qua để chuẩn bị thiết bị quay phim, ghi hình. Không chuẩn bị trước lỡ có trục trặc thì uổng lắm. Nhìn hình ảnh người dân nơi đây, đăc biệt là người mù thấy thương vô cùng.”

IMG 7764
Chị An Nghiêm, An Duyên là hai Phật tử luôn gắn bó với Tu viện trong nhiều chuyến từ thiện. Mọi việc về công tác tổ chức, hậu cần, đối ngoại hai chị đảm trách khá tốt. Khi nhìn bà con mình bị mù, chị An Nghiêm nói: “Thấy cảnh bà con mù loà mà lòng quặn đau”. Khi được Sư phụ hỏi: “Cô có mệt không?”. Chị cười thật tươi, nói: “Thầy đừng lo cho con. Con khỏe lắm!”. Mặc dù suốt chặng đường dài không ghế dựa lưng, ngồi dưới sàn để nhường chỗ cho những người không đăng ký tham gia nhưng giờ chót xin đi cùng, chị vẫn luôn vui vẻ và thường xuyên tạo hoạt náo cho mọi người hân hoan. Có lẽ do tình thương với bà con nghèo nên sự mệt mỏi trong chị cũng tan biến.

DSC 3475

DSC 3555
Anh Hoàng đang định cư ở Úc, về Việt Nam lần này anh cũng tháp tùng cùng đoàn từ thiện. Anh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tham gia từ thiện. Nhìn mọi người ở đây thật khổ. Họ rất cần được sự quan tâm của các nhà hảo tâm và chính quyền nhiều hơn”. Bé MiNa, người Mỹ gốc Việt, đang sống ở Portland, Oregon, vừa tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ học, trong chuyến về thăm quê cũng theo đoàn để phát quà từ thiện, cháu nói: “Ở tại Mỹ, MiNa không có tham gia vào những chương trình thiện nguyện. Đây là lần đầu tiên tham gia vào công tác từ thiện. MiNa nghĩ rằng từ thiện rất tốt, giúp ích cho mọi người. Nhìn mọi người ở đây thật tội. Nhưng giúp đỡ chỉ là sự trợ duyên bên ngoài, tự thân mỗi người phải phấn đấu để vượt qua những khó khăn của chính mình.”

DSC 3500

DSC 3493
Trong cơn mưa rả rích, ai nấy cũng thấm mệt và ướt sũng nhưng trên khuôn mặt vẫn nở những nụ cười thật tươi. Bà cụ Bích San, tuổi đã gần 80, nhà ở Quận 9, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng khi nghe tin Tu viện có chuyến từ thiện nào cụ cũng đều tham gia. Cụ nói: “Già rồi, kiếm tí phước để làm tư lương về sau”. Vợ chồng anh Khánh Toàn, anh chị Tuấn - Thủy, các anh chị Khánh Thọ, Khánh Minh, An Tuyền, An Huyền, Diệu Thuý . . . và nhiều Phật tử cơ hữu gắn bó với Tu viện trong nhiều chuyến từ thiện, ai nấy cũng liên tục khuân, vác những phần gạo mì gửi đến bà con nghèo - mù. Có lẽ hành động đó xuất phát từ trái tim của người con Phật và hiểu được phước báu của sự bố thí như lời Phật dạy trong Tiểu Bộ kinh: “Này các Tỳ kheo, nếu các chúng sanh có thể biết như Ta đã biết quả dị thục của sự san sẻ, bố thí, họ sẽ không hưởng thụ nếu họ không bố thí và uế nhiễm xan tham không có ám ảnh tâm họ và an trú. Dầu là miếng cuối cùng của họ, dầu là miếng ăn tối hậu, họ cũng không thọ hưởng nếu họ không san sẻ, khi có người nhận của họ”.

