Đi để trở về

21/04/2021 9:53
Trong suốt chuyến hành trình 4 ngày (Thanh Hóa – Hà Nam – Hà Nội) về miền bắc thân thương, đã lưu dấu lại với biết bao bài học những nơi đặt chân đến để có thể tự nhắc cho bản thân về giá trị tâm linh mà tổ tiên đã xây dựng và chúng ta chính là sự tiếp nối.

Lần đầu tiên đặt chân đến ngôi chùa Tam Chúc - Hà Nam, là một trong những ngôi chùa lớn nhất Việt Nam và cũng là ngôi chùa lớn nhất thế giới. Ngôi chùa tọa lạc trong một khung cảnh thơ mộng, với trước mặt là hồ nước bát ngát, bao quanh là những dãy núi đá vôi và những khu rừng tự nhiên, mang đến bầu không khí thanh bình, tĩnh lặng cho mọi du khách ghé thăm. Quần thể chùa Tam Chúc thuộc thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. khuôn viên chùa bao gồm: Thuỷ Đình - Trung tâm hội nghị quốc tế nơi diễn ra Đại lễ Vesak năm 2019, Điện Pháp Chủ thờ đức Bổn Sư; Điện Tam Thế; Điện Quán Âm, và cuối cùng là Chùa Ngọc - Núi Thất Tinh, Vườn cột Kinh, 12.000 bức tranh đá về cuộc đời Đức Phật.



Ngồi trên xe lòng cứ nôn nao muốn được tận mắt chứng kiến được một kiến trúc đồ sộ mang tầm cỡ thế giới và cũng là niềm tự hào của người con Phật nói chung và của người con Việt nói riêng. Mặc dù khi đã đến thì trời đổ cơn mưa như trút nước nhưng vẫn không ngăn nổi bước chân muốn khám phá, đôi chân bước từng bậc thang trong cơn mưa mà lòng rất hoan hỷ, khi đã đến các điện thờ với vẻ đẹp tôn nghiêm thánh thiện chư Phật và Bồ Tát đã làm cho lòng con buông bỏ đi muộn phiền và không còn cảm thấy mỏi mệt khi từng bước chân lên bậc thang đi trong mưa.
“Mái chùa che chở hồn dân tộc,

Nếp sống muôn đời của tổ tông.”

Chúng ta có rất nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để đi về đó chính là ngôi nhà tâm linh mà ngôi chùa là nơi để chúng ta để trải lòng ra, bày tỏ niềm ân đức của chư Phật và chư Tổ. Và chính ta sẽ là sự tiếp nối của Phật và Tổ để gìn giữ mạng mạch Phật Pháp được trường tồn.

Rời chùa Tam Chúc chúng con đi đến một ngôi chùa có tuổi đời hơn 300 năm đã bị bỏ hoang đó chính là Chùa Địa Tạng Phi Lai - Hà Nam, sau đó được vị Trú trì là Đại đức Thích Minh Quang đã lập đại nguyện trùng tu lại ngôi chùa với vẻ đẹp uy nghi và hùng vĩ giữa núi rừng. Đại nguyện của thầy cũng giống như một vị Bồ Tát của Phật giáo Đại thừa đó chính là Địa Tạng Vương Bồ tát đã phát đại nguyện " Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề". Với đại nguyện ấy mà ngày này đã có rất nhiều người con Phật đã trở về nơi đây chiêm bái và hồi tưởng về cả quá trình hình thành nên ngôi phạm vũ huy hoàng này.


Khi xe vừa đến nơi chúng con xuống xe và cảm nhận được một năng lượng bình an như đang được trở về với quê hương đích thực của mình. Và được quý thầy tiếp đón và chăm sóc rất nồng hậu trong tình pháp lữ.

Ngôi chùa với vẻ đẹp cổ kính, các tiểu cảnh trong chùa cũng được trang trí rất đẹp tạo cho cảm giác người xem có được tâm thế bình an và học hỏi được nhiều điều hay. Có cả nơi thờ tự các vị Hoà thượng như: HT. Thiện Hoa, HT. Minh Châu, HT. Huệ Hưng, chúng con đã được sự hướng dẫn của thầy Đức Thiện đảnh lễ các vị Hoà thượng lớn của Phật giáo Việt Nam để chúng con có dịp hồi tưởng lại các cuộc đời và sự nghiệp của các Ngài. Và chúng con cũng đã tâm nguyện sẽ cố gắng tinh tấn tu tập để tiếp nối sự nghiệp của các Ngài.


Tối lại, chúng con cũng có dịp được ngồi quây quầy bên bếp lửa hồng cùng lắng nghe sự chia sẻ của thầy Minh Quang ( trú trì chùa Địa Tạng) sách tấn các vị xuất gia trẻ trên đường tu tập. Thầy nói, người xuất gia phải cần tâm niệm 3 điều đó là: thứ nhất, đỉnh cao của người tu là buông bỏ được gì chứ không phải có được những gì; thứ hai, người xuất gia phải tu dưỡng đạo đức thông qua các việc làm hằng ngày như: quét dọn, đi đứng sao cho uy nghi, nói năng từ ái, chánh niệm trong mỗi việc làm; thứ ba, người xuất gia nên tìm lỗi mình hơn là tìm lỗi người, phải thấy mình còn dở để mà cố gắng.


Rời Hà Nam, chúng con đi đến đất thủ đô Hà Nội. Hà Nội Là thủ đô 1000 năm tuổi có lịch sử lâu đời, truyền thống văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, Hà Nội thực sự là một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Hà Nội luôn là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch nội địa và quốc tế. Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng di tích Việt Nam với 3840 di tích trên tổng số gần 40.000 di tích Việt Nam (trong đó có 1164 di tích trên tổng số gần 3500 di tích cấp quốc gia ở Việt Nam). Chính vì vậy mà Hà Nội có thế mạnh và đủ điều kiện để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh và hội thảo.

Và một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất không thể không nhắc đến đó là Chùa Quán Sứ. Là trụ sở của Trung ương hội Phật giáo Việt Nam, chùa Quán Sứ là một phần không thể thiếu của hồn thiêng Hà Nội. Ngôi chùa tọa lạc tại số 73, phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm – Hà Nội.

Chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Các vua Lý, Trần vẫn thường hay vãn cảnh và ngự giá cúng lễ vào các dịp lễ, Tết tại chùa bởi vậy mà có nhiều cung điện đã được xây dựng phục vụ việc nghỉ ngơi của vua: cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên.

Quần thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám bên cạnh là trường đại học dành riêng cho con vua và các gia đình quý tộc. Đến thời vua Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám được đổi tên thành Quốc học viện và thu nhận cả con cái nhà thường dân có sức học xuất sắc.

Sang thời hậu Lê, đời vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ. Tới thời Nguyễn, Quốc Tử Giám được lập Huế. Văn miếu Thăng Long được sửa sang lại chỉ còn là Văn Miếu của trấn Bắc Thành, sau đổi thành Văn Miếu Hà Nội. 

 


Qua chuyến đi cho thấy được những nơi ta đặt chân đến cứ ngỡ rất lạ nhưng lại rất thân quen. Bởi vì chúng ta đang được để về với cội nguồn của ngôi nhà chung đó chính là ngôi nhà Phật pháp với tình huynh đệ, tình pháp lữ. Và chuyến đi cũng đã thập toàn viên mãn với niềm hỷ lạc của các huynh đệ.


Trung Lưu


Tin Tức Liên Quan