Pháp thoại "Chiêm nghiệm về Vesak 2019" tại chùa Minh Đạo

20/05/2019 7:41
Tối 18/5/2019 (14/4/Kỷ Hợi), tại chùa Minh Đạo (Quận 3), thầy Trí Chơn đã có thời pháp thoại với chủ đề "Chiêm nghiệm về Vesak 2019".

Thầy nói rằng, Vesak là một đại lễ lớn của Phật giáo trên toàn cầu, nó vừa mang tính lễ, vừa mang tính hội, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 đã thể hiện tầm vóc đối ngoại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là một minh chứng đầy đủ thể hiện Việt Nam là một quốc gia có đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc. Chiêm nghiệm lại đại lễ vừa qua để thấy tinh thần đoàn kết, hoà hợp của thế giới Phật giáo đại đồng. Một sự đoàn kết tuy khác biệt về truyền thống tu tập, về tông môn hệ phái nhưng vẫn chung một niềm tin - niềm tin vào Đức Thế Tôn.

 

1

1a

2

3

5

 

Trên thế giới có các hội nghị thượng đỉnh cấp quốc tế tuy có long trọng nhưng thiếu sự đoàn kết. Đại lễ Vesak như một sợi dây vô hình kết nối mọi người lại với nhau. Vesak đã đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho số đông chư thiên và loài người. Với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”

Các nhà lãnh đạo thế giới đang có khuynh hướng muốn ứng dụng giáo lý nhà Phật để áp dụng vào quản lý quốc gia của mình, ứng dụng sự đoàn kết, hoà hợp trong giáo pháp của Đức Thế Tôn làm lợi lạc cho xã hội.

Đoàn kết là các thành tố kết hợp với nhau tạo thành một mắc xích bền vững. Cũng chính vì lý do đó mà từ ngàn xưa Đức Thế Tôn đã dạy chúng ta hãy đến với nhau trong tinh thần hoà hợp và dẫu mai này có chia tay thì vẫn giữ tinh thần thương yêu, hoà ái. Các đại biểu đến với Vesak khác nhau về sắc tộc, màu da nhưng cùng chung tuệ giác của Đức Thế Tôn, tuệ giác đến từ tấm lòng từ bi, đượm thắm tình người.

 

4

6

7

9

 

Thứ hai, hoà hợp trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Cái đẹp của tôn giáo là muôn màu, muôn vẻ, nét đẹp của văn hoá, nghệ thuật đã cống hiến vào Vesak như một bông hoa làm rạng rỡ vườn hoa Phật giáo toàn cầu. Văn hoá Phật giáo của các nước đã thể hiện sự trầm mặc và sâu lắng ở nơi hiện diện của các đoàn khách quốc tế. Các giá trị văn hoá đa dạng, phong phú đã tổng hoà nên cái Vesak hoà bình, hữu nghị. Văn hoá là những cái đẹp để cho con người ta cảm thụ các giá trị thẩm mỹ. Phật giáo cũng vậy, với mục đích làm cho con người tự giác ngộ và cứu độ chúng sinh. Chính lý tưởng này là nguồn gốc tạo ra hệ thống văn hóa Phật giáo xuyên suốt từ quốc gia này đến quốc gia khác, từ Đông sang Tây, từ mọi miền của đất nước.

Thứ ba, sức mạnh tâm linh. Nói đến tôn giáo là nói đến tâm linh, nói đến sự nhiệm màu, sự hiện hữu của những giá trị siêu việt mà không thể mắt thấy, tai nghe, hiểu biết và năng lực tư duy của mỗi người. Đó là một năng lượng tâm linh vĩ đại mà tất cả các nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới mang lại. Hữu hình có năng lượng hữu hình, vô hình có năng lượng vô hình, hữu tình có năng lượng hữu tình, vô tình có năng lượng vô tình. Ngay chính dòng sông, biển cả và mặt đất tự thân của nó cũng mang nguồn năng lượng mạnh mẽ. Vì thế, mỗi con người với năng lượng thiền định mà có tuệ giác, nhờ tuệ giác mà có thể nhiếp được ngoại cảnh, nhiếp được những khó khăn trong cuộc đời.

