ĐÀI TRUYỀN HÌNH AN VIÊN THAM VẤN PHẬT PHÁP THẦY VIỆN CHỦ THÍCH TRÍ CHƠN

15/05/2015 5:05
Để giúp khán, thính giả hiểu rõ hơn về một số quan điểm như “Tùy duyên”, vấn đề “Nghiệp” trong nhà Phật; tục thờ cúng Thần tài, ông Địa trong tín ngưỡng dân gian; tục thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt, vào ngày 12/05/2015, Đài Truyền hình An Viên đã có buổi tham vấn Phật pháp với Thầy Thích Trí Chơn – Viện chủ Tu viện Khánh An. Đây là lần thứ 5, Đài Truyền hình này đến tham vấn Phật pháp với Thầy. Chương trình do 2 Biên Tập viên Kiều Giang và Bích Quyên thuộc Truyền hình An viên thực hiện. Sau đây là một số câu hỏi và câu trả lời giữa phóng viên và Thầy.

tuvienkhanhan.vn xin lượt ghi:

Câu hỏi 1: Thưa Thầy, trong cuộc sống hằng ngày, chúng con được nghe nhiều người nhắc đến hai chữ “Tùy duyên”, hay là “mọi sự cứ để tùy duyên”…nhưng ý nghĩa thực sự của hai chữ tùy duyên nhiều người chỉ mới hiểu một cách mơ hồ. Vậy Thầy có thể vui lòng cho con biết  ý nghĩa thực sự của chữ “Tùy duyên” trong Phật giáo là gì ạ?

Trả lời: Duyên sinh là một trong những giáo lý trọng yếu của Phật giáo. Nói đến Duyên là phải nói đến Nhân – Nhân duyên. Vạn pháp đều do duyên sinh. Các nhân, các duyên tác động và chi phối lẫn nhau trùng trùng điệp điệp, vô cùng vô tận nên gọi pháp giới duyên sinh. Không có một nhân nào có thể đem đến quả, cũng như không có một quả nào mà chỉ có một nhân. Tất cả nhân đều chịu sự tác động của duyên để có quả. Cái này là nhân, nhờ các duyên khác mà có quả nhưng đồng thời nó cũng là duyên để giúp những nhân khác có quả.. Nhân là yếu tố chính, là cái duyên đầu. “Tùy duyên” có nghĩa là tùy thuộc vào các điều kiện ngoại lai. Nhân là hạt giống, nhờ duyên tác động lên nhân làm phát sinh ra quả. Ví dụ nhờ duyên đất, nước, phân, sự chăm sóc, mặt trời….. giúp cho hạt ngô (nhân) nảy mầm, kết trái.

“Tùy duyên” xuất phát từ hình ảnh vị tu sĩ hoằng pháp, làm Đạo (Nhân) ở những vùng đất mới. Tùy theo tập tục, văn hóa, con người (Duyên) của từng vùng miền mà vị tu sĩ đem đạo Phật hòa vào đó để cảm hóa, giúp mọi người hiểu được giáo pháp, ứng dụng giáo  pháp vào đời sống hằng ngày đem lại an lạc và hạnh phúc cho con người.

“Tùy duyên” là chỉ nói nửa vế, nửa vế còn lại là “Bất biến” – Tùy duyên bất biến”. Cái “Bất biến” ở đây là Phật pháp. Phong tục, tập quán, văn hóa, hoàn cảnh, địa dư … của từng vùng miền là “Tùy duyên”. Đem đạo vào đời để giúp đời hiểu Đạo, làm lợi ích cho mọi người mà vẫn không mất đi tính chất, giá trị của đạo Phật.

DDD 0347

Câu hỏi 2: Theo con được biết, một cách hiểu khá phổ biến trong dân gian về quan niệm tùy duyên, đó là “Ra đi gặp vịt cũng lùa, gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu”; tức là gặp hoàn cảnh nào thì thích nghi, thuận theo với hoàn cảnh đó hay là “cái gì đến rồi sẽ đến”. Những cách hiểu này liệu có gì giống và khác với quan niệm “Tùy duyên” của nhà Phật? Nếu như “vạn sự tùy duyên”, thế thì liệu con người có cách nào để thay đổi, cải tạo hoàn cảnh của mình không ạ?

