Một ngày học giáo lý, sinh hoạt của nhóm “Tuổi Trẻ Khánh An”

17/09/2019 12:30
Sáng chủ nhật ngày 15/09/2019, các bạn trẻ đã có mặt tại Pháp đường “Thấy và biết” – tu viện Khánh An để lắng nghe bài giảng ngắn mang chủ đề Tứ thánh đế với sự chia sẻ của sư chú Trung Nhân.

Bốn chân lý được đức Phật trình bày theo mô-típ quả-nhân là từ cái hiện hữu để lý giải cái nguyên nhân có mặt của nó, với quả này thì nhân sẽ thế này, đây là hệ thống triết học thực tế, thực tế đó cơ hữu với lý luận một cách khách quan, không đưa đến trừu tượng, đây là điều đặc biệt so với các hệ thống tư tưởng, triết học đương thời khác.

Chân lý đầu tiên mà đức Phật nêu lên là Khổ đế - chân lý sự thật về khổ, như là sinh già bệnh chết…Nói tóm lại, ngũ thủ uẩn là khổ; nói cách khác, những khái niệm như “nó là”…, “pháp là”…, “những niềm vui”, “nỗi buồn”,…chung quy đó cũng chỉ là sự khởi lên của nhận thức – cái gì được thức cấu trúc nên cái đó là vô thường, vì vô thường nên khổ hiện hữu.



Nói về Tập đế, tham ái là nguyên nhân của khổ, đặc tính tham ái không chỉ cho tham lam mà bao hàm cả sân hận, si mê.

Diệt đế là sự thân chứng của nội tâm, không phải cái bên ngoài mà chúng ta trú vào, là con đường diệt tâm tham ái, hay lắng diệt các tâm hành: “Này chư tỳ-khưu, diệt khổ thánh đế là chân lý bậc thánh nhân đã chứng ngộ, đó là Niết Bàn, là pháp diệt tận mọi tham ái, không còn dư sót bằng bốn thánh đạo tuệ…gọi là diệt khổ thánh đế”.

Đạo đế với thánh đạo tám ngành là con đường trung đạo đưa đến chứng ngộ Diệt đế. Sư chú đã trích kinh Đại Kinh Bốn Mươi thuộc Trung Bộ kinh, đoạn đức Phật nói về Bát Chánh Đạo, đại ý:

Chánh kiến: là cái thấy biết đúng đắn về các pháp hiện hữu, là cái thấy khách quan về các quan niệm hay chủ thuyết tồn tại trong thế giới (chánh kiến hữu lậu), như trong kinh có đoạn sau: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh kiến hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y? Có bố thí, có cúng dường, có tế tự, có quả báo các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời khác, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh; ở đời có các vị Sa-môn, Bà-la-môn, chánh hướng, chánh hạnh, sau khi với thượng trí tự mình chứng đạt đời này và đời khác lại tuyên bố lên…”

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh kiến thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi? Phàm cái gì, này các Tỷ-kheo, thuộc trí tuệ, tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác chi, chánh kiến, đạo chi của một vị tu tập Thánh đạo, thành thục trong Thánh đạo, có vô lậu tâm, có Thánh tâm” – đó là chánh kiến vô lậu.





Chánh tư duy hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y? Ly dục tư duy, vô sân tư duy, bất hại tư duy, như vậy, này các Tỷ-kheo là chánh tư duy, hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y.

Chánh tư duy vô lậu: “Phàm cái gì này các Tỷ-kheo thuộc suy tư, tầm cầu, tư duy, một ngữ hành do sự hoàn toàn chú tâm chuyên tâm của một vị tu tập Thánh đạo, thành thục trong Thánh đạo, có vô lậu tâm, có Thánh tâm; chánh tư duy như vậy, này các Tỷ-kheo, thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi.” (Đại Kinh Bốn Mươi).

Buổi học kết thúc với sáu chánh đạo tiếp theo trong buổi học sau sẽ được giảng.




Chiều cùng ngày, có buổi tiệc nhỏ với sự giao lưu giữa các bạn trong nhóm tình nguyện viên.

Ban Truyền Thông

Tin Tức Liên Quan