Quán niệm hơi thở trong Phân Tích Đạo

5/08/2019 5:41
Giáo Pháp của Phật vì an lạc và lợi ích cho số đông, xuất phát từ lòng bi mẫn đối với cuộc đời, vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Giáo pháp của Phật hoàn thiện phần đầu, hoàn thiện phần giữa và hoàn thiện phần cuối. Những lời Phật nói ra hoàn mỹ về cấu trúc và ngôn từ, người trí có thể đến mà tự thấy.

Trong kinh Đại Niệm Xứ (MAHĀSATIPAṬṬHĀNASUTTAṂ) Đức Phật dạy thiết lập Chánh niệm trên bốn lãnh vực thân, thọ, tâm, pháp. Nếu ta tinh ý thì thấy rằng Phật sắp xếp các đề mục không hề ngẫu nhiên mà theo một trình tự hữu ích cho sự tu tập. Trong phần quán thân, Phật đặt hơi thở lên đầu tiên và trình bày trước, tất cả đều có dụng ý của Ngài. Trong thiền tập, hơi thở là đề mục dễ thực hành, đem lại kết quả lớn. Phần lớn hành giả đều thành công từ đề mục hơi thở. Đề mục hơi thở khi thành tựu thì sự thực tập các đề mục khác là rất dễ dàng như quán bất tịnh, quán tử thi v.v.

Kinh tạng Pali trình bày khá nhiều về hơi thở, trong đó ba bản kinh được chú ý nhất là: Kinh số 22, Đại Niệm Xứ thuộc Trường Bộ Kinh; Kinh số 10, Niệm Xứ thuộc Trung Bộ và kinh số 118, Nhập Tức, Xuất Tức Niệm thuộc Trung Bộ. Nhưng có một bản kinh mà ít người chú ý đến là bộ Phân Tích Đạo (PAṬISAMBHIDĀMAGGO) thuộc Tiểu Bộ Kinh, bản kinh này do chính Ngài Xá Lợi Phất thuyết và đã được Indacanda dịch từ Pali sang Việt. Trong bản kinh phần Ānāpānasatikathā - Giảng về Niệm Hơi Thở Vào Hơi Thở Ra, Ngài Xá Lợi Phất trình bày rất rõ cách thức niệm hơi thở thế nào cho đúng. Ở đây xin được trích một số đoạn trong bản kinh mà theo Ngài Xá Lợi Phất nếu thực tập đúng sẽ đưa đến chánh trí và Niết bàn. Ở trang 323, tập một Ngài dạy:

“ Hiện tướng, hơi thở vào, ra chẳng phải cảnh một tâm. Người không biết ba pháp, tu tập không thành đạt.

  Hiện tướng, hơi thở vào, ra chẳng phải cảnh một tâm. Vị nhận biết ba pháp tu tập được thành tựu”.

Ba pháp ở đây là Nimitta (ấn tướng hơi thở), hơi thở vào, hơi thở ra.

Ba pháp này không phải là đối tượng của một tâm, ba pháp này không phải là không được biết đến, tâm không đi đến tản mạn, sự nỗ lực được nhận biết, hành giả hoàn tất việc thực hành, và đạt đến sự chứng ngộ là có ý nghĩa như thế nào?

Cũng giống như thân cây được nằm ở trên mặt đất bằng, một người đàn ông có thể cắt chính nó bằng cái cưa. Niệm của người đàn ông được thiết lập theo tác động của các răng cưa chạm vào thân cây mà không chú ý tới các răng cưa tiến tới hoặc thụt lùi. Các răng cưa tiến tới hoặc thụt lùi không phải là không được biết đến, sự nỗ lực được nhận biết và người ấy hoàn tất nhiệm vụ. Thân cây được đặt nằm ở trên mặt đất bằng như thế nào, hiện tướng do sự gắng liền của niệm là như thế ấy. Các răng cưa là như thế nào hơi thở vào, hơi thở ra là như vậy. Như thế niệm của người đàn ông được thiết lập theo tác động của các răng cưa chạm vào thân cây mà không chú ý tới các răng cưa tiến tới hoặc thục lùi. Các răng cưa tiến tới hoặc thụt lùi không phải là không được biết đến, sự nỗ được nhận biết và người ấy hoàn tất nhiệm vụ. Tương tự như thế, sau khi thiết lập niệm ở chóp mũi hoặc ở môi trên, vị tỳ kheo đang ngồi, không chú ý ở hơi thở vào ra đến hoặc đi. Hơi thở vào ra đến hoặc đi không phải là không được biết đến, sự nỗ lực được nhận biết và người ấy hoàn tất nhiệm vụ.”

Ở đây, ta thấy Ngài Xá Lợi Phất chỉ rất rõ về cách thức đặt niệm trên hơi thở ở giai đoạn ban đầu. Ngài dạy ở giai đoạn ban đầu chỉ cần thiết lập niệm ở chóp mũi hay ở môi trên, không cần phải theo dõi hơi thở đi vào trong thân như thế nào và khi hơi thở ra cũng chỉ đặt niệm ở mũi không quan tâm nó đi ra ngoài không khí như thế nào.

 


Tiếp đến Ngài dạy: “Trong khi thở vào dài, vị ấy nhận biết: “Tôi thở vào dài”, hoặc trong khi thở ra dài, vị ấy nhận biết: “Tôi thở ra dài” là có ý nghĩa như thế nào? Vị ấy thở vào hơi thở vào dài trong thời gian được công nhận là lâu, vị ấy thở ra hơi thở ra dài trong thời gian được công nhận là lâu.” Và trong mục cảm giác toàn thân Ngài Xá Lợi Phất dạy: “Cảm giác toàn thân, hơi thở vào hơi thở ra là thân, sự thiết lập là niệm, sự quán xét là trí, thân là sự thiết lập không phải là niệm, niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm; với niệm ấy với trí ấy, vị ấy quán xét thân ấy; vì thế được nói rằng : “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét thân trên thân.” Trong đoạn kinh trên cho thấy Ngài Xá Lợi Phất nói “thân” đây chính là “hơi thở”.

 

Với người nỗ lực tu tập tinh tấn, đúng phương pháp sẽ đạt được những thành tựu lớn trên con đường tu tập, nhanh chóng tiến tới giải thoát, như Ngài khẳng định: “Vị niệm hơi thở vào ra  tròn đủ khéo tu tập, tuần tự được tích lũy, theo như lời Phật dạy, tỏa sáng thế giới này, tợ trăng thoát mây che.”

 

Trung Nhã.

Tin Tức Liên Quan