Pháp Thoại “Bốn Lậu Hoặc” tại Chùa Vĩnh Phước!

12/08/2018 4:04
Sáng ngày 29/6/ Mậu Tuất, sau buổi bố tát định kỳ Ban chức sự trường hạ ni Vĩnh Phước đã thỉnh Thượng toạ Thích Trí Chơn, Trưởng ban Tổ chức Khoá An cư PL. Quận 12 chia sẻ pháp thoại.

Thầy nói, vừa từ trên xe bước xuống lề đường để vào Chùa Vĩnh Phước, bước ngang cái cống chứa đầy rác bẩn, mùi hôi bốc lên. Câu hỏi đặt ra cho thầy là “rồi chúng nó trôi đi đâu”. Tất cả những thứ rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp, rác y tế . . . đều đổ ra các mương, cống, rồi tiếp đổ ra sông, ra biển gây ô nhiễm môi trường nước làm cho cá chết hàng loạt. Nhưng đừng nghĩ rằng, những thứ nhơ bẩn ấy chỉ trôi chảy, rỉ rả nơi cống, rảnh, ao, hồ ... Ngay nơi tấm thân này, còn tiết ra bao cáu bẩn, bợn nhơ. Nhìn những dơ bẩn bên ngoài để quán chiếu thân mình, mỗi ngày bài tiết ra không biết bao cấu uế từ trong cơ thể. Sự rỉ chảy qua đường như mắt gọi là,  ghèn, qua tai gọi là ráy, qua các lỗ chân lông gọi là mồ hôi, rồi mũi, lưỡi, răng … Thân là thế mà tâm cũng thế.

Sự rỉ chảy những cấu uế đó kinh văn gọi là “Lậu”. Có bốn lậu:

16

Thứ nhất là “Dục lậu”: là uế nhiễm phát khởi do tham dục, cụ thể hơn là ngũ dục tài, sắc, danh, thực, thuỳ, mà căn bản dục vẫn là sắc ái. Sự luyến ái thế gian đưa con người vào sinh tử luân hồi. Giới đầu trong năm giới của Phật tử tại gia là không giết hại chúng sinh nhưng giới đầu của hàng xuất sĩ là giới đoạn ái: Sông ái dài muôn dặm, bể mê sóng vạn tầm (Ái hà thiên xích lãng/ Khổ ải vạn trùng ba)

Hành giả bước lên dòng Thánh là phải dứt bỏ ái dục. Ái nhiễm  thông qua sáu căn của mình. Nhìn bông hoa chỉ là bông hoa, không cần chia chẻ, phân tích, chỉ là nhận diện đơn thuần “nó như là”. Đây là niệm của bậc Thánh. Nhìn một bông hoa bắt đầu phân tích, chia chẻ, rồi khởi tâm phân biệt xấu đẹp, thích, ghét ... đó là niệm của chúng sinh. Từ đó ái dục, tham đắm khởi lên dẫn đến đau khổ.

23

Thứ hai là “Hữu lậu”: Lậu là phiền não, uế nhiễm, cấu bẩn; hữu là tham, là muốn được thừa nhận, muốn được hiện hữu. Tất cả các hiện tượng của thế gian đêu tuân theo bốn quy luật: sinh, trụ, dị, diệt; hữu tình chúng sinh thì sinh, già, bệnh, chết. Trịnh Nhạc sĩ đã có lần thốt lên:

Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ

Tôi là ai mà còn trần gian thế

Tôi là ai, là ai, là ai?

Mà yêu quá cuộc đời này.

Dấu lệ là khổ đau, luyến ái; trần là bụi bặm, gian là cuộc đời, trần gian là cõi bụi bặm.

Biết là đang sống trong cõi bụi bặm, với những dấu ấn đầy nước mắt, biết là  khổ, biết là đau, là luân hồi nhưng mình vẫn “yêu quá cuộc đời này”. Đó chính là hưu lậu.

