Tôi nhớ rất rõ, đã
hơn một lần tôi nghĩ về chuyện này nhưng lần này thì khác. Nó xảy đến như một
thông điệp của thực tại, có một niềm hỷ lạc đang lan tỏa khắp cùng cho thần
kinh tôi êm dịu. Tôi ngồi yên lặng hít thở trong chánh niệm, rồi lắng nghe tận
sâu các ngõ ngách tâm tư mình để trả lời câu hỏi: điều đó có thực sự hay chỉ là nhất thời. Đến khi nụ cười
bừng nở trên môi, tôi biết tâm ý thực đã tròn đầy, không ngần ngại, e sợ bất cứ
một trở ngại nào.
Cầm lấy điện thoại trên tay, tôi gọi ngay cho ba mà không thể chờ thêm nữa. Vì tôi biết ba đã mong đợi quyết định này của tôi từ rất lâu. Nghe tôi nói ba không tỏ vẻ bất ngờ mà chỉ khẽ cười và đáp: “Con đã suy nghĩ thật kỹ chưa?”.
Cuốn
sách dưỡng nuôi chí nguyện xuất gia của tác giả
Ký
ức của ba và con
Lúc
nhỏ, khi con học mẫu giáo, ba thường đưa con đến lớp bằng chiếc xe đạp thể thao
mà ba yêu thích. Có lần trời mưa lớn, xe trượt ngã, hai ba con té lăn xuống đường, mình mảy lắm lem, cái áo khoác
con mặc cũng bám toàn màu xám xịt của bùn đất. Ngã đau con rơm rớm nước mắt, ấy
vậy mà nhìn qua thấy ba kẽ cười rồi nói: “Dù mình không biết trước được lúc nào bị té ngã, nhưng
mình được lựa chọn đứng dậy để đi tiếp”.
Thế rồi, năm tháng
trôi qua trên nẻo đường nhân sinh, ba con mình đã lựa chọn nắm chặt tay nhau bước qua những
thăng trầm với nụ cười có cả nước mắt phải không ba?
Con nhớ, mùa
hè năm đó, ba “thưởng” cho con một
chuyến du lịch đặc biệt mà bất kì đứa trẻ thị trấn nào cũng muốn “lắc đầu” từ
chối. Đó là một tháng đi rẫy ở rừng. Con đã bắt đầu cho kỳ nghỉ hè mà không có chút
hy vọng. Ấy vậy mà, ngày về con đòi ở lại thêm cho đến hết hè mới thôi. Thằng
bé với nước da bị cháy nắng ngày đó còn muốn vào rừng để hái những loại rau rừng
về nấu canh, nước canh không ngọt nhưng mát rượi, còn muốn làm nhà thám hiểm nhí
trong núi rừng bạt ngàn của mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại.
Nhớ lúc nhỏ, con theo
ba đến chùa, các anh chị trong Gia đình Phật tử ai cũng
thương quý con. Chắc cũng bởi, con có ba là người huynh trưởng tận tình, tốt bụng và là người truyền
lửa cho tất cả mọi người. Đến bây giờ, những trò chơi, bài hát sinh hoạt vòng
tròn con vẫn còn nhớ rõ và sử dụng những khi sinh hoạt với các bạn trẻ. Đã 20
năm rồi ba nhỉ? Những câu hát của ba vẫn chưa ngừng vang vọng trong khung trời ký ức của
con. Miền tuổi thơ với những tháng ngày hạnh phúc.
Những
nốt trầm…
Nếu cuộc đời được ví
như một bản nhạc, chắc hẳn sẽ có nốt thăng - trầm. Thế rồi những năm tháng bất
hạnh nhất của gia đình mình xảy đến.
Thất bại trong công
việc, ba không còn chí thú làm ăn, không còn muốn về chùa. Ba dần
dần rơi vào những bẫy sập như những con thiêu thân tự đốt mình trong lửa. Có những
hôm ba trở về nhà khi trời sáng, móc trong túi quần ra mớ tiền
lộn xộn rồi xếp chúng lại. Đứa bé như con đâu biết đó là tiền ba thắng được bởi đánh bài đêm qua, mà còn hí hởn giúp để
được ba cho những đồng tiền lẻ. Nhưng thắng thì ít thua thì nhiều.
Ba trở về nhà chìm trong men rượu. Chửi rủa, đánh đập như một cách ba rút giận lên má.