DSC 3498

IMG 7801

DSC 3541

DSC 3523
Những hình ảnh về tình người thật đẹp, họ như đã nhắc lại lời của Steve Jobs, một trong những nhân vật làm thay đổi thế giới qua "Trái táo cắn dở", đến cuối đời trên giường bệnh ông viết: “Tôi đạt đến đỉnh cao của sự thành công trong thế giới kinh doanh. Trong mắt của người khác, cuộc sống của tôi là một mẫu mực của sự thành công.Tuy nhiên, ngoài công việc, tôi có rất ít niềm vui. Tại thời điểm này, nằm trên giường bệnh và nhớ lại toàn bộ cuộc sống của tôi, tôi nhận ra rằng tất cả những lời khen ngợi, tự cao, tự hào và sự giàu có mà tôi mất rất nhiều năm tháng tuổi trẻ để theo đuổi, đã dần và trở nên vô nghĩa khi đối mặt với cái chết sắp xảy ra. Không ngừng theo đuổi sự giàu có sẽ biến cuộc đời bạn thành một vòng xoáy hỗn độn giống như tôi. Sự giàu có tôi đã có trong cuộc sống, tôi không thể mang theo khi xuống mồ. Bây giờ tôi mới hiểu thấu, nếu một lần bạn đã có tiền đủ cho cuộc đời của bạn, bạn hãy đeo đuổi một mục đích khác không liên quan đến tiền bạc. Nên tìm một điều gì quan trọng hơn.... Những gì tôi có thể mang lại bây giờ chỉ là những kỷ niệm đọng lại bởi tình yêu. Đó là sự giàu có thật sự mà sẽ theo bạn, đi cùng bạn, cho bạn sức mạnh và ánh sáng để đi tới. Cho dù trong giai đoạn của cuộc đời chúng ta có huy hoàng tới mức nào, với sự tàn phá của thời gian, cuối cùng tất cả phải đối diện khi bức màn sự sống kéo xuống. Hãy trân trọng tình yêu cho gia đình bạn, tình yêu dành cho người bạn đời của bạn, tình yêu cho bạn bè ... Hãy đối xử tốt với chính mình và biết trân trọng những người khác.”

DSC 3462
16 giờ, đoàn rời Sóc Trăng, vùng đất với những nét văn hóa độc đáo, nơi có dàn nhạc ngũ âm réo rắt, rộn ràng, trong trẻo. Những chợ nổi bồng bềnh trên sông, những giai điệu ru con “ầu ơi…” êm ái, dịu dàng sâu lắng và trìu mến. Một lần nữa đoàn lại có dịp ngắm nhìn dòng sông nơi đây, dòng sông chảy một cách hiền hòa, êm đềm, thâm trầm và bình thản đến lạ kỳ. Dòng sông trôi chảy như chẳng ưu tư, vướng bận bất cứ điều gì trên đời. Xe đã lăn bánh rất xa, hình ảnh người mù tại tịnh xá Ngọc Châu Như vẫn còn đọng lại trong tâm trí, lời Phật dạy trong tăng Chi Bộ Kinh cứ vang vọng: “Này các Tỳ kheo, thế nào là người mù? Ở đây, có người không có mắt để có thể thâu hoạch được tài sản chưa thâu hoạch, làm tăng trưởng tài sản đã thâu hoạch; không có mắt để có thể biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không có tội, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỳ kheo, đây gọi là hạng người mù.”.

22 giờ, xe về tới Tu viện. Mọi người chia tay tạm biệt sau một ngày từ thiện vất vả, đầy ý nghĩa, trong khi cơn mưa vẫn rả rích như muốn níu chân, như muốn hẹn gặp những đợt từ thiện tới.
Trung Nhã, Trung Lưu

Hình ảnh ghi nhận được:

DSC 3360

DSC 3331

DSC 3321

DSC 3328

DSC 3337

DSC 3361

DSC 3385

DSC 3387

DSC 3439

DSC 3468

DSC 3478

DSC 3487

IMG 9339

DSC 3495

DSC 3543

DSC 3549

DSC 3559

IMG 7570

DSC 3570

DSC 3505

 

 

Tin Tức Liên Quan