 

10

13

14

 

Thứ tư, Vesak là nơi hội tụ của tinh hoa trí tuệ. Các diễn đàn hội thảo tập trung tất cả các đại biểu không những trong giới tu sĩ mà còn có các chính khách, các nhà nghiên cứu về triết, về văn, sử. Tất cả các đại biểu ấy đều hướng về cống hiến cho Vesak. Ngày nay, xã hội loài người đã phát triển một nền khoa học kỹ thuật được xem là đỉnh cao với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng những giá trị về đời sống tinh thần vẫn còn bấp bênh và đầy biến động qua các cuộc giao tranh, các cuộc khủng bố đẫm máu đã diễn ra trên khắp thế giới. Chính vì thế, sự cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống đạo đức rất cần thiết của một con người, mà đặc biệt hơn đó là đối với một người lãnh đạo. Sự chánh niệm tỉnh thức giúp cho người lãnh đạo hay tổ chức lãnh đạo nhìn nhận thấu đáo được vấn đề và đưa ra những quyết định đúng đắn nhất. Chánh niệm chính là con đường phát triển nhận thức đạt đến mức độ cao nhất và đó chính là con đường và là phương thức để thiết lập hạnh phúc và giải quyết mọi khổ đau trong đời sống hiện tại và tương lai.

Các diễn đàn như chăm sóc sức khoẻ gia đình, cách tiếp cận Phật giáo về việc chăm sóc các giá trị đạo đức tâm linh cho con người cũng được tổ chức khá thành công trong đại lễ lần này. Gia đình được hình thành bằng mỗi thành viên, mỗi gia đình là tế bào xây dựng nên xã hội, các xã hội xây dựng nên một quốc gia và các quốc gia xây dựng nên một thế giới đại đồng. Ngày nay, con người đang lao vào trong thế giới vật chất, làm giàu bằng vật chất. Khi vật chất được nâng lên cao, mối quan hệ tình người thu hẹp lại. Vì làm giàu bằng vật chất nên các giá trị đạo đức, tâm linh cũng dần suy giảm. Vesak đã mang lại luồng gió mới cho nhân sinh, kiến tạo lại trật tự xã hội nhằm nâng cao nhận thức con người biết sống chánh niệm trong mỗi phút, mỗi giây.

Thứ năm, tiêu thụ có trách nhiệm. Sống trách nhiệm với bản thân, với cả thế giới. Xã hội ngày nay đang thiếu dân trí và văn hoá. Mỗi chúng ta là một nhành cây, một bông hoa toả hương thơm cho cuộc đời. Ý thức được điều đó, con người phải được xây dựng, uốn nắn từ trẻ thơ để trong tương lai thiết lập một thế hệ trẻ với trái tim từ bi và trí tuệ tỉnh giác sẽ mang lại luồng gió mới thay đổi thế giới đem lại cho nhân loại một cuộc sống bình yên.

 

15

16

 

Cuối cùng là cách tiếp cận của Phật giáo trong thời đại công nghệ 4.0. Ngày nay, chúng ta đang rơi vào khủng hoảng truyền thông, chỉ cần ngồi một chỗ là ta có thể biết được thông tin trên toàn thế giới. Lợi lạc mà truyền thông mang lại rất lớn, nhờ truyền thông mà xích con người lại gần nhau hơn. Nhưng bên cạnh đó, truyền thông có thể huỷ diệt con người chỉ trong tích tắc. Tâm chúng ta là một trung tâm chứa đầy rác của nhân loại, stress, sân giận, bực tức, và chính những chất dơ bẩn ấy vung vẩy, gây hại đến những người xung quanh. Học giáo pháp của Đức Phật là để giúp con người có những bộ lọc tâm thức hướng chúng ta bước lên con đường chánh giác.

Năm diễn đàn tại Vesak là nơi tập trung trí tuệ của các nhà khoa học. Đại lễ diễn ra tại Việt Nam là một công cuộc hoằng pháp vĩ đại của Giáo hội. Vesak đã tạo một hiệu ứng của thông điệp đạo từ bi rải đến muôn loài, đã thay đổi định hướng tư tưởng trong xã hội, thay đổi nhận thức của con người về một đạo Phật già nua cằn cỗi bằng một Đạo Phật khoa học, một Đạo Phật trẻ trung và tươi mới cống hiến bằng cả giá trị nhân văn.

Vesak khép lại trong niềm hân hoan của các đại biểu quốc tế, đại lễ cũng là tiền đề để các nhà lãnh đạo trên toàn cầu kiến tạo một trật tự xã hội bình an, một thế giới hoà bình, hạnh phúc.

Ngọc Ánh , Minh Trí 

Tin Tức Liên Quan