Ngày tháng sau đó
chúng con đã sống trong nỗi sợ hãi với chính người ba của mình, nỗi uất ức của người vợ cam chịu. Con thấy má khóc nhiều lắm, hỏi vì sao ba hung dữ với má con mình. Má không nói gì chỉ ôm lấy con mà khóc.
Những ngày cuối năm,
xóm làng nhà nào cũng đầy đủ các thành viên, họ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bánh mứt đón Tết. Còn nhà mình một bầu không khí ảm đạm, nhìn ai cũng ánh
mắt u sầu, đượm buồn. Bởi ba đã bỏ nhà ra đi mà không nói một lời, cũng là cái Tết từ
đó không có ba
bên cạnh.
Ba có biết không, làm
sao kể xiết những cơ cực, khổ đau mà má phải chịu đựng khi một mình nuôi 4 đứa con nhỏ. Má nào
đâu có sợ những đánh đập mà đau đớn hơn là những lời mỉa mai, cay nghiệt của miệng
đời.
Ba có biết không, làm
sao kể xiết những ánh mắt con thơ đang ngày ngày mong ngóng bóng
dáng ba trở về.
Thật ra ba có trở về, nhưng chưa từng một lần về vì má và chúng con, về vài hôm ba lại đi. Đến đi trong sự tẻ nhạt.
8 năm ròng rã, một mảng
trầm lặng chê phủ trên mái ấm gia đình mình. Năm má con nương tựa nhau cùng với sự giúp đỡ của bà con xóm
làng để thoát cái đói, đủ cái mặc. Từ đầu làng đến cuối xóm chỉ còn lại mỗi một
căn nhà gỗ do chính tay ba đóng năm 1991 cũng đã lụp sụp, nghiêng vẹo theo vết thời gian. Giờ đây, chúng
con đã quen đi trên con đường xưa thân thuộc nhưng không có ba bên cạnh.
Ba
của con đây rồi
Sau những tháng ngày bấp
bênh, ba trở về ở hẳn trong một ngôi chùa làng ở Quảng Nam. Khi
đó, con ra học tại Đà Nẵng, chỉ mất 45 phút đi xe để đến nơi. Xe tắt máy dừng trước
sân chùa, nhìn xung quanh có rất nhiều cây cảnh lớn nhỏ được chăm sóc, cắt tỉa
gọn đẹp. Rảo bước theo lối vào, có một người đàn ông dáng vóc cao lớn, mặc bộ đồ lam, trên
tay cầm cây chổi cán dài đang chậm rãi quét lá. Bỗng dưng hình ảnh đó làm con
xúc động, từng nhịp từng nhịp phật phồng trong trái tim, hai tay con nắm chặt
vào nhau.
“Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng trước mắt ngỡ là chiêm bao”
Ba ơi! Chính là ba của con ở đây rồi. Con đang nhìn thấy một hình ảnh quá đỗi
nhiệm mầu mà tưởng như trong một giấc mơ.
Suốt 3 năm, ba ở chùa tụng kinh, niệm Phật, quét lá, chăm sóc cây cảnh,
sân vườn. Ba đã thực sự dừng lại, dừng những tham đắm, những ước vọng sai lầm để
sống tĩnh lặng trong chốn thiền môn. Từ đó, những lời răn dạy của quý Thầy giúp
ba đi vào con đường chân chính và ăn năn, sám hối những lỗi
lầm của mình.
Bên tách trà ấm, ba đã thực sự có mặt đó để lắng nghe đứa con trai. Biết
bao điều dồn nén bấy lâu lần đầu tiên được trải lòng. Bao nhiêu niềm đau bấy
nhiêu giọt ngọc rơi xuống tưới mát mảnh tâm can khô cạn, héo mòn.
Có phải chăng, chỉ cần
ta có mặt cho nhau đích thực trong giây phút hiện tại, dùng ái ngữ và lắng nghe
để tiếp xúc mà không phản ứng, không phán xét đúng sai cũng đủ để ta thiết lập
truyền thông lại với nhau. Khi đó, ta và người thương của ta sẽ hàn gắn được những
gì đã rạn nứt, dựng lại được những gì đã đổ vỡ, chấp nhận được những gì khó chấp
nhận nhất. Đó cũng chính là lúc yêu thương trở lại.
Mà thực ra, tình cảm “máu
mủ ruột thịt” đâu bao giờ có sinh diệt, còn mất, có không. Chỉ là dưới cái nhìn
hạn hẹp về hiện tượng ta không có những điều kiện thuận lợi để nghe, để hiểu và
để thương.
