Tọa đàm "Hành đạo miền viễn xứ” sau chuyến hoằng pháp tại Hoa Kỳ và châu Âu của Thầy Trí Chơn

15/10/2019 6:48
Sáng ngày 13/10/2019 Tu viện Khánh An đã chào đón gần 300 hành giả về tham dự một ngày tu nhân dịp Thầy Viện chủ trở về sau gần hai tháng hoằng pháp tại Hoa Kỳ và châu Âu.

Sau khi khất thực dùng sáng, thiền hành, và 30 phút thiền tọa, vào lúc 8:30 buổi tọa đàm "Hành đạo miền viễn xứ” được diễn ra với sự điều phối của MC Lâm Ánh Ngọc.

Tại đây một số câu hỏi được MC Lâm Ánh Ngọc đặt ra trong buổi tọa đàm:

MC: Sự khác biệt giữa truyền thống Phật giáo tại Việt Nam và hải ngoại?


Thầy: Không như Việt Nam, hải ngoại thường có ba loại chùa: thứ nhất là cải gia vi tự (khoảng 50 - 60%), thứ hai là mua nhà thờ làm chùa, thứ ba là xây dựng một ngôi chùa mang dáng truyền thống.

Do đời sống và tính chất công việc của cộng đồng nên dù là ngày rằm, vía hay các đại lễ không thể tổ chức đúng ngày mà tất cả các sinh hoạt lễ hội, cúng bái đều rơi vào chủ nhật hàng tuần. Những nơi thầy giảng pháp nếu không phải chủ nhật thì phải vào ban đêm từ sau 20 giờ. Tại đây, đời sống tu học của Phật tử khó khăn đã đành, mà kể cả Tăng Ni cũng gặp không ít những chật vật. Tu sĩ Phật giáo cũng phải  đi vào vòng xoáy của nhịp sống xã hội;

một số chùa thì tự túc kinh tế bằng cách bán đồ chay, một số khác có khi phải đi làm ngoài để duy trì simh hoạt cơ sở.


 MC: Có phải vấn đề “bình đẳng” tại Hoa Kỳ cũng như các nước phương Tây đã gây khó khăn trong quá trình hành đạo của tu sĩ Phật giáo Việt Nam tại đây, thầy có cái nhìn như thế nào về vấn đề này?


Thầy: Cái truyền thống “Trứng đòi khôn hơn rận” của Á đông là một cực đoan nhưng lối sống “bình đẳng theo kiểu đồng đẳng” lại là một cực đoan khác.

Lối giáo dục Á đông mang tính gia trưởng, làm thui chột khả năng sáng tạo và phát huy trí tuệ tự lực của người trẻ, người lớp dưới. Trong khi lối sống ở Hoa Kỳ nói riêng, phương Tây nói chung ứng xử theo lối tự do, nhưng lại có sự nhầm lẫn giữa bình đẳng với đồng đẳng, giữa công bằng với cào bằng. Vì vậy mà các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc cũng như văn hóa thiền môn ít nhiều bị xói mòn.

Những phật tử thuần thành thì giữ được nếp thiền môn, phẩm chất của người cư sĩ, còn những vị thiếu tu hay  thế hệ trẻ do không tiếp xúc được những giá trị văn hóa truyền thống của đạo Phật nên có những ứng xử gần như cào bằng. 

Có một vài chùa được dựng lên rồi mới tăng sỹ về ở tu, nhưng quá trình sinh hoạt “không đạt được thỏa thuận”, Ban hộ tự sẵn sàng “mời” vị ấy ra khỏi chùa.

Đây là những câu chuyện buồn thỉnh thoảng vẫn có xảy ra.

MC: Cuộc hành trình khá vất vả với những chuyến bay, khác biệt về thời tiết, khí hậu, múi  giờ làm ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học và gần như không có thời gian để ... thở, vậy thầy đã chuẩn bị bài giảng như thế nào cho gần 30 trú xứ và 5-60 pháp thoại?