Trả lời: Quan niệm này không phù hợp với “ Tùy duyên” của Đạo Phật. Chúng ta phải xác định rằng “Tùy duyên nhưng bất biến”. Vậy, “Bất biến” ở đây nó là cái gì. Bước chân ra đi thì phải biết mình đi đâu, gặp ai, làm cái gì. Người bước chân ra đi mà “gặp vịt cũng lùa, gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu” là người thiếu định hướng. Bước ra cửa gặp gì làm đó là người chẳng biết mình làm gì, chẳng biết mình đi đâu. Đi như vậy không có ý nghĩa, làm như vậy không có kết quả. Đi như vậy “ không lùa được vịt, không kết được duyên và cũng không tu được ở chùa nào đâu”.

Bên cạnh “vạn sự tùy duyên”, người ta còn phó thác thân mạng mình cho một thế lực siêu nhiên khác. Do ảnh hưởng chủ nghĩa Thiên mệnh hoặc chủ nghĩa Tiền định, người ta thường trao số phận của mình cho trời, hoặc là do tiền định. Muôn sự muôn vật đều do trời định, hoặc định mệnh an bài, rồi cứ phó mặc số phận cho trời, cho định mệnh như trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:

“Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”

Kiếp người được phong trần hay thanh cao đều do “Trời kia đẵ bắt”, không thể nào khác. Điều này khiến con người hoàn toàn bị động, đánh mất mình.

Nhưng ở một đoạn khác con người bắt đầu xuất hiện đồng thời với trời:

Có trời mà cũng có ta

Tu là cội phúc tình là giây oan.

Nếu biết tu nhơn tích đức thì có thể chuyển hóa được số phận. Tuy yếu tố “Người” xuất hiện nhưng vẫn chưa thoát được “Thiên mệnh”.

Câu nói của Kim Trọng, thể hiện “nhơn vi tối thắng”, được xem là câu kinh điển, người học Phật phải nằm lòng:

Sinh rằng giải cấu là duyên

Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.

Tin vào chủ nghĩa thiên mệnh sẽ đánh mất mình. Thấy được “Tu là cội phúc, tình là dây oan” là thấy được mình quyết định cho hướng đi của mình. Đức Phật dạy ta có thể làm chủ và thay đổi vận mệnh của mình bằng cách thay đổi các duyên, chuyển hóa các hạt giống xấu có trong tâm thành những hạt giống tốt, như thế sẽ làm đời sống của ta tốt đẹp hơn. Ta có thể tạo được duyên.

DSC 0232

Vấn đề “Tu là chuyển nghiệp”

Câu hỏi :Xin Thầy giải thích về khái niệm “Nghiệp” trong Phật giáo? Nghiệp tác động đến con người như thế nào? Thế nào là chuyển nghiệp? Nếu nghiệp đã được hình thành từ vô lượng kiếp, vậy thì con người có thể chuyển nghiệp được hay không? Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý, nghiệp nào là quan trong  nhất ạ?

Trả lời: Nói đến nhân quả là nói đến tương tác của duyên. Nói đến Nghiệp là nói đến hệ quả đưa đến thiện – ác. Nghiệp là động lực chi phối kiếp sống con người trong cả 3 thời, quá khứ , hiện tại và vị lai. Cuộc sống hiện tại là quả của quá khứ, nhưng đồng thời cũng là nhân cho tương lai. Nhân – quả, quả – nhân nối tiếp không dứt cho đến khi nào chưa giải thoát. Nghiệp là lời nói, hành động hay tư duy có tác ý của con người. Nghiệp quả sẽ tùy thuộc vào tâm lý và ý chí của con người tác động lên thân, khẩu, ý. Con người tạo thiện nghiệp sẽ sinh về thiện giới, tạo ác nghiệp nhận lấy ác quả. Nghiệp thì có thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Tuỳ thuộc vào hành vi, lời nói hay suy nghĩ với tác ý tốt xấu để dẫn đến những hoàn cảnh tốt, xấu trong đời này và những đời sau.

Trong ba nghiệp, thì ý nghiệp là quan trọng nhất. Ý  làm chủ, ý dẫn đầu, ý chi phối thân và khẩu nghiệp.

Theo Duy thức Tông thì: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân thức sẽ làm việc theo sự điều khiển của Ý thức. Kết quả tạo tác tốt hay xấu đều được mang về để trong (Kho chứa) “Tàng thức”.  Mạt na thức là thức dựa vào Tàng thức để hình thành nên cái “Tôi”. Chúng sinh tạo nghiệp (Nhân) tốt hay xấu dù ở đời này hay trải qua vô số kiếp thì đều được cất kỹ trong “Tàng thức” không bao giờ mất đi. Khi đủ duyên thì quả biểu hiện.

