Pháp thoại: “Tháo gỡ nội kết”

3/09/2020 9:03
Đêm 01/09/2020 (nhằm 14/07/ Canh Tý), trong thời Sám hối mùa Vu Lan, Thầy Viện chủ đã có bài giảng ngắn đến đại chúng với pháp thoại mang tên: “Tháo gỡ nội kết”

Trong mỗi buổi sám hối thường có đoạn:

Con xưa đã tạo bao ác nghiệp

Đều do vô thỉ tham sân si

Từ thân miệng ý mà sinh ra

Tất cả con nay xin sám hối

Đã sinh ra mang kiếp con người thì ai cũng mang trên mình bao tội lỗi từ vô thỉ cho đến ngày nay. Sám hối chính là xin thú nhận lỗi lầm và hứa không tái phạm, sám hối chính là hối hận và ăn năn những điều sai trái đã gây ra; vô cùng hối tiếc những lỗi do bản thân gây nên và xin tự mình nghiêm khắc kiểm điểm, tự phê phán, tự hứa không còn tái phạm. Cố gắng không ngừng, không còn vấp phải lỗi lầm.


Trong đời sống hằng ngày, vì do sáu căn tiếp xúc với trần cảnh mỗi mỗi phút giây nên tạo ra biết bao nghiệp chướng, gây ra bao lỗi lầm tạo nên biết bao hạt giống tiêu cực: tham sân si. Tham chính là sự đắm say, sự ham muốn, sự đam mê một điều gì đó. Cốt lõi của lòng tham nằm ở các nhu cầu của con người. Khi ham muốn về những thứ này dâng cao hơn mức bình thường, con người sẽ nảy sinh lòng tham và được hiển hiện với những hành động, lời nói của mình.

Thế nhưng, tham lam thực sự không phải là bản chất của con người. Nhân chi sơ, tính bổn thiện. Con người sinh ra thuần khiết như tờ giấy trắng, trái tim thuần hậu và thiện lương. Lòng tham lớn dần lên theo năm tháng, qua những bể dâu mà mỗi người gặp phải. Người không biết tiết chế lòng tham thì lòng tham cứ lớn dần mãi lên, đưa lối dẫn đường đến những hành động sai trái.

Thầy khuyên đại chúng, khi nhận chân được lòng tham trỗi dậy, những hạt giống tiêu cực bắt đầu nảy mầm thì người Phật tử hãy nói lời sám hối. Sám hối với Tam Bảo, với người mà mình đã trót gây nên lầm lỗi. Sám hối để tiêu trừ những nghiệp chướng, những nội kết ở trong lòng mỗi người. Vì thế, mỗi ngày hãy thực tập nói lời ái ngữ, dễ thương, bởi lời nói dịu dàng, êm ái ngọt ngào, dễ nghe luôn phát xuất từ lòng từ bi hỷ xả, phát xuất từ tâm thanh tịnh, phát xuất từ tấm lòng thương người như thể thương thân. Ái ngữ không phải là lời nói đầu môi chót lưỡi, không phải là lời nói hoa mỹ, không phải là lời nói tâng bốc khách sáo, cốt sao cho đẹp lòng người nghe, một cách không thực, đôi khi hàm chứa dụng ý bên trong mà ái ngữ có tác dụng đem lại an vui, bình yên thanh thản cho người nghe. Ái ngữ có tác dụng an ủi vỗ về những tâm hồn nhiệt não, âu lo sợ sệt.


Lời nói, cũng như tiếng cười, có khi gây được cảm tình tốt đẹp, cũng có khi gây nên ác cảm, oán thù giữa con người với nhau. Chỉ cần lỡ một lời nói, có khi hư hỏng việc lớn. Chỉ cần lỡ một lời nói mà gây ra những hiểu lầm không đáng có. Vì thế, là người con Phật, hiểu được lý thuyết về nhân quả, chúng ta mỗi ngày phải biết biết chăm sóc tưới tẩm những hạt giống thiện lành để đến một ngày nào đó hạt giống sẽ biến thành cây và hình thành quả ngọt. Thực hành sám hối tự tâm, trau dồi giới luật để mọi hành động của chúng ta đều xuất phát từ một suối nguồn trong veo, luôn luôn sống động như mây trăng ngang trời cứ mãi bay, như dòng suối muôn thuở, nước cứ chảy mãi không ngừng nghỉ, không một chút chần chờ suy niệm mà luôn ứng xử tùy duyên một cách tự nhiên, phi nhiên. Phải nắm lấy hơi thở để tiếp xúc với chính mình, tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong con người và vạn vật xung quanh hiểu mình, hiểu người, dung hòa tốt đẹp trong đời sống hàng ngày.


Cuối thời pháp thoại cả đại chúng đồng hoan hỷ.


Tin: Ngọc Ánh, Ảnh: Trung Lưu

Một số hình ảnh ghi nhận được:













Tin Tức Liên Quan