Pháp thoại chiều khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 33

17/12/2018 6:07
Chiều ngày 16/12/2018, trong khuôn khổ của Khoá tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 33, sau giờ thiền toạ, các hành giả đã có được buổi Pháp đàm để lắng nghe những lời dạy quý báu từ Thầy Viện chủ.

Tiếp nối bài pháp thoại “Làm chủ hay làm khách” của thượng tọa Bửu Chánh buổi sáng, Thầy đã gửi gắm đến quý vị phật tử một thời pháp với nội dung xoáy sâu vào vấn đề “Làm chủ” – Làm chủ hơi thở, làm chủ cảm xúc, Làm chủ bản thân. Thầy chia sẻ: “Trong đời sống ta luôn nghĩ rằng ta làm chủ mọi thứ, từ cái nhà, chiếc xe, người thương, hay đơn thuần là một món đồ chơi của đứa trẻ. Ta sẽ cảm thấy tổn thương và khổ đau khi những thứ ta nghĩ là của mình giờ không còn nữa. Suy cho cùng ta cũng chỉ là một kẻ nô lệ của những thứ ta đang nắm giữ trong tay vì bao buồn vui cũng như hạnh phúc mà ta có được là do những thứ ấy sai bảo ta.”

 

2

11

 

Mỗi người trong chúng ta không ai có thể làm chủ được các sự vật hiện tượng bên ngoài bởi bất cứ thứ gì cũng tuân theo luật vô thường; có đó rồi mất đó, ta không thể nắm giữ nó mãi được, duy chỉ có một thứ mà chính bản thân mỗi người có thể kiểm soát được, có thể dựa vào đó mà khiến cho tâm thức được yên ổn. Đó chính là hơi thở. Hơi thở - thứ luôn có mặt và hiện diện trong cơ thể của mỗi người, nuôi dưỡng sự sống, hơi thở diệu kỳ, mầu nhiệm là nền tảng để cho chúng ta quán chiếu mỗi ngày và tăng trưởng đạo lực. Chỉ với 15 – 20 phút hằng ngày quay về với hơi thở, xả bỏ tất cả mọi lăng xăng tạp niệm, mọi tư tưởng truy tìm quá khứ và vọng tưởng đến tương lai, chấm dứt các tham muốn, lo lắng, giận hờn, ghen tuông là ta có thể an ổn thân và tâm. Mỗi chúng ta ai cũng có một ngôi nhà thế gian để hàng ngày quay về sum họp với gia đình, hay đơn giản là che mưa che nắng, giúp ta vượt qua mọi giông bão. Cũng vậy, hơi thở, nó như nơi trú ngụ của tâm thức, khi tâm mình xao xuyến, bất an, chỉ cần đem tâm quay về an trú nơi hơi thở đi vào – đi ra là ta có thể lấy lại được sự cân bằng, thư thái của thân và tâm. Nếu có người đưa đến cho ta chuyện phiền não, buồn giận, ta hoàn toàn có khả năng làm được hai điều cùng lúc: việc đầu tiên là ngồi yên lặng, giữ tâm thật bình tĩnh để nghe; thứ đến, ta hãy để tất cả những lời nói kia  đi qua đi lại như gió đi ngang qua mành lưới. Thực tập được như vậy, biết lắng nghe những ưu tư, nỗi niềm của người khác cũng chính là ta đang thực sự lắng nghe từng hơi thở, từng cảm thọ đang biểu hiện trong mình. Lúc bấy giờ, chính “sự tỉnh thức” và “chánh niệm” đang có mặt trong ta mà ta không bị cuốn hút theo những âu lo, phiền muộn. Chúng ta phải biết lắng nghe thật sâu sắc, vừa để phòng hộ được thân tâm, vừa thấu hiểu được những niềm đau của người đối diện. Đó là một sự  công phu thực tập, chính ta cũng đã có được phương pháp tuyệt vời giúp người kia giải toả được cơn buồn giận đồng thời làm cho năng lượng tích cực của mình được thăng tiến, hoá giải được những tâm hành tiêu cực trong đời sống. Đây là phương pháp tu tập rất mầu nhiệm mà chỉ cần thực tập ngần ấy thôi cũng đủ làm cho chính ta, đời sống gia đình ta, người thân xung quanh trở nên an vui, hạnh phúc đúng với giáo pháp của Đại Thừa Phật Giáo mà chư Tổ đã gầy dựng và truyền dạy lại cho hàng hậu học ngay trong hiện tại và tương lai.