Quá trình tu hành chính là quá trình chuyển hóa nghiêp thức. Tức là, biết chọn lọc, chăm sóc những hạt giống tốt cho vào Tàng thức và loại trừ, triệt tiêu những hạt giống xấu, mang ra khỏi Tàng thức. Có thể chuyển những hạt giống phiền não, tập khí đó thành những hạt giống của yêu thương, trí tuệ… để cuộc sống hôm nay và ngày mai có được kết quả tốt đẹp hơn.

Vấn đề tín ngưỡng thờ cúng thần tài, thổ địa trong dân gian.

Câu hỏi: Thưa Thầy, việc thờ cúng thần tài, thổ địa gắn liền với đời sống của người dân từ lâu đời nay. Vậy mong Thầy cho biết, tục thờ thần tài, thổ địa có từ bao giờ và họ thờ thần tài, thổ địa để cầu điều gì? Một người Phật tử khi đã qui y Tam Bảo rồi thì có nên thờ thần tài, thổ địa hay không?

Trả lời: Tập tục thờ Thần đối với nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng đã có từ rất lâu đời. Nhất thần giáo tin rằng, có một vị thượng đế tạo ra muôn loài. Đa thần giáo thì tin rằng, trời, mây, non nước, sông, hồ cỏ cây, mỗi mỗi đều có vị thần cai quản. Dù Nhất thần hay Đa thần thì đều thuộc chủ nghĩa Hữu thần. Người Việt có khuynh hướng thiên về đa thần. Nhưng với người Việt, đây thuộc phạm trù tín ngưỡng dân gian chứ không phải là một tôn giáo. Người Việt không chỉ tin rằng mỗi cuộc đất, dòng sông đều có thần cai quản: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”, mà còn tin mỗi nghề nghiệp đều có một ông Tổ.

Thổ Công là vị Thần cai quản đất đai, nhân gian còn gọi là ông Địa. Theo quan niệm nhân gian, trong gia đình muốn được bình an và ruộng vườn muốn được sung túc thì thờ Thổ Công để phò hộ.

Còn Thần tài, theo tập tục dân gian cho rằng, vị Thần nầy đem lại tài lộc cho mọi người. Thông thường những nhà kinh doanh thương mại, người ta rất quý trọng thờ vị thần này. Đây là một tập quán tín vọng, xưa bày nay theo, cứ thế mà thờ.

Rải rác trong các kinh điển Phật giáo, đôi khi cũng đề cập đến các vị Quỷ Thần. Nhưng theo Phật giáo, Quỷ Thần cũng là một trong nhiều loài chúng sanh, vẫn còn nằm trong vòng luân hồi sinh tử. Quỷ thần không nằm trong đối tượng thờ cúng của người con Phật. Người Phật tử sau khi quy y Tam Bảo, trong nhà chỉ nên thiết lập bàn thờ Phật , Bồ tát (gốc rễ tâm linh) và thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà thôi (cội nguồn huyết thống). Không nên thờ bất cứ một vị thần nào khác. Giáo Pháp của Phật là giáo pháp đưa ta lên con đường giải thoát, giúp ta xoá tan bóng mây đen tối vô minh, đưa ta đến tỉnh thức, để tự thân mỗi chúng ta có được một cuộc sống thật sự an lành và hạnh phúc. Do đó, đối tượng chính của Phật tử là thờ Phật, Pháp, Tăng, quay về nương tựa Tam Bảo. Giáo pháp của Phật chính là con đường duy nhất giúp chúng ta giải thoát khỏi khổ đau.

DSC 0247

Vấn đề thờ, cúng tổ tiên ông bà trong gia đình.

Câu hỏi 1: Thưa Thầy, những người thân như ông bà, cha mẹ đã qua đời, mình có thể thờ cúng nhiều nơi được không? Chẳng hạn trong gia đình có nhiều con cái anh em đều muốn thờ, như vậy có trái phép tắc gì không? Và việc thờ, ta có thể đặt các di ảnh cùng trên một bàn thờ hay không? Hay phải lập nhiều bàn thờ và cách sắp xếp di ảnh như thế nào?