Thầy: Tất nhiên “vốn” giáo pháp có được từ việc tu, học, hành trì, chiêm nghiệm đã được tích tụ từ nhiều chục năm, kết hợp với kiến thức hiểu biết và phương pháp sư phạm để hình thành nên pháp thoại ... trong đầu. Nếu chỉ có kiến thức mà không có Pháp trong đầu thì không thể gọi là hoằng pháp. Hoằng pháp là làm sao để “tiêu hoá” giáo pháp, kinh điển thành cái của mình, để cho giáo pháp sáng trong lòng và toát ra từ chính công năng tu tập, đó là sự chuẩn bị. Tất cả các pháp xung quanh đều là giáo pháp, vấn đề là ta có đủ đạo lực để “thấy” hay không. Người hoằng pháp cần có công phu tu tập, kiến thức Phật học,  kiến thức thế học, nghệ thuật hoằng pháp, phương pháp sư phạm, hiểu được văn hóa bản địa và tâm cầu học của hội chúng để truyền pháp phù hợp cho người nghe, đó gọi là “ứng cơ thuyết pháp”.

Phải hiểu Phật tử nơi đây muốn gì, cần gì để đáp ứng cái họ cần chứ không chỉ nói  những điều mình có. Điều đó mang lại hiệu quả cao trong việc mang giáo pháp vào lòng người. 

 Trong Toạ đàm, thầy cũng chia sẻ về những thành công, những khó khăn trong quá trình hành đạo suốt gần hai tháng; những câu chuyện xúc động về lòng khát ngưỡng giáo pháp của Phật tử hải ngoại; những câu chuyện vui, những câu chuyện bùi ngùi về tình người - tình đạo nơi xứ xa đã làm lay động  những con tim. Hơn hết, thầy còn nhấn mạnh về tương lai Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng như các quốc gia phương Tây và đưa ra lời khuyên. Hiện nay, tu sĩ Việt Nam phần lớn chỉ đáp ứng đời sống tín ngưỡng, tu học cho cộng đồng mà chưa đi sâu vào tầng lớp người bản xứ.

Xã hội phương Tây bị cuốn vào đời sống kinh tế và lối sống hưởng thụ, khiến họ gặp nhiều bế tắc trong phiền não, trầm cảm. Thiền quán trong đạo Phật là chiếc chìa khóa giúp họ giải phóng khổ đau.

Tiếc là những nhà lãnh đạo tâm linh trong đó có tăng sĩ Việt Nam chúng ta chưa sẵn sàng cho việc phụng sự, đáp ứng nhu cầu thiết thực, quan trọng này. Đạo Phật chỉ có thể cắm sâu trong lòng nước Mỹ cho đến khi nào đào tạo được tăng sĩ người Mỹ, ngôi chùa Mỹ và tín đồ Mỹ.

 

Tình hình tăng sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ hiện nay có lẽ do rào cản “ý thức hệ”,  nên cựu tăng sĩ và tân tăng sỹ (từ quê nhà sang) chưa có điểm gặp nhau nhiều. Đó là chưa nói lối sinh hoạt tự phát khiến cho đường hướng  sinh hoạt không rõ ràng, thiếu hòa hợp. Chỉ có thể Tăng Ni cần ngồi lại với nhau thì Phật giáo mới phát triển.

Cuối buổi tọa  đàm, thầy trả lời một số câu hỏi của quý Phật tử.

 Chiều cùng ngày, sau lễ qui y do thầy Quảng Thức làm giới sư truyền  giới, buổi thiền trà được bắt đầu vào lúc 14 giờ 30 tại pháp đường Chánh Niệm.

Để bày tỏ lòng biết ơn, nhóm  Tuổi Trẻ Khánh An đã dâng lên Thầy Viện chủ và hội chúng những khúc hát lời ca và đôi lời tâm sự. Trong buổi thiền trà, ngoài chia sẽ một số câu hỏi nhỏ của Phật tử, thầy đã dành thời gian để đọc và bình những lời thơ trong tập thơ của thầy nhân chuyến hoằng pháp vừa rồi. Mỗi lời thơ là mỗi lời tâm sự, bao nỗi lòng ẩn chứa trong ý thơ. Kết thúc khóa tu, tất cả hội chúng đồng hoan hỉ.

Tâm Minh Tu

Một số hình ảnh ghi nhận:










Tin Tức Liên Quan