Tìm Hiểu Về Tánh Không Trong Kinh Tiểu Không

11/08/2019 4:59
Không (Pāḷi: suññata) hay (sanskrit: Śūnyatā) cũng được gọi là “Không tánh” hay “Tánh không” (những từ tương đương về ngữ nghĩa) là một trong những khái niệm căn bản và cũng cốt yếu nhất trong quan kiến Phật giáo. Phải nói rằng, “Tánh không” là tinh hoa của sự giác ngộ.

Nhưng ở mỗi mức độ, Tánh không được biểu thị với những tầng ý nghĩa khác nhau. Khi khảo sát bài kinh số 121, Tiểu Không kinh – Trung Bộ kinh, chúng ta có thể thấy rõ…

Trong đoạn kinh đầu, với việc vấn thoại của Ngài A Nan và Thế Tôn đã trả lời như sau: “Ví như lâu đài Lộc Mẫu này không có voi, bò, ngựa, ngựa cái, không có vàng và bạc, không có đàn bà, đàn ông tụ hội, và chỉ có một cái không phải không, tức là sự nhất trí do duyên chúng Tỷ-kheo; cũng vậy, này Ananda, Tỷ-kheo không tác ý thôn tưởng, không tác ý nhơn tưởng, chỉ tác ý sự nhất trí, do duyên lâm tưởng. Tâm của vị ấy được thích thú hân hoan, an trú, hướng đến lâm tưởng. Vị ấy tuệ tri như sau: "Các ưu phiền do duyên thôn tưởng không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên nhân tưởng không có mặt ở đây. Và chỉ có một ưu phiền này, tức là sự nhất trí do duyên lâm tưởng". Vị ấy tuệ tri: "Loại tưởng này không có thôn tưởng". Vị ấy tuệ tri: "Loại tưởng này không có nhân tưởng". Và chỉ có một cái này không phải không, tức là sự nhất trí do duyên lâm tưởng". Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây, vị ấy tuệ tri: "Cái kia có, cái này có". Như vậy, này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh”.

Đoạn kinh trên, Phật đang dạy về đề mục thiền định và có nhắc đến nghĩa “Không”. Ở mức độ này, “Không tánh” mang nghĩa là sự tu tập thiền chỉ.  Nó là một trạng thái nhất tâm trên một đối tượng duy nhất; và nghĩa “Không” ở đây được hiểu là tác ý rõ ràng trên đối tượng, “cái gì có ghi nhận có, cái gì không ghi nhận không”, đó là trạng thái có chánh niệm trên đề mục, như đoạn “Vị ấy tuệ tri: "Loại tưởng này không có thôn tưởng". Vị ấy tuệ tri: "Loại tưởng này không có nhân tưởng". Và chỉ có một cái này không phải không, tức là sự nhất trí do duyên lâm tưởng”. Đó là bước đầu thực hành Không tánh.

Các bước thiền định tiếp theo, theo kinh văn, Phật dạy từ lâm tưởng đến vô tướng tâm định, và đều được Ngài tuyên thuyết bằng đoạn văn “…Như vậy, này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh”.

Đó là Không tánh theo nghĩa thiền chỉ, theo pháp tục đế; mặt còn lại của kinh văn chỉ rõ bước thiền quán hoàn diệt, tức phép quán làm nội tâm vắng bặt các cấu trúc của ngôn ngữ và tâm hành, thành tựu Không tánh tối thượng (niết bàn). Nội dung nằm ở đoạn kinh văn sau: “…Lại nữa, này Ananda, vị Tỷ-kheo không tác ý Vô sở hữu xứ tưởng, không tác ý Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, tác ý sự nhứt trí do duyên Vô tướng tâm định. Tâm vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến Vô tướng tâm định. Vị ấy tuệ tri như sau: "Vô tướng tâm định này thuộc hữu vi, do tâm tư tạo nên. Phàm cái gì thuộc hữu vi, do tâm tư tạo nên, cái ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt", vị ấy tuệ tri như vậy. Do vị ấy tuệ tri như vậy, thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát, là sự hiểu biết rằng đã được giải thoát. Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn phải trở lại trạng thái này nữa…” (Không tánh này biểu thị cho “hữu dư y niết bàn”).


