12 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại

29/03/2022 7:58
Bài 12: Về Làng

      Ấn tượng đầu tiên, cũng là sự ngạc nhiên của tôi giây phút về Làng là sự trọng thị của lễ nghi cung đón. Nếp sinh hoạt Làng Mai vốn nhẹ nhàng, giản đơn, không chuộng hình thức lễ nghi lắm. Ấy vậy mà, giây phút đoàn Giáo hội có mặt, chuông đại hồng, trống bát nhã được khiêng để hẳn ngoài thảm cỏ xanh đầu làng. Xe của đoàn vừa dừng lại đã nghe tiếng chuông trống vang lên cả khoảng trời không; khay lễ, khánh dẫn thỉnh và cặp lọng được quí thầy cung rước trang nghiêm. Hàng trăm tăng ni với tấm y vàng khoác trên chiếc áo nâu, xếp hai hàng rất dài từ đầu làng để nghinh đón. Các vị lớn trong Làng như Hòa thượng Chí Mậu, Thượng tọa Minh Tuấn, Ni trưởng Chân Không… đều có mặt. Thiền sư Nhất Hạnh thì vẫn với chiếc áo nâu bình dị, khoác thêm chiếc áo lạnh và khăn choàng cổ cùng màu đứng chờ sẵn. Xe dừng lại, cửa mở ra, các Hòa thượng bước xuống, Thiền sư nhẹ nhàng tiến tới. Sự tiếp xúc đầu tiên của thầy Làng Mai với đoàn sau cái chắp tay chào nhau là… cái ôm. Lần lượt Hòa thượng Trí Quảng, Hòa thượng Thiện Bình, Hòa thượng Bảo Nghiêm, Hòa thượng Phước Đường rồi đến tôi, mỗi vị đều được Thiền sư mở rộng vòng tay ôm vào lòng. Đó là đạo tình cao quí của một cuộc hội ngộ thiêng liêng. Khoảnh khắc đẹp đẽ đó đã làm tôi mừng vui rơi nước mắt. Không thiêng liêng sao được khi Thiền sư Nhất Hạnh và Hòa thượng Thiện Bình cùng bước ra từ Phật học đường Báo Quốc, rồi cả hai cùng chung lo phật sự trong Tổng hội Phật giáo Việt Nam, một người với vai trò là giảng sư, người kia là chủ bút của tờ báo thuộc Tổng hội. Không rơi nước mắt sao được khi Sư ông Làng Mai và Hòa thượng Thích Trí Quảng cũng từ chiếc nôi Ấn Quang - Phật học đường Nam Việt mà ra, một người du học ở Xứ sở Hoa anh đào rồi trở về quốc nội hoằng pháp, một người thì đặt chân đến Xứ Cờ hoa để tham học rồi theo cơ duyên ở lại hải ngoại hành hạnh dấn thân. Đó là cái ôm của tình huynh đệ sau bao năm biền biệt hải giác thiên nhai, là sự đoàn tụ của những trái tim Phật suốt mấy mươi năm nội hoằng thánh giáo ngoại diễn pháp âm. Tôi cũng hạnh phúc là người cuối cùng được Thiền sư giang tay ôm vào lòng. Không biết có chủ quan không, tôi cảm tưởng như Thiền sư ôm mình… lâu hơn. Cái khoảnh khắc ấy bỗng thấy mình nhỏ bé trong đôi bàn tay bao la của Thầy. Một cái ôm đã xâu kết từ giọt nước mắt thuở ấu niên khi Bông hồng cài áo chạm vào tim, xuyên qua những trang sách photo, những băng casette Thầy giảng cho đến khoảnh khắc được nhìn thấy Thầy, được đôi bàn tay Thầy đưa tôi vào lòng. Nó như một giấc mơ!

 

Đoàn Giáo hội được đón tại ga tàu cao tốc trước khi đưa về Làng.


Về tới đầu Làng.


Cái ôm đạo tình.

     Sau khi ôm nhau, những nụ cười niềm nở trao cho nhau, Thiền sư và đoàn rảo bước tiến vào bên trong giữa hai hàng rào danh dự là tăng và ni. Nói là buổi tiếp đón nhưng nó diễn ra như giờ thiền hành. Thiền sư trò chuyện với Hòa thượng Trí Quảng, Hòa thượng Thiện Bình chỉ vài câu, rồi sau đó cùng đi với nhau trong tĩnh lặng đến mấy mươi phút từ đầu làng.



Hàng rào danh dự cung đón.

