Mở đầu bài nói chuyện, Thầy đã trích
dẫn vài câu thơ của một vị Phật tử viết tặng Thầy:
Gia đình hai chữ thiêng liêng
Nơi ai cũng sống hết mình vì ta
Cháu con cha mẹ ông bà
Đâu đâu tất cả cũng là người thân.
Gia đình là hai
tiếng thiêng liêng nhất của chúng ta. Gia đình chính là quê hương thu nhỏ cuộc
đời mỗi con người. Cho dù đi đâu, về đâu thì ta vẫn khao khát và mong ngóng
được trở về đoàn tụ với gia đình của mình.
Gia đình còn được xem chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người. Dường như rằng tất cả chúng ta ai cũng đã, đang và sẽ có một gia đình nhưng không phải ai cũng hiểu được tầm quan trọng của gia đình là gì.
Thế nhưng
cũng có không ít gia đình không may thiếu đi hình ảnh của người mẹ, hay người
cha,…Điều đó thật đáng buồn, song không thể phủ nhận được gia đình luôn là nơi
cho chúng ta cảm giác an toàn nhất, cho chúng ta thêm nghị lực để có thể tự tin
bước vào cuộc sống đầy những chông gai và thử thách. Mỗi khi buồn, mỗi khi thất
bại, thậm chí là có những khi ta bị mắc sai lầm lớn nhưng gia đình vẫn luôn đón
nhận bằng tất cả sự yêu mến.
Cha mẹ chính là đấng tối thượng trong
tình thương gia đình. Gia đình là tổ ấm, là nơi cho ta tình thương, sự bao bọc.
Gia đình là nơi có những người thân yêu ruột thịt. Nơi đó là một mái ấm có cả
cha cả mẹ, ông bà và cả anh chị em,…
Gia đình chính là một tế bào giúp ta xây dựng xã hội. Tình cảm gia đình xóm làng, xã hội đầm ấm, đoàn kết lẫn nhau chính là hình ảnh bình dị, đẹp đẽ nhất về miền làng quê Việt Nam.
Trong bản Kinh Phước Đức mà quý Thầy và hàng Phật tử thường đọc tụng có đoạn:
Được cung phụng mẹ cha
Yêu thương gia đình mình
Được hành nghề thích hợp
Là phước đức lớn nhất.
Được học hỏi, có việc làm chơn chánh
trong kiếp sống này là một phước báu vô cùng lớn. Trong thánh đạo tám ngành,
Đức Phật đã dạy rõ: thấy biết chơn chánh, suy nghĩ chơn chánh, nói năng chơn
chánh, hành động chơn chánh, mưu sinh chơn chánh, siêng năng chơn chánh, thiền
định chơn chánh và nhớ nghĩ chơn chánh. Trong đó, thấy biết chơn chánh chính là
thấu triệt thực tướng của bản thân mình. Tất cả chân lý trong vũ trụ đều nằm
vỏn vẹn trong tấm thân một trượng này và chánh kiến là yếu tố tất yếu trong
Phật Giáo để thành tựu mục tiêu cứu cánh.
Mỗi ngày, chúng ta tự trang bị cho bản thân mình đời sống mỹ miều, thế nhưng sâu thẳm bên trong nội tâm lại chính là những khổ đau. Tất nhiên đã làm người thì phải chịu khổ đau nhiều hay ít tùy thuộc vào trạng thái tâm lý, sự cảm thọ và nhận thức của mỗi người. Nguyên nhân của sự đau khổ do bản thân mình gây ra hay tác động bởi hoàn cảnh xã hội, nhưng tựu trung tất cả khổ đau đều có nguồn gốc từ sự tưởng tượng của con người.
Khi cuộc sống phải trải qua nhiều
biến cố, chúng ta thường có xu hướng quay về với Đức Phật, trở lại nương tựa
vào ba ngôi báu quý giá. Mọi chúng sanh đều có
Phật Tánh chỉ bởi nghiệp chướng mê hoặc mà không thể nhìn thấy Phật tánh của
mình, mục đích của việc quy y Tam Bảo chính là việc cầu tìm sự hiển bày Phật
Tánh, bởi vì mỗi chúng ta vốn giống chư Phật, vốn cùng Tam Bảo chỉ vì mê muội
đánh mất bản tánh lưu lạc trong sanh tử, quên mất lối về nhưng nếu chúng ta kịp
thời tỉnh ngộ mà quay về trong lòng của Tam Bảo, thì cũng như chàng lãng tử trở
về nơi chốn cố hương.
Trở lại với tình cảm gia đình, không ai
trong chúng ta quên được tình mẫu tử. Đã có biết bao ngòi bút với những áng văn
bất hủ ca ngợi tình cảm thiêng liêng cao quý này. Tình
mẹ luôn bao la như biển trời, hiền dịu, ngọt ngào và ấm áp. Có những câu ca dao
mà ngay từ khi cái thuở mới lọt lòng con người ta ai cũng đã từng nghe qua như:
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau.
