TRONG ĐẠI DỊCH, VĂN HỌC YẾU ĐUỐI HAY MẠNH MẼ?

31/07/2021 3:47
Văn học là một thành phần không thể thiếu trong kiếp nhân sinh của chúng ta. Đó là những sợi tơ rút ra từ cuộc sống và quay trở lại trang điểm cho đời bằng vẻ đẹp muôn màu của nó. Hàng vạn năm về trước, kể từ khi con người bước ra khỏi cái thuở hồng hoang của thế giới để ngẩng cao đầu và bắt đầu biết cảm nhận muôn loài xung quanh thì văn học đã ra đời và song hành với nhân loại như một phương tiện đắc lực và đầy xúc cảm, giúp con người bày tỏ nỗi niềm và đi sâu khám phá thế giới nội tâm sâu kín, bí hiểm. Ai cũng ẩn chứa trong mình một tâm hồn nghệ sĩ, biết rung động và yêu chuộng trước cái đẹp. Những niềm vui hoặc nỗi buồn; thương hoặc giận; hạnh phúc hoặc đớn đau; đồng tình hoặc căm phẫn;… đều được các nhà văn, nhà thơ chuyển tải thành những tác phẩm sâu sắc. Để rồi, khi đi vào tâm hồn người đọc, nó bùng nổ dữ dội, khiến người đọc cũng vui hoặc buồn; thương hoặc giận; hạnh phúc hoặc đớn đau; đồng tình hoặc căm phẫn;… trước cuộc đời.

   Hiện nay, toàn thể nhân loại đang sống trong giai đoạn mà đại dịch Covid đang hoành hành. Đại dịch đến và lây lan với tốc độ chóng mặt, khi con người còn vô tư, nhởn nhơ trong những bữa tiệc linh đình hay những cuộc chuyện trò vô bổ. Vì thế mà khẩu trang hay quần áo bảo hộ, lương thực hay thuốc đều không được chuẩn bị kĩ lưỡng, Covid bùng nổ và con người khủng hoảng trong sự khan hiếm đồ dùng. Khi mà những nhu yếu phẩm còn bị khan hiếm thì văn chương có ích lợi gì trong trong thời điểm này?  Trong một bài viết, nhà văn Diêm Liên Khoa cũng không né tránh sự thật ấy: “Ở điểm xung động giữa sự xa mờ của văn học với sự bức thiết cận kề của nạn dịch, chúng ta lại một lần nữa nhận ra sự yếu đuối và cô độc của văn học. Nó chẳng những không thể biến thành khẩu trang để đưa đến vùng dịch mà cũng không thể trở thành một bộ quần áo bảo hộ y tế. Lúc cần ăn uống, nó không phải sữa và bánh mì, khi cần rau cỏ, nó không phải là củ cải và cần tây. Thậm chí, khi mọi người sợ hãi, lo lắng, bất an, nó cũng không thể trở thành một viên giả dược”. Có thể thấy đại dịch đến như một nỗi bất lực không của riêng ai!

   Đối với những ai không may mắn trở thành nạn nhân của Covid cũng đều cảm thấy cô đơn, lạc lõng trên chiếc giường bệnh lạnh toát ngày ngày làm bạn với chiếc máy thở oxi mà chiến đấu để giành lại sự sống. Những ai may mắn khỏe mạnh, cũng không thoát khỏi nỗi cô đơn khi bó gối trong căn phòng nhỏ với những ngày tháng trôi qua trong sự hoang mang, vô định. Chúng ta – một nhân loại cô đơn sống trong thời đại cô đơn. Đối với Xuân Diệu là nỗi cô đơn trong tâm hồn biến thành cô sầu trong cảm giác.

                                 Em sợ lắm, giá băng tràn mọi nẻo

                                 Trời đầy trăng, lạnh lẽo suốt xương da

   Hay là những nỗi buồn u ẩn vạn kỉ của những kiếp cầm ca:

                                                               Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
                                                               Trăng thương, trăng nhớ, hãi trăng ngần
                                                               Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
                                                               Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.

   Thời đại ngày nay, dịch bệnh đã làm cho con người cảm thấy đơn độc, lạnh lẽo hơn thế. Tuy nhiên, may mắn thay vẫn có được chiếc chìa khóa giải thoát được vòng vây u tịch ấy chính là tình yêu thương. Thật nồng ấm biết bao khi thấy được kiếp người sống trong đói khổ vẫn bao bọc, san sẻ lẫn nhau trong chuyện ngắn “Hai đứa trẻ”. Văn chương đã tạo ra những khúc mắc, u uất nhưng cũng chính văn chương đã nhẹ nhàng tháo gỡ những rối rắm ấy một cách nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người, trao cho nhân sinh những bài học trân quý để thấy rằng, tình cảm giữa con người với con người như một sợi dây nối dài vô tận.

   Tôi nghĩ, ai đó vô tình mắc phải Covid cũng đều không tránh khỏi nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Trước tình cảnh đó, văn chương như bàn tay nhẹ nhàng nâng đỡ tâm hồn, tái tạo nguồn năng lượng tích cực trong ta bằng những vẻ đẹp, để một thoáng thấy lòng mình hồn nhiên như trẻ thơ.

Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

   Chính cái đẹp giúp cho con người rung cảm, thanh lọc tâm hồn và hướng về cái chân, thiện, mỹ.

“Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới”.

   Tựa những áng mây lãng đãng trôi, văn chương nhẹ nhàng ru êm lòng tôi một thoáng bình yên giữa bao bộn bề cõi phù sinh. Văn chương như ánh sáng của vầng trăng hiện ra thức tỉnh một kiếp người mộng mị, ngu si để rồi tỉnh ngộ và chạm đến một bình minh tươi sáng hơn. Và dường như, con người buông bỏ mọi bất hạnh nhân sinh để cả thể xác lẫn tâm hồn mình được cống hiến cho cái đẹp cao cả. Đại dịch, tựa như “tên trộm” đã cướp đi khỏi chúng ta sự bình yên. Nhưng nó cũng để lại trong chúng ta, những khoảng lặng để tâm hồn mình thư thả, để mở tung cửa sổ mà đón vào lòng vầng trăng sáng, những vẻ đẹp gần gũi ta quên lãng tự lâu, cho con người một kẽ hở trong nhịp sống vội vã để ngắm nhìn lại chính bản thân mình.

   Một ngày nào đó  khi Covid qua đi, đời sống con người trở về với những mệt mỏi áp lực thường nhật thì lúc ấy những chiếc khẩu trang liệu có thể trở thành một áng văn bất hủ mang đến cái thanh thoát cho tâm hồn không?  Hay những mẩu bánh mì, những bó rau củ kia có thể lấp đầy cơn đói cồn cào nơi trái tim đang rỉ máu hay không? Văn chương sẽ không bao giờ bất lực khi người cầm bút luôn tràn trề những nhiệt huyết, biết cách lan toả thông điệp đến đọc giả. Tin vào văn chương với những hy vọng tốt đẹp của cuộc sống, đó sẽ là lúc chúng ta thoát khỏi niềm sợ hãi, âu lo tầm thường để chạm tay đến những giá trị thiêng liêng vĩnh cửu.

Ngọc Ánh

Tin Tức Liên Quan