Những tháng ngày kỷ niệm “cho nhau một tấm lòng”

24/04/2024 11:09
Cuộc sống nên chăng “cho nhau một tấm lòng” để làm hành trang khích lệ, động viên nhau đi trọn kiếp nhân sinh!

    Trở về với Tu viện Khánh An trong những ngày đầu tháng 3/ 2024, tham học Khóa đào tạo “Người dẫn chương trình Phật giáo” , con thật sự cảm nhận được không gian bình yên đạo vị của nhà thiền. Cách xa thành phố Hồ Chí Minh hơn 16 km, gác lại những hào nhoáng, rộn ràng của nếp sống đô thị bên ngoài cổng Tam quan, Khánh An tĩnh lặng với những vòm cây xanh ngát, với tiếng chim hót trong nắng sớm và làn gió dịu êm trong buổi chiều tà, đem lại cho mọi người cảm giác thanh nhàn, tự tại.

    Buổi sáng, vài chiếc áo nâu thong dong qua lại, từng ngọn chổi xạc xào cuốn theo những chiếc lá vàng ngủ muộn; từng bước chân học viên nhẹ nhàng vào tu viện, nắng xuyên qua kẽ lá, từng tia nắng đọng lại trên thềm, trên những bàn tay đang cần mẫn xếp từng chiếc bánh, ly nước, tận tâm phục vụ quý thầy cô học viên giữa giờ giải lao sáng - chiều. Nắng đọng lại trên gương mặt hòa thành dòng mồ hôi thấm đậm nghĩa tình của chư tôn đức Ban điều hành, hết lòng chăm lo từng bữa ăn trưa phong phú đầy sắc hương thiền, đạo vị.

    Quả thực, có đi qua, có bước vào, mới thấu cảm được thế nào là sự chân thật giữa cuộc đời huyễn ảo. Đó là sự bình dị, mộc mạc chân phương của người Tu sĩ trong thời hiện đại công nghệ 4.0.

    Mười hai ngày thứ 7 diễn ra tiếp nối trong 12 tuần, những bài giảng sinh động đầy trải nghiệm từ các thầy cô giảng viên, quý Tôn đức giáo phẩm đã bổ sung rất nhiều kiến thức cho người học Dẫn chương trình Phật giáo, một ngành MC vốn dĩ đặc thù trong các Lễ hội tôn giáo. Những bài học về kỹ năng cần có của một MC trên lễ đường, các hội nghị; những từ ngữ Phật giáo được sử dụng sao cho phù hợp, cách giới thiệu chức danh chư Tôn đức Giáo phẩm như thế nào v.v., đều được quý Tôn đức, quý thầy cô giảng viên tận tình sẻ chia, hướng dẫn.


    Cổ nhân có câu: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” , những ngày học ở đây, con nhận được nhiều bài học đáng quý, không chỉ là học kỹ năng MC mà còn học về đạo lý tôi luyện phẩm chất của một người dẫn chương trình Phật giáo. Một MC phải luôn hàm