Cung đón

 Tình huynh đệ

      Chùa Pháp Vân - xóm Thượng, nơi Sư ông và tăng thân Làng Mai tiếp đoàn. Sau khi dâng hương lễ Phật, bảy chiếc ghế được bày ra. Năm vị trong đoàn cùng với thiền sư và Hòa thượng Chí Mậu an tọa. Là người nhỏ nhất, tôi ngồi chiếc ghế ở vị trí ngoài cùng phía bên trái. Vừa định ngồi xuống thì Thiền sư đặt bàn tay phải của ngài lên vai tôi, tay kia chỉ chiếc ghế kế bên như bảo rằng “hãy ngồi vào ghế trong đi”. Tôi nhích vào ngồi ghế trong, hóa ra, Thầy ngồi ghế ngoài cùng, ghế mà tôi định ngồi. Vậy là tôi được ngồi kế Thầy. Tất cả đại chúng ra đảnh lễ, tác bạch vái chào phái đoàn. Hòa thượng trưởng đoàn Thích Trí Quảng phát biểu đáp từ, nói lên thâm giao cốt nhục mà Hòa thượng cùng quí tôn túc trong đoàn với Thiền sư từ nhiều thập niên trước. Hòa thượng cũng tán dương công hạnh của Thiền sư đã hành đạo ở hải ngoại để có được một đạo Phật phát triển mạnh ở phương Tây. Hòa thượng Thiện Bình cũng có mấy lời phát biểu nhắc về công hạnh của Thiền sư và khuyến tấn tăng thân tu học. Sau đó, Thiền sư giới thiệu về Làng Mai. Làng có 3 chùa: Xóm Thượng có chùa Pháp Vân, chùa do thầy Nguyện Hải trụ trì; xóm Mới có chùa Từ Nghiêm, sư cô Chân Định Nghiêm trụ trì và xóm Hạ có chùa Cam Lộ, do một vị ni trụ trì (hình như là người nước ngoài) mà tôi không nhớ tên. Thiền sư nói thêm chùa không có trụ trì cố định mà luân phiên, vị trụ trì do đại chúng thỉnh cử. Bên cạnh đó Thiền sư cũng giới thiệu nhiều tăng ni đến từ các quốc gia như Đức, Mỹ, Tây Ban Nha… có cả những Linh mục phát nguyện y qui theo Làng. Kết thúc buổi tiếp kiến, đoàn được đưa về một phòng khách nhỏ để uống trà, sau đó nhận phòng. Phòng của đoàn nằm ở một triền đồi, cách thất Ngồi Yên của Thiền sư không xa lắm. Nhìn ra xa là đồi cây. Tối lại gió thoảng nhẹ, dễ chịu. Tôi được bố trí ở với Hòa thượng Bảo Nghiêm. Hòa thượng thì nhỏ hơn ba vị trưởng lão là Hòa thượng Trí Quảng, Hòa thượng Thiện Bình và Hòa thượng Phước Đường nhưng lớn hơn tôi. Có lẽ vì vậy mà Hòa thượng “chọn” tôi làm bạn để… dễ trò chuyện hơn, vui hơn, cùng nhau nhỏ to khi rảnh rỗi, lúc thảnh thơi với những ngạc nhiên, những thắc mắc thú vị trong cuộc khám phá Làng Mai.


Bước vào Pháp Vân

Lễ Phật tại chùa Pháp Vân _ Xóm Thượng.

Hòa thượng Thiện Bình phát biểu.

Tháp chuông Làng Mai.

     Do đã tìm hiểu về Làng Mai nên tôi không mấy ngạc nhiên khi đặt chân đến chốn “thâm sơn cùng cốc” này. Khác với nhiều người hình dung Làng Mai như là một trung tâm tu học với cơ sở nguy nga, chùa to Phật lớn. Thế nên khi đến đây không ít người đã ngớ ra: “Ủa, Làng Mai là thế này à!”. Dấu ấn sinh động, biểu tượng của văn hoá truyền thống duy nhất tại đây là tháp chuông đứng uy nghiêm giữa một khu đất rộng với thảm cỏ xanh. Nếu không có tháp chuông thật khó để nhận ra đây là một trung tâm tu học. Những cơ sở gọi là chùa hay thất đều tạo dựng đơn giản, chủ yếu bằng gỗ, không có mái cong, ngói đỏ, rồng phụng như người ta vẫn thường thấy những ngôi chùa truyền thống ở Việt Nam.

 

Trí Chơn

(Bài 13: Gọi Thầy được rồi)

Tin Tức Liên Quan