45

Thứ ba là “Kiến lậu”. Kiến là thấy, là quan điểm, học thuyết, tư tưởng, chủ thuyết của một người, một tập thể. Trong thời Đức Thế Tôn sống trong một xã hội có rất nhiều tôn giáo, cụ thể có 62 tà thuyết của ngoại đạo. Với những câu hỏi như: tôi thường hay không thường, thế gian là hữu hạn hay vô hạn, Đức Thế Tôn tồn tại hay không tồn tại sau khi chết… Đôi khi chúng ta lại chấp chặt quan điểm, định kiến tạo theo quan điểm của mình. Vì bảo vệ cái thấy của mình nên không chấp nhận bất cứ một điều gì từ người khác. Tự cho quan điểm của mình là chân lý, quan điểm của mình là đúng, cái kia là sai, là xấu cái . . . để rồi luận tranh, đấu tranh, khẩu tranh, từ đó tranh chấp dẫn đến phiền não khởi lên. Nếu vẫn hơn thua với đúng - sai, phải - trái thì chúng ta vẫn còn trong tình trạng đối đãi, nhị nguyên thì vẫn mãi khổ đau. Đức Thế Tôn chưa bao giờ phản bác bất cứ một quan điểm chủ thuyết nào. Tron kinh “Chân Đế” Đức Phật có nói: kẻ nào còn ôm ấp tư kiến hay chủ thuyết nào đó và bám víu vào nó, từ đó khởi lên ý niệm “hơn”, “thua” hoặc “bằng”. Đây là căn nguyên khổ đau. Hãy tôn trọng tư tưởng khác biệt … mỗi tư tưởng giúp con người hoàn thiện hơn. Người ăn xoài đừng chê người thích chôm chôm, người thích  chôm chôm thì đừng chê người ăn sầu riêng. Mỗi loại đều có dưỡng tố và giá trị riêng.

78

 

Năm xưa, những vị đệ tử lớn của Đức Phật như: Ca Diếp, Xá Lợi Phất… đều là những giáo chủ ngoại đạo. Sau khi ngộ đạo, các Ngài xin qui y Thế Tôn nhưng Phật không nhận lời liền mà dạy lại rằng các ông chớ vội tin ta hãy thực tâp giáo pháp cho có kết quả rồi hãy tin. Giáo pháp của ta là đến để mà thấy, mà thực tập chứ đừng vì lời đồn.

Thứ tư là “Vô minh lậu”. Vô minh là thiếu ánh sáng trí tuệ, thiếu hiểu biết bản thân nên quờ quạng lấý giả làm chân, lấy khổ đau làm hạnh phúc. Vô minh lậu là căn nguyên dẫn đến sinh tử luân hồi. Đức Phật dạy :

“ Này các tỳ kheo ! Nỗi khổ một con lạc đà chở nặng chưa phải là khổ….mà nỗi khổ chính là không nhận được bốn chân lý mầu nhiệm, thánh đạo tám ngành”.

Như Lai Thế Tôn là người thấy được khổ, nguyên nhân khổ, sự dứt trừ khổ và con đường đưa đến dứt trừ khổ. Người có tu tập,  nhìn vào cái khổ sẽ thấy được nguyên nhân cái khổ, thấy được hạnh phúc và con đường dẫn đến hạnh phúc. Hãy nhìn sâu vào khổ đau để chuyển hoá, giải quyết khổ đau. Khi đạp gai thì hãy  nhìn thẳng vào cây gai mà nhổ, đừng tìm nguyên nhân chỗ khác.

Thiền định là con đường nhiệm mầu đưa đến tịnh hoá thân tâm, dứt trừ các khổ.

Hãy sống có chánh niệm, hãy công phu thiền định sẽ gột trừ được các lậu hoặc, chấm dứt khổ đau.

910

Quảng thức, Minh Trí

Tin Tức Liên Quan