Lá thư Vu Lan kính gửi mẹ!

27/08/2020 5:46
Con được sinh ra trong gia đình có hai anh trai. Con là con gái út. Anh thứ hai ở với ông bà nội từ nhỏ. Không phải vì bố mẹ không có điều kiện để nuôi mà vì ở cùng ông bà cho vui cửa, vui nhà.



Những thập niên 1980, Mẹ làm việc ở một công ty ngoại thương. Thời buổi đời sống còn nhiều khó khăn, mẹ thường nhận lạc (đậu phộng) về bóc để có thêm thu nhập. Con nhớ lúc đó còn rất nhỏ, chỉ 8 - 9 tuổi gì đó, cũng được phân nhiệm vụ bóc lạc. Tay còn yếu ớt nên bóc không được bao nhiêu. Vì vậy đến bữa phải lo nấu cơm cho cả nhà. Lúc đầu còn phân chia rửa bát,  dọn dẹp nhà cửa với anh trai, mà bữa nào cũng cãi vã. Giờ mới hiểu vì sao các con của con cũng y như vậy, hoy…kệ ih - trẻ con mà. Ngày nào cũng bị ... “khủng bố” tinh thần vì chuyện cãi vã của hai anh em, thế là bố bực, ra quyết định, từ nay con gái phải làm hết mọi việc nhà. Hậm hực mà vẫn phải chấp nhận.

 

Thủa ấy, hay bị mẹ la mắng. Ngày nào cũng vậy, con phải làm tất cả mọi công việc trong nhà như nấu cơm, rửa bát, quét nhà, quét sân, giặt quần áo, tắm cho lợn mẹ, lợn con... Hôm nào, chẳng may bị quên cất rổ củ cải phơi tít trên giàn mướp hay vô tâm vì một cái gì đó thì thế nào cũng bị mẹ .... ca cải lương. Đi học về để vội cái nón trên bàn chưa kịp cất hay không làm được bài tập, quên một góc sân chưa quét .... thì mẹ cứ thế mà ... “nhả ngọc phun châu”. 

Các bạn rủ đi chơi không mấy khi con được theo chúng, vì phải ở nhà làm việc. Bị mẹ mắng nhiều quá, nhiều lúc con tủi thân lắm, mỗi lần bị mắng vậy đều thấy oan ức, vì chuyện nhỏ nhặt mà mẹ cho là to tát, còn không được nói lại một lời thanh minh nào. Con đã có lúc giận mẹ, không nói chuyện với mẹ cả nhiều ngày.

 

Còn bố thì khác, bố hay nuông chiều con, nên ngày nào cũng mong đến giờ bố đi làm về. Con  hay chào bố bằng cách, mỗi khi nghe tiếng xe đạp bố lạch cạch ngoài cổng là con chạy nấp vào cánh cửa, hoặc nấp ở đầu hiên và ú oà để làm bố...giật mình, rồi...hai bố con cùng cười. Bố luôn phấn đấu làm việc, con thì lớn dần theo năm tháng, chức vụ của bố cũng thăng tiến dần lên. Tuy  bố là người có địa vị trong xã hội, tính tình bố rất điềm đạm, hoà nhã, vui vẻ, nhất là mỗi lần bố về quê thăm ông bà. Về đến đầu làng là cả họ đã vui mừng, ai cũng quý mến. 

 

Con lớn lên trong gia đình cũng được gọi là...danh giá ở... một làng quê. Cuộc sống mà nhiều người mơ ước có được. Nhưng với con, con thấy mình vẫn phải sống, phải ăn, mặc, ngủ nghỉ, cả nhà mình vẫn làm việc như bao nhiêu người bình thường khác, cùng là con người mà. 

Sống trong một gia đình trung lưu, có được sự giáo dục khá nghiêm, bố mẹ luôn trau dồi cho các con được trưởng thành bằng phẩm chất đạo đức. Những câu nói quen thuộc như “có Đức mặc sức mà ăn”, hay “Đức năng thắng số” ... chúng con đã nằm lòng từ tấm bé. Vậy nên khi lớn lên, bước ra ngoài xã hội, va chạm với cuộc đời, con không bao giờ bị mờ mắt bởi danh vọng, địa vị và tiền  bạc. 

 

Sau này, khi trưởng thành, con mới thấm thía rằng, hồi đó mẹ hay làm khó con như vậy cũng chỉ vì mẹ muốn con tốt hơn, chín chắn hơn, “Bánh đẹp nhờ khuôn, bánh thơm nhờ nướng”. Nhờ mẹ khắt khe thế nên mới có con ngày hôm nay, biết lo cho bản thân, biết chăm sóc cho gia đình, biết khiêm cung, nhẫn nhịn. 

Con may mắn biết đến Đạo Phật, được thực tập giáo pháp của Đức Thế Tôn ngang qua những lời giảng của quí thầy. Con vô cùng hạnh phúc. Những lúc tĩnh tâm, quán chiếu, con thấy mẹ chính là sợi dây vô hình kết nối con đến gần tổ tiên huyết thống, các bậc Thầy tổ là sợi dây vô hình kết nối con đến  gần chư Phật, chư Bồ tát hơn. Cũng “nhờ” ít được đi chơi những ngày xưa mà nay con mới dễ thực tập để ngồi yên, con dễ thực tập sống một mình khi không có việc gì cần thiết. Đức Phật dạy phải biết nhẫn nhịn, không phải dễ dàng học được hạnh nhẫn, nhưng chữ nhẫn đã có trong con từ lúc còn ở trong vòng tay của mẹ. Trên bước đường đi kiếm tìm hạnh phúc đích thực, có nhiều lúc con gặp chướng duyên, nhờ có chữ nhẫn mà con vượt đã qua được và vững vàng hơn trong nhiều tình huống. 

 

Nhân mùa Vu Lan về, con thấy mình thật hạnh phúc khi còn được cài trên ngực bông hồng màu đỏ, để biết rằng mình còn có mẹ, có cha. Mẹ ơi, con là đứa ít nói, lại khó bộc lộ cảm xúc của mình, con chưa một lần nói được tiếng...yêu mẹ. 

 

Con biết ơn Phật, biết ơn Thầy tổ, vì khi con đến với đạo Phật, con mới cảm nhận sâu sắc hơn những ân tình của mẹ. 

Mẹ cho con được nói lời cảm ơn từ sâu thẳm trái tim con. Cảm ơn vì bố mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng con, cảm ơn vì con được làm con của bố mẹ.

 

Praha, Vu Lan 2564, 23.08.2020 

Kim Lee

 



Tin Tức Liên Quan