17 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại

27/04/2022 8:57
Bài 17: Nhịp Cầu Hiểu Thương


Việc thiền sư Nhất Hạnh về Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trên cả hai bình diện chính thức và không chính thức. Cơ quan đại diện của Nhà nước Việt Nam tại Pháp và Làng Mai đã giữ liên lạc với nhau từ những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước. Chủ đề này đã được thượng tọa Pháp Ấn trò chuyện với chúng tôi đôi lần.


Ông Nguyễn Đình Bin trong một dịp đến thăm thiền sư Nhất Hạnh tại Làng Mai năm 2005


Năm 1998, một Uỷ ban Phật giáo vận động đối thoại và hiểu biết” ra đời. Văn phòng được thiết lập tại 13 Martineau, Diculivol 33580 France và 60 Golf club drive, Key west, Morida 330040 USA. Ủy ban này cũng xin thiết lập văn phòng đại diện tại chùa Đình Quán, Từ Liêm, Hà Nội. 

Mục đích thành lập của Uỷ ban này là tạo một kênh truyền thông nhằm liên lạc với Chính phủ Việt Nam xin cho Thiền sư Nhất Hạnh được về quê hương hoằng pháp và sách của Thầy cũng được in ấn phát hành tại quê nhà. Theo Uỷ ban này thì dự kiến Thiền sư sẽ xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 03/1999. Phái đoàn gồm 40 người với 28 tu sĩ và 12 cư sĩ. Ba thành phố lớn Thiền sư hành đạo là Hà Nội, Huế và TP.Hồ Chí Minh. Ba hội trường lớn đề nghị Thiền sư được giảng là: Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội, Nhà văn hóa TP. Huế và và Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM). Cả 3 nơi đều thuyết giảng với 3 chủ đề giống nhau: (1) Nghệ thuật sống trong chánh niệm, (2) Chuyển hóa và trị liệu, (3) Hiểu biết và thương yêu. Bên cạnh đó, các khoá tu cho tu sĩ và cư sĩ cũng được tổ chức, mỗi khóa từ 2 - 7 ngày tại một số chùa như Trấn Quốc, Từ Hiếu, Giác Viên… Chương trình được chuẩn bị khá kỹ nhưng nội dung thương thuyết có một số điểm chưa gặp nhau. Có nguồn tin cho rằng một trong những trọng điểm được đề cập là vai trò và trách nhiệm ca Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong chuyến hoằng pháp của Thiền sư tại quê nhà. Sẽ không được nuôi dưỡng tình huynh đệ” nếu không có sự gắn kết từ các phía: Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Làng Mai.


Về phía Phật giáo Việt Nam, kể từ những thập niên 1990, tăng, ni sinh du học nước ngoài như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan… đã trở thành một trào lưu. Một số tăng ni khác (cả những bậc ca tôn túc giáo phẩm) có tâm nguyện chuyên tu thì hướng đến Làng Mai tu học. Có những vị đến  Làng Mai tham dự khoá tu ngắn hạn, cũng có những vị xin ở lại nhập chúng tòng tăng. Như vậy để thấy xu thế vọng hướng Làng Mai là hiện tượng tự nhiên của giới tăng sĩ quốc nội với tâm niệm ở đâu có chánh  pháp là ở đó có sự tầm cầu. Một số các bậc tôn túc sang Làng khá sớm như Hòa thượng Giác Quang, Hoà thượng Huệ Ấn, Hòa thượng Minh Cảnh, Hòa thượng Minh Thông, Hòa thượng Phước Trí, Hòa thượng Minh Nghĩa, Hòa thượng Nguyên Chơn, Ni trưởng Tịnh Hạnh, Ni trưởng Tịnh Thường, Ni trưởng Đàm Nguyện, Ni trưởng Như Minh… và cả số tăng ni trẻ sang Làng cũng không nhỏ. Họ đến với Thiền sư với một trái tim cầu pháp thiện lành không hề có màu sắc khác. Trong số này rất nhiều vị được phú pháp truyền đăng từ Thiền sư. Có một Thiền tăng được xem là cốt nhục linh sơn với Thiền sư Nhất Hạnh đó là Thiền sư Thanh Từ. Tháng 8/1994, Thiền sư Thanh Từ đã có chuyến hoằng pháp châu Âu và có đến thăm Làng Mai. Đây là chuyến thăm với tư cách cá nhân, bày tỏ mối đạo tình sâu sắc mà hai bậc thiền sư đã gắn bó từ nửa thế kỷ trước đó. Hai thiền sư đã biết nhau từ những thập niên 1950 ở Phật học đường Nam Việt - chùa Ấn Quang. Năm 1957 Thiền sư Nhất Hạnh có tạo dựng một trung tâm tu học tại Bảo Lộc với tên gọi Phương Bối Am và Thiền sư Thanh Từ đã có một ngôi thất tọa lạc ở trung tâm tu học này mang tên Thiền Duyệt Thất. 