 

1 copy

12

 

13

 

17

 

18

 

Ai ở trong đời cũng đến rồi đi như giấc mộng. Nếu không khéo tu tập thì tự ta sẽ chuốc biết bao phiền luỵ, khổ đau và tiếp tục rót thêm vào thân tâm những giọt nước ô nhiễm, độc hại. Bởi vậy, bằng sự an trú trong hơi thở của chính mình, ta hãy hành trì siêng năng từng ngày một cách sâu sắc; khi đó chúng ta sẽ thấy những gì mà ta hiện có hay những tặng phẩm mà cuộc sống đã ban cho ta đều như những bông hoa tươi đẹp, những hạt nắng của yêu thương và trí tuệ, tất cả những món quà đó đều là những mầm xanh hy vọng và hạnh phúc. Cho nên, từng giây, từng phút ta hãy biết trân quý hơi thở, hãy xem nó như một món quà mà thiên nhiên đã ban tặng để từ đó ta biết quán chiếu và tu tập tốt hơn

Thầy còn dạy cho quý hành giả hiểu rõ về nhân duyên. Mỗi một người xuất hiện trong cuộc đời của ta đều là duyên nghiệp từ nhiều đời nhiều kiếp, nhưng không phải ai cũng có những duyên tốt đẹp, ta hãy nhìn lại thật kỹ rằng bên cạnh những duyên lành thì cũng có những duyên xấu khiến cho ta đau khổ, thế nhưng nếu không có những duyên xấu trợ cho những duyên tốt thì liệu ta có cơ hội để nhìn lại cuộc đời và tu tập tinh tấn hơn không. Thầy lấy ví dụ, nếu như một người phụ nữ nào đó có cuộc sống hôn nhân không suôn sẻ, hạnh phúc như bao người thì người ấy có cảm thấy bị tổn thương mà tìm về nơi thanh tịnh chốn thiền môn để tu tập nhằm xoa dịu những vết thương trong tâm hồn hay không? Giống như Sư Bửu Chánh có nói rằng: “Đi với chồng mặc áo đầm, đi với thầy mặc áo tràng”. Nếu ta mãi chạy theo hạnh phúc nơi thế gian, chạy theo niềm vui của nơi cõi mộng chốn trần gian thì ta sẽ mãi mãi không thể quay lại tự thân mình, khó có cơ hội được thực tập và hành trì các giáo pháp của Đức Như Lai.

Cuối giờ Pháp đàm, Thầy khuyến tấn hội chúng mỗi người hãy tự là chính mình, tự nương tựa nơi hải đảo tự thân, tự quán chiếu nơi thân và tâm để có thể sớm vượt thoát khỏi biển khổ sông mê đến bến bờ của hạnh phúc, giải thoát và an lạc.

Sau khi kết thúc lời nhắn nhủ với quý hành giả, Thầy Viện Chủ dành khoảng thời gian còn lại để giải đáp các thắc mắc trong quá trình tu tập của các Phật tử. Từng câu hỏi của các cô chú nêu ra được Thầy Viện Chủ giải đáp như một bài pháp thoại ngắn gọn, súc tích giúp các hành giả có nhiều kiến thức hơn để vững bước trên con đường tu tập.

Ngọc Ánh, Trung Long.

Một số hình ảnh ghi nhận được trong khóa tu

 

4

 

3

 

5

 

6

 

7

 

8

 

9

 

10

 

15

 

16

 

19

 

20

 

21

 

22

 

23

 

24

 

25

Tin Tức Liên Quan