Tình mẫu tử là tình
cảm bao la, thiêng liêng nhất mà không chỉ loài người mới may mắn có được mà hầu
như bất kể loài sinh vật nào cũng đều có thứ tình cảm này. Câu ca dao về mẹ với
lối so sánh mộc mạc, gần gũi, dân dã và đầy hình tượng... như chuối ba hương...
như xôi nếp một... như đường mía lau cứ xoáy vào tâm trí con người và gợi lên
bao điều trong sự miên man của dòng cảm xúc không đầu, không cuối... Chuối ba
hương là một thương hiệu chuối nổi tiếng về sự thơm tho và ngọt ngào. Chuối ba
hương có thể không đẹp như những loài chuối khác nhưng chất lượng chuối ba
hương khó có loại chuối nào sánh bằng. Điều đó khác chi tình mẹ dành cho con
khó có loại tình nào so bì được. Nếp một là nếp có đẳng cấp xếp đầu bảng phân
loại trong họ nếp. Nếp một nấu xôi tất nhiên ngon hơn xôi được nấu từ nếp hạng
hai, hạng ba. Và đường mía lau, một loại đường được làm từ mía thân gầy giống
như cây lau mảnh khảnh. Đường mía lau là loại đường quý hiếm. Hương thơm, vị
ngọt, sự thơm ngọt đó có khác nào tình mẹ của ta đâu!
Gia đình chính là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Dù có đi bất cứ nơi đâu, dù đặt chân ở bất kì điểm cực, vùng miền nào của đất nước một dải hình chữ S, hay xa hơn là những xứ xở, những miền đất mới, hứa hẹn nhiều điều mới mẻ, khám phá...thì quê hương, gia đình, chính là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi bắt nguồn, lưu trữ cội nguồn của dân tộc, vẫn là nơi để quay về, là cái chốn duy nhất để mọi người tìm lại cái cảm giác ấm cúng, tìm lại chính con người mình như cái thuở uyên nguyên ban đầu.
Trong tương quan gia đình, mỗi người
có trách nhiệm đạo đức đối với vợ - chồng, cha mẹ - con cái và anh - chị -
em. Về tương quan xã hội, mỗi người có trách nhiệm đạo đức với tha nhân, gồm
thầy cô - học trò, chủ lao động - người lao động, và nhà quản trị quốc gia -
công nhân trong nước. Ngoài các tương quan gia đình, xã hội, để sống hạnh
phúc hơn, mỗi người còn có tương quan tâm linh, tức giữa bản thân với tư cách
tín đồ với các nhà tâm linh Phật giáo, những người hướng dẫn kinh nghiệm
thực tập tâm linh Phật giáo. Mối tương quan tâm linh giúp ta sống an lành,
thong dong và tự tại ở mọi nơi, dù gặp thuận duyên hay nghịch cảnh.
Gia đình huyết thống luôn tồn tại những hạt giống ái dục. Thế nhưng, sự truyền thừa của gia đình tâm linh lại là sự tiếp nối của hạt giống của từ bi trí tuệ. Những nguyên tắc đạo đức do Đức Phật chế ra đều dành cho cả hàng Phật tử tại gia và xuất gia. Ấy là những hạt giống của tuệ giác, của sự giải thoát hướng đến Niết Bàn.
Trong đời sống con
người luôn tồn tại hai phần: vật chất và tâm linh. Vật chất bao gồm những thứ
tiền bạc, của cải mà ta tạo ra. Tiền bạc có thể khiến mọi thứ trở nên khả thi;
chúng ta không thể sống mà không có nó. Nhờ tiền bạc, ta có được những thứ
khiến mình vui, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Dù vậy, vật chất không
phải là chìa khóa hạnh phúc, cũng chẳng là con người hay các mối quan hệ hay
bất cứ thứ gì ngoài kia.
Do đó có thể thấy rằng không phải vì tiền tài nhiều mà ta hạnh phúc hơn, chỉ có
đời sống tâm linh tốt, thánh thiện, đạo đức thì cuộc sống của chúng ta mới trở
nên thái bình. Cải thiện đời sống tinh thần sẽ giúp ta có một trái tim yêu
thương rộng mở, có được từ bi hỷ xả, có giáo pháp thấm nhuần, ấy là ta đã báo
hiếu được gia đình huyết thống và cả ân đức của chư Phật và các vị Tổ sư.
Kết thúc thời pháp cả đại chúng ai
nấy cũng đều hoan hỷ.
Tin: Ngọc Ánh, Ảnh: Trung Lưu
Một số hình ảnh ghi nhận được trong khóa tu:
Tin Tức Liên Quan
- Giờ Tham vấn khóa tu Sống tỉnh thức lần thứ 47 ( 1/06/2020 6:17)
- Khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 47: Đối diện lẽ tử sinh. (31/05/2020 10:01)
- Pháp thoại: "Quê hương đích thực ta tìm về" trong khóa tu sống tỉnh thức lần thứ 46. ( 3/03/2020 8:44)
- Giờ Tham vấn khóa tu "Sống Tỉnh Thức" lần thứ 44 (10/12/2019 5:28)
- KHÓA TU “SỐNG TỈNH THỨC” LẦN THỨ 44 ( 9/12/2019 4:37)
- Tham vấn khóa tu “Sống Tỉnh Thức” lần thứ 43 (12/11/2019 9:13)
- Pháp thoại “Bài học từ cái ly” trong khóa tu Sống Tỉnh Thức lần 43 (12/11/2019 9:08)
- Khóa tu “Sống Tỉnh Thức” lần thứ 42 ( 6/10/2019 9:57)
- Pháp thoại “Lợi ích của hành thiền” trong khoá tu Sống tỉnh thức lần thứ 41 ( 8/09/2019 10:30)
- Tham vấn khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 40 (12/08/2019 5:41)