Năm 1961, Thiền sư Nhất Hạnh đã làm một bài thơ tặng Thiền sư Thanh Từ  mang tên “Đề Thiền Duyệt Thất”, trong đó có đoạn:

Đời đi về muôn lối
Quan san mộng hải hà
Chút lửa hồng bếp cũ
Ấm áp bóng chiều sa

 Bài thơ như một dự báo rằng, chí nguyện của tôi là “quan san mộng hải hà” còn anh hãy ở quê nhà mà “giữ ấm bếp lửa hồng” nhé. Y như rằng, cánh mai của Thiền sư Mãn Giác thuộc dòng Vô Ngôn Thông từ nghìn năm trước đã chớm nở ở một ngôi làng miền Nam nước Pháp rồi lan tỏa khắp năm châu. Trong khi đó nơi quê nhà, chiếc gậy trúc của Hương Vân Đại Đầu Đà đã được thất chủ Thiền Duyệt tiếp nối làm sáng ngời Thiền phái Trúc Lâm. 


Thiền sư Nhất Hạnh và thiền sư Thanh Từ hội ngộ sau bao năm xa cách

Về phía Làng Mai, dầu đã vân du khắp năm châu, Thiền sư Nhất Hạnh vẫn chưa bao giờ nguội lạnh với bản hoài quy cố hương. Vọng hướng quê nhà như là ước nguyện lớn của Thiền sư trên cả hai bình diện: Quan tâm đến chiều hướng phát triển của xã hội Việt Nam, Phật giáo Việt Nam và cả ước nguyện trở về hành đạo nơi xuất phát điểm của mình. 

Về phía Phật giáo Việt Nam, những năm cuối thế kỷ 20, thời điểm mà chính sách mở cửa đã khá thoáng, tình hình Phật giáo Việt Nam đã bước sang giai đoạn phát triển rộng khắp trên nhiều lĩnh vực. Nền giáo dục Phật giáo được cũng cố và hoàn thiện một cách có hệ thống. Ngoài ngành giáo dục Phật giáo, hoằng pháp là ngành duy nhất có lớp đào tạo giảng sư, các giảng đường lớn được tụ tập, được thuyết giảng khá cởi mở. Tăng sự là ngành trọng điểm được Giáo hội đặc biệt quan tâm. Nếu như hai thập niên sau ngày thống nhất 1975, các bậc tôn túc luôn ưu tư về việc tre già măng chưa mọc”, thì kể từ thập niên 1990, tre mọc khắp nơi, mọc rất tốt, tuy nhiên cũng có một bộ phận nhỏ “mọc”… thiếu quy hoạch, mọc nghiêng ngửa, mọc ở những chốn không phải rừng tre” như tư gia, khu nhà trọ, quán xá... Thậm chí, tre nam tre nữ” chở nhau trên xe hai bánh, có khi đi thành nhóm tung tăng nơi này, chốn kia khiến xã hội đàm tiếu, Phật tử hoang mang. Hiện tượng một số tăng ni trẻ thiếu phẩm chất đã xuất hiện, một số các chùa đã xảy ra những điều không đáng có. Trước thực trạng đó, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM đã có cuộc hội thảo về “Tăng Ni - Tự Viện” để tập trung sức mạnh trí tuệ, lắng nghe tiếng nói từ giới lãnh đạo Phật giáo và các bậc thầy tổ trụ trì các chùa qua các tham luận. Hội thảo được tổ chức trong 2 ngày 20 - 21 4/2000 tại chùa Ấn Quang, văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Thành phố. Cứ ngỡ những bài tham luận kia được đọc lên và chỉ có cử tọa hiện hữu mới lắng nghe. Ấy vậy mà phía bên kia bán cầu, nơi miền Nam nước Pháp có một Thiền sư trong thất Ngồi Yên đã không bỏ sót một chữ nào trong mỗi bài tham luận. Khi hội thảo Tăng ni tự viện” ở quê nhà vừa kết thúc thì Thầy cũng có một tham luận” với chủ đề “Nhìn vào hiện tại xây dựng tương lai”. Một bản góp ý với co chữ nhỏ dài đến 8 trang, phân tích, bình luận chi tiết về các tham luận nơi quê nhà. Thầy tổng kết toàn bộ kiến nghị của các Ban Trị sự (lúc bấy giờ là Ban  Đại diện) quận, huyện rồi đưa ra 13 luận điểm, gồm: (1) Vấn đề tổ chức lại các tu viện, (2) Phần lý thuyết và thực tập, (3) Tài chính cho các viện Phật học, (4) Cư xá học tăng, (5) Chương trình tu học, (6) Quản trị tự viện, (7) Giới luật và uy nghi, (8) Cơ bản kinh tế, (9) Nội minh và ngoại minh, (10) Xuất gia và thọ giới, (11) Giáo quyền và thế quyền, (12) Trường hạ và các khóa tu, (13) Xây dựng niềm tin.



Bản góp ý của Thiền sư không được công bố trên các kênh thông tin chính thống nhưng nó được truyền tay trong giới tăng ni một cách rộng rãi. Nó phản ánh thiện chí của Thiền sư như tiếng nói tích cực góp phần Xây dựng tương lai” cho Phật giáo quê nhà. Nó như chiếc cầu hiểu thương bắt thêm một nhịp cho đường hướng Giáo hội và pháp môn Làng Mai gần thêm một bước.

Trí Chơn

-Hết-

Tin Tức Liên Quan