Thiền giảng “Tâm thư gửi bạn Covid19” – Buổi 4

9/04/2020 7:35
Thiền giảng “Tâm thư gửi bạn Covid19” tiếp tục buổi thứ 4 được thầy Trí Chơn chia sẽ tại Vườn Che Chở - TV. Khánh An.

Trong đoạn thứ 4 này, có ba ý chính: Rửa tay sát khuẩn; Chiếc khẩu trang và Tiếp xúc cách xa 2 mét.


 

Rửa tay sát khuẩn:

Các bật cha mẹ ngày xưa, trước những bữa cơm thường bảo con mình rửa tay cho sạch, chỉ đơn giản là vì bụi đất bám vào chứ không có khái niệm vi khuẩn, vi trùng. Dần dần, cuộc sống mỗi ngày một phát triển nên người ta nhận thức cần phải rữa tay vì tay bám nhiều vi khuẩn. Vậy trước hết chúng ta cùng tìm hiểu xem vi khuẩn là ai, chúng sống ở đâu và chúng xuất hiện từ lúc nào? Theo nghiên cứu, vi khuẩn là những nhân tố đầu tiên xuất hiện rất sớm trên địa cầu này, có thể nói vi khuẩn là tiên tổ ông bà của con người và chúng sinh vạn loài. Chúng có mặt trong đất, trong nước, trong hư không. . . Tất cả mọi nơi đều có mặt của vi khuẩn. Vậy có chắc rằng khi rửa tay bằng nước sẽ sạch hết vi khuẩn hay không? Nói dễ hiểu là ở chính mái tóc, bàn tay, tấm thân của mình đây đã là cả một thế giới vi khuẩn, hàng tỉ tỉ vi khuẩn sinh sống ở đấy. Tuy nhiên vi khuẩn cũng có loại lành, loại dữ. Những loại vi khuẩn lành xuất hiện trong các món ăn của mình như sữa chua, tương, chao, dưa muối,... giúp chúng ta nâng cao sức khỏe, tạo ra hệ miễn dịch. Chúng ta có thể hình dung, cũng là vi khuẩn nhưng vi khuẩn trong hủ sữa chua ta cho là ngon là bổ, còn vi khuẩn trong sát một con chuột chết thì khác hẳn. Cũng là vi khuẩn được cấu thành nhưng một cái ăn vào tạo thành men tiêu hóa, một cái chỉ ngửi thấy thôi cũng đủ phát bệnh. Bấy nhiêu cũng đủ để chúng ta suy ngẫm, các loại thiện ác, khỏe bệnh phát sinh từ đâu?

Covid19 xuất hiện trong con dơi, con rắn cho chúng ta biết rằng những loài vi khuẩn xuất hiện trong môi trường khác nhau sẽ phát sinh ra những loài lành - hại khác nhau. Vi khuẩn trong thực vật khác với vi khuẩn trong không khí và trong động vật. Một con vi khuẩn nào đó có thể sống trong động vật nhưng khi vì sự thèm khát của con người, chúng ta ăn thịt con vật ấy. Trong quá trình làm thịt, bao nhiêu độc tố sân hận của động vật tiết ra, cộng với gia vị tham sân si từ con người đưa vào, kết hợp thêm những điều kiện môi trường qua quá trình chế biến, vô tình những con vi khuẩn trong thịt động vật kia trở nên biến chứng thành virus độc hại. Ta cho rằng đó là bồi bổ nhưng thật ra chỉ là đang nuông chìu cho sở thích và sự bất thiện trong mình. Các nhà khoa học trên thế giơi đã chỉ ra rằng thủy tổ của con người là ăn hoa quả, thực vật để sống. Nhưng vì tham ăn tham uống mà từ từ ta trở nên thống lãnh thế giới này. Ta ăn từ con chim, con cá, con bò, con tôm, con vịt... rồi tự đưa ra cho mình một công thức là “vật dưỡng nhơn”, nghĩa là tất cả loài vật trên đời này là để bồi dưỡng cho con người. Vì vậy mà ta muốn sát hại con vật nào thì ta sát.

 


Ta luôn đinh ninh và tự hào với đôi bàn tay mình “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Nhìn nhận từ gốc độ con người thì đúng là ta giỏi, ta tài ba. Nhưng ở góc khác, ta đang tàn sát sinh linh. Nhìn từ hiện tượng vật lý là ta rửa cho đôi tay sạch khuẩn nhưng  trong trường hợp này, bàn tay sạch được hiểu là bàn tay làm thiện, làm lành, làm những điều tốt đẹp cho thế giới. Theo định nghĩa chữ thiện từ cái nhìn của đức Phật là cái thiện đó phải đem lại lợi lạc cho mình, cho người và môi trường thiên nhiên vạn hữu. Cho nên cái thiện mà đức Phật dạy chúng ta là tối thiện, không chỉ con người hưởng quả lành mà là tất cả muôn loài cùng nhau hưởng.