Tình cha ấm áp như vầng Thái Dương
Ngọt ngào như dòng nước tuôn đầu nguồn
Vầng Thái Dương sáng
mãi trong cái thấy bản thể, là bất sinh bất diệt. Nguồn suối yêu thương tuôn chảy
mãi không ngừng, tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong tinh cha huyết mẹ
trao truyền cho con trẻ, tình thương của hai Đấng sinh thành luôn có mặt nơi
con trong từng tế bào cơ thể.
Từ ngày đó, những
khúc đoạn trường, đứt ruột nhất của gia đình mình được thay thế bằng giai điệu
vui tươi, nhẹ nhàng. Đó cũng là lúc bắt đầu cho chuỗi nhân duyên thiện lành.
Mỗi khi cuối tuần được
nghỉ học con lại về chùa để cùng ba uống trà, được nghe ba chia sẻ Phật pháp, rồi ba làm thơ, con cũng học đòi mà bắt chước.
Hoàn tất việc học con
vào Sài Gòn làm việc, nghĩ rằng ba con sẽ ít gặp nhau hơn, nào ngờ mỗi khi có việc gì con đều gọi ba vào giúp. Nào là về tu viện cùng làm nhà tre đón Tết;
nào là làm diễn viên bất đắc dĩ cho con; nào là hóa thân làm “người rừng” trong
đêm lửa trại cùng nhau,... Ba đã làm tất cả một cách ân cần, chu đáo. Tình cảm ba con mỗi ngày được vun bồi và nuôi dưỡng nơi có những
giá trị thánh thiện sáng ngời. Dường như trên mọi nẻo đường con đi đều có dấu
chân ba sánh bước. Đã cùng nhau xây dựng lại mái ấm gia đình
mình và còn cùng nhau đắp xây mái nhà cho những em thơ thiếu may mắn hơn con.
Nhớ những ngày về núi
thưởng trà, ngắm trăng, bình thơ - con ngỡ rằng mình là tri kỷ của nhau ba nhỉ?
Nắng chiều đã rạng,
cuộc gọi cũng kết thúc. Bản nhạc Đường xưa
mây trắng lại vang lên nơi một góc phòng cũng là lúc bắt đầu viết lên một bản
nhạc cho riêng mình, cho ước nguyện năm xưa ba còn dang dở nay con được trao truyền và tiếp nối…
Trung Nhuận
Tác giả (đứng trước), người chú đã xuất gia và ba trong ngày Thế phát
Box:
Tâm thư cho con trai
(Ngày phát nguyện xuất gia)
Con đủ lớn đã trưởng
thành rồi đó
Ai cũng trải qua sóng
gió cuộc đời
Ơn sanh thành giọt
máu hồng đã đỏ
Đạo làm con tường tỏ
hiếu ân sinh
Thuở nằm nôi phụ tử
bóng với hình
Năm với tháng dặm dài
tình với nghĩa
Nhận ra nhau mới thấy
đời thấm thía
Chữ đạo là đường nằm
giữa ba sinh
Người cha đi qua mộng
ước chưa thành
Con nối tiếp xây an
lành hạnh phúc
Dạ thưa cha!
Con xuất gia thoát tục
Mối thần giao rung cảm đến tận cùng
Từ thuở loài người vô thủy vô chung
Đường xưa mây trắng đất trời lồng lộng
Bậc trí giả nhìn bằng
tâm cô đọng
Nguồn gốc khổ đau là
cội rễ Bồ-đề
Con hãy thênh thang
đi giữa đường mê
Để thấy rõ cõi về là
Đạo vị
Mái tóc xanh không
còn là tri kỷ
Chiếc áo cà-sa chứa cả vô vàn
Đêm thỉnh cầu cha đốt
nén tâm nhang
Đức Phật chứng tri con thành Đạo nguyện.
Bùi Cường
Tin Tức Liên Quan
- Lá thư Vu Lan kính gửi mẹ! (27/08/2020 5:46)
- Còn hiện hữu là còn Khổ (25/08/2020 8:57)
- Nguyện Làm Con Thảo (24/08/2020 10:03)
- Một câu chuyện nhỏ, một bài học lớn (20/08/2020 8:10)
- Người Con Hiếu (20/08/2020 8:01)
- Một đời thảnh thơi (17/08/2020 9:01)
- Nếu khổ đau không đến đây ( 6/08/2020 5:39)
- Nắng rọi vườn tâm (13/07/2020 7:15)
- Ông đạo và giếng nước thơm trong ( 9/07/2020 7:42)
- Biết ơn ( 3/07/2020 3:33)