Ngồi yên thở nhẹ

16/02/2021 8:50

Ngày xưa Ông cha ta thường dùng những câu đối để treo nơi áng thờ hoặc phòng khách mỗi khi  xuân về. Mỗi năm với hoàn cảnh khác  nhau nên ông đồ cho chữ cũng khác nhau. Câu đối cũng có thể dùng để tán dương công hạnh một người, cũng có thể dùng để chúc lành hay nhắc nhở cùng nhau phấn đấu thực tập.

Xuân này, câu đối của Khánh An là 

Ngồi yên  thấy rõ 

Thở nhẹ nhìn sâu



Đại chúng chọn hai câu đối trên từ hạnh nguyện nhập thất của Thầy mình. Ngồi là một trong bốn phong thái diễn tả hành động, uy nghi của người tu. Ngồi để  có được phong thái  đỉnh đạt là cả một quá trình dài của công phu tu tập, xoay ngược trở lại nhìn thân khẩu ý của mình nhằm loại trừ những hành thô của tự thân.  Yên là sự bình yên không lăng xăng, vọng động trên cả hai phương diện hình tướng và nội tâm. Người  thực tập ngồi yên sẽ thấy rõ từng ý niệm sinh khởi, thấy rõ từng sát na trong dòng chảy sinh diệt của tâm thức, thấy rõ trạng thái tâm, cảm thọ của mình. Có những trường hợp thân ngồi yên đó nhưng tâm thức mãi chạy theo trần cảnh, chạy theo những thứ  danh, để rồi tháng ngày cứ mãi làm khách phong trần.

Làm chủ hay khách, bình an hay bất an, thảnh thơi hay lăng xăng... điều xuất phát từ  tâm. Người có thực tập sẽ cảm thụ được niềm hạnh phúc đích thực nhờ thân tâm đều yên. 

“Ngồi yên thấy rõ” là một câu nhắc nhở ta hãy quay về với chính mình, về với bản lai diện mục ngàn  đời mà không phải lăng xăng chạy theo trần cảnh.



Thở nhẹ là hơi thở nhẹ nhàng, sâu lắng. Ai sống trên cuộc đời này mà không thở. Lắng nghe hơi thở mình có thể biết được người đó có an vui hạnh phúc hay bệnh tật gì không? Con người sống được là nhờ  hơi thở nhưng mấy ai biết cách chăm sóc hơi thở của mình và để ý đến sự có mặt của hơi thở. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có lần Phật hỏi hội chúng mạng sống con người được bao lâu? Có vị trả lời mười năm, hai mươi năm, năm mươi năm, có người chỉ chỉ  bằng một bữa cơm.  Đức Phật bảo chưa thấy được Đạo. Cho đến khi có vị trả lời mạng sống con người trong vòng một hơi thở thì Phật cười và khen là vị này đã thấy Đạo. Trong vòng một hơi thở vào mà không ra thì chúng ta đã không còn. Cho nên thở phải nhẹ nhàng thấy rõ được hơi thở của mình là thấy được tâm của mình. Thực tập làm sao trong bất cứ hoàn cảnh nào với những vui buồn, giận ghét hơi thở vẫn điều hoà bình an không không hề dao động. Đó là  mình đã biết yêu thương chăm sóc hơi thở của mình.

Nhìn sâu là cái nhìn thấy rõ được vô thường, khổ,  vô ngã, thấy được sự sinh- trụ-dị-diệt, thấy rõ nhân duyên. Nhìn sâu để hiểu, lắng nghe thấu suốt thì mình sẽ an vui trước những biến đổi của cuộc đời, chấp nhận mọi sự mọi việc đang diễn ra trước mắt, không còn chấp chặt bởi một chủ thể đối tượng nào. Các pháp vốn dĩ nương nhau biểu hiện. Người hành pháp chúng ta cần biết ghi nhận như thật như vậy.

Dòng đời luôn biến đổi, cần thực tập ngồi yên thấy rõ, thở nhẹ cười sâu để có cuộc sống an yên giữa dòng chảy vô thường. 

Quảng Thức

 

Tin Tức Liên Quan