Trả lời: Thờ cúng ông bà, tổ tiên là nét đẹp truyền thống, là văn minh tâm linh cao cả, là bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Chúng ta phải thấy rằng, ta có mặt là nhờ cha mẹ, cha mẹ có mặt là nhờ có ông nội bà nội, ông nội bà nội có mặt là nhờ có ông cố bà cố…Như vậy, trong ta có sự hiện diện của cha mẹ, ông bà nội ngoại…có mặt của cả một dòng họ tổ tiên từ nhiều đời. Việc thờ cúng tổ tiên là thể hiện đạo lý làm người, thể hiện lòng tri ân đối với đấng sinh thành và tiên tổ của mình. Khi thắp một nén hương dâng lên tiên tổ, thì chúng ta đang nối lại được mối liên hệ với Tổ tiên của mình và thấy được rằng mình chính là sự tiếp nối của cha mẹ, tổ tiên và họ luôn có mặt trong ta. Do đó, việc thờ cúng tổ tiên thì ai cũng có thể thờ cúng được.

Mỗi người con Phật đều thờ Phật. Đây là “quê hương tâm linh” của mình. Mỗi người ai cũng có thể (nếu không muốn nói là phải) thờ tiên tổ, ông bà. Đây là “quê hương huyết thống” của mình.

Xưa nay, người ta hay thờ bốn năm di ảnh thì có bốn năm lư hương. Quan niệm này không đúng lắm. Bát hương không khác bình hoa, đĩa trái cây hay ngọn nến. Nó tượng trưng cho lòng thơm thảo. Nó bày tỏ tấm lòng tri ân của mình đối với tiên tổ.  Việc thờ cúng xuất phát từ tấm lòng ở bên trong, không phải cái đặt để bên ngoài. Một nén hương, một tấm lòng nguyện dâng lên tất cả tiên tổ của mình. Vì vậy, mỗi bàn thờ tổ tiên trong gia đình chỉ nên thờ một bát hương.

Câu hỏi 2: Hiện nay con đang ở Mỹ, ba con mất đã lâu (mất năm 1999) và ảnh của ba con thì thờ ở chùa Quang Minh. Mỗi năm, đến ngày kỵ giỗ, chúng con tựu về nhà má con để cúng, còn ở Việt Nam em con cúng giỗ có thỉnh thầy đến nhà tụng kinh, nhưng không có đến chùa cúng giỗ nơi thờ hương linh. Vậy, xin hỏi gia đình con cúng như vậy có đúng không? Kính mong Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con?

Trả lời: Trong xã hội phong kiến Nho giáo, người con cả mới được thờ cúng cha mẹ, tổ tiên. Việc thờ cúng được tập trung về một nơi. Ở đó cả anh, em họ hàng đều tựu về. Điều đó, muốn nói rằng tất cả chúng ta có cùng một cha mẹ, ông bà, có quan hệ huyết thống với nhau trong cùng một dòng họ…Đây chính là thể hiện tinh thần đoàn kết anh em, đó là một nghĩa cử cao đẹp.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, vì cuộc sống mưu sinh, những người thân trong gia đình mình, kẻ Bắc người Nam, kẻ ở trong nước, người ở ngoài nước. Dù chúng ta xa quê, nhưng chúng ta vẫn không xa rời tiên tổ ông bà của mình. Cái giây phút mình thờ cúng, tưởng nhớ thì giây phút đó ông bà của mình có mặt, vì ông bà luôn có mặt trong ta. Tâm thức vượt thoát không gian và thời gian, không bị hạn định bối cảnh như ta nghĩ. Hễ có niềm tin là ông bà có mặt.

Còn về vấn đề đưa di ảnh của người mất đến chùa, ý tứ là, những người thân trong gia đình muốn người quá cố được về nương  nhờ Tam Bảo, được nghe kinh, sớm tỉnh thức và siêu thoát. Nhưng nếu ta không có điều kiện đến chùa để cúng, thì ta có thể cúng ở nhà để tưởng nhớ người thân của mình. Việc này không có gì sai cả.

 

Một số hình ảnh:

DSC 0220

DDD 0292 

DSC 0238

DSC 0211

DDD 0281

DDD 0288

DDD 0310

DDD 0313

DSC 0249

 

Bài: Trung Nhã lượt ghi, ảnh: Trung Pháp

Tin Tức Liên Quan