Đoạn kinh này, có thể xem là tương đương với một đoạn ngắn trong Bát nhã Tâm kinh - một bản kinh trong văn hệ Sanskrit cũng đã đề cập đến tinh thần thiền học có nhiều nét tương đồng với Tiểu Không kinh trong văn hệ Pāḷi. Đó là đoạn: “…tasmācchāriputra śūnyatāyāṃ na rūpam, na vedanā, na saṃjñā, na saṃskārāḥ, na vijñānāni. Na cakṣuḥśrotraghrāṇajihvākāyamanāṃsi, na rūpaśabdagandharasaspraṣṭavyadharmāḥ. na cakṣurdhāturyāvanna manodhātuḥ. na vidyā nāvidyā na vidyākṣayo nāvidyākṣayo yāvanna jarāmaraṇaṃ na jarāmaraṇakṣayo na duḥkhasamudayanirodhamārgā na jñānaṃ na prāptitvam (Āprāptivāt)”.

 (Do đó, Xá Lợi Tử, trong trạng thái không thì không có sắc, không có thọ, không có tưởng, không có hành, không có thức. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không có nhãn giới cho đến không có cõi ý thức. Không có minh, không có vô minh, không hết minh, không hết vô minh, cho đến không có già chết, không có hết già chết, không khổ, tập, diệt, đạo, không trí và không đắc (vì không có sự nắm bắt)). Điểm đặc sắc của đoạn kinh là đoạn “Không có minh, không có vô minh, không hết minh, không hết vô minh” (bản Hán truyền không có), vì nó chỉ là cấu trúc của nhận thức ngôn ngữ, cái gì được cấu trúc (cấu trúc, Phạn ngữ “vikalpa”: Huyền Trang dịch là “phân biệt”) cái đó không thật (nên không nắm bắt); cũng như trong kinh Tiểu Không trên: “Vị ấy tuệ tri như sau: "Vô tướng tâm định này thuộc hữu vi, do tâm tư tạo nên. Phàm cái gì thuộc hữu vi, do tâm tư tạo nên, cái ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt", vị ấy tuệ tri như vậy... Trong sự giải thoát, là sự hiểu biết rằng đã được giải thoát” đều cùng có nghĩa là không còn sự nắm bắt và chấp thủ.

Vậy nghĩa “Không” tối thượng mà Tiểu không kinh cũng như Bát nhã Tâm kinh đề cập chính là sự không còn nắm bắt, chấp thủ các cấu trúc ngôn ngữ và tâm hành, hay nói cách khác là viễn ly các cấu trúc của tâm và tâm sở để an trú vào trạng thái tịch diệt của tâm, trạng thái thưỡng viễn ly tiền tánh (Duy thức) hay “không còn nắm bắt bất cứ thứ gì trên đời” (Đại Niệm Xứ kinh), “không trí cũng không đắc” (Bát nhã Tâm kinh) hay rõ nét nhất là trong Kinh Pháp Ấn – Tạp A hàm “Này các thầy! Tánh Không thì rỗng không, không vọng tưởng, không sanh, không diệt, lìa tất cả tri kiến. Vì sao? Vì tánh Không không có nơi chốn, không thuộc sắc tướng, chẳng có các tưởng, vốn vô sanh, tri kiến không thể nhận biết, xa lìa chấp trước. Do lìa chấp, nên gồm thâu tất cả pháp, trụ nơi tri kiến bình đẳng, tức tri kiến chân thật. Tánh Không như vậy, các pháp cũng như vậy”.

Ngoài nghĩa “Không” biểu thị niết bàn (nibbāna), “Không” còn mang ý nghĩa của duyên khởi (paticcasamuppāda), đoạn “…Phàm cái gì thuộc hữu vi, do tâm tư tạo nên, cái ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt", vị ấy tuệ tri như vậy….” đây chính là đặc tính của duyên khởi, liên hệ tới Duy thức, Thế Thân cũng đã đúc kết rằng, cái đời sống dưới tên gọi là ngã và pháp có sự biến đổi đa dạng, sự biến đổi đó xảy ra trong sự biến đổi của thức; hay trong kinh Đệ Nhất Nghĩa Không – Tạp A Hàm: “Thế nào là kinh Đệ nhất nghĩa không? Này các Tỳ-kheo, khi mắt sanh thì nó không có chỗ đến; lúc diệt thì nó không có chỗ đi. Như vậy mắt chẳng thật sanh, sanh rồi diệt mất; có nghiệp báo mà không tác giả. Ấm này diệt rồi, ấm khác tương tục, trừ pháp tục số. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy”.

Những khảo sát trên, cho thấy rằng, nội dung “Không tánh” trong kinh Tiểu Không bao hàm hai giá trị cốt lõi đó là không tánh tối thượng - niết bàn; cũng như không tánh - duyên khởi của Phật giáo. Đó là một nét đặc sắc và quan trọng mà nội hàm của “Không tánh” bao quát. Từ đó, có thể thấy, thực hành “không tánh” là thực hành mọi giá trị của Phật giáo. Đó cũng là tinh thần Phật dạy trong Tiểu Không kinh.

Trung Nhân.

Tin Tức Liên Quan