Đối với giới tu sĩ, ăn chay, đừng nghĩ rằng mình ăn chay là không làm tổn hại sự sống. Mình ăn từ đọt cây cho đến tận rễ, nên đôi khi người tu cũng đã một phần làm tổn hại thiên nhiên. Nhưng một khi đã sống trên cuộc đời này chắc chắn rằng mình đang có nghiệp, mình phải chịu nuôi dưỡng từ sự ăn uống. Tuy nhiên, chúng ta ăn nhưng ta biết làm lợi lạc từ chính đôi bàn tay, ăn với tâm từ bi, ăn nhưng biết nuôi dưỡng môi trường, sự sống.

 

Nói tóm lại, vi khuẩn là những loài vô lượng vô biên cùng chung sống hòa đồng với chúng ta. Suy cho cùng, cái rửa tay cho sạch để khử khuẩn chỉ là phần thô, chúng ta phải thấy được thâm thúy từ đôi bàn tay đó là phải biết hành động đẹp, làm những việc thiện lành. Hãy sử dụng đôi bàn tay chắp lại mà thành khẩn cuối đầu kính trọng trước đất mẹ, trước thiên nhiên, trước chúng sinh vạn loài. Đây mới thật là đôi bàn tay sạch.

 

Chiếc khẩu trang:

Phòng ngừa dịch bệnh khi tiếp xúc giữa người với nhau. Đành rằng, chiếc khẩu trang là để bịt mũi, bịt miệng nhưng mục đích chính của nó là nhắc nhở người ta phải tu cái miệng của mình. Từ nói năng, ăn uống, phun nhả, khạc nhổ... Nói năng với nhau những điều tử tế thì ít, còn những lời nói xấu xa xỉ vả thì nhiều. Những lời nói xuất phát từ tham, sân, si đẩy ra bên ngoài thì thử hỏi rằng mình có đang phun vào mặt nhau những con Covid19 hay không? Hãy nhớ, khi chỉ tay xỉa xói một ai đó thì một ngón chỉ người nhưng ba ngón chỉ mình, hãy nhìn lại chính mình đi. Lời nói thiện tạo ra môi trường thiện, lời nói ác tạo ra môi trường ác. Cho nên chúng ta phải hết sức để ý, thận trọng khi phát ngôn. Chiếc khẩu trang nhắc nhở chúng ta hãy biết sống theo nếp sống tỉnh lặng của bật thánh, ta đã nói cả đời rồi mà không chịu dừng lại, giờ đây hãy biết im lặng. Còn phải tiết độ trong ăn uống, gìn giữ cửa miệng của mình, đừng nói xấu, thêu dệt mà làm tổn hại đến ai.

 


Tiếp xúc cách xa 2 mét:

Chưa bao giờ vấn đề này được đặt ra và trở thành quy chuẩn trong quan hệ ứng xử. Điều này đang nhắc nhở cái thân của chúng ta, nó nói đến hành động, tâm thức. Nhắc nhở mình phải biết quay về nhìn lại tấm thân này. Đừng nghĩ rằng chỉ có ta sạch mà tất cả những người xung quanh ta dơ. Một khi đã sạch thì tất cả cùng sạch, một khi đã dơ thì không ai khác. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh môi trường đang bị nhiễm ô, trong bối cảnh virus có mặt thì việc bảo vệ chính mình cũng là bảo vệ mọi người và môi trường xung quanh. Vậy thì, thân, hành động, lời nói là những cái biểu hiện cho bên ngoài. Còn trong tâm mình là cái ý, nhắc nhở con người phải hết sức thận trọng. Thân – khẩu – ý là ba chỗ gây nên lầm lỗi nặng nề. Ngoài ra, mật ý là ta còn phải biết tôn thờ tấm thân này, tấm thân này là của cha mẹ, tiên tổ ông bà, của quê hương tổ quốc, là của tạo hóa ban tặng dưỡng nuôi. Một khi tấm thân là quý thì phải biết hành động cho đẹp.

 

Giờ phút này, ta hãy đi tìm giá trị trong sự tĩnh lặng thay vì ở những tiếng nói bên ngoài. Thay vì đi tìm giá trị ở những cái có, ta hãy tìm giá trị ở những cái không.

 

 

Trung Tuệ


Tin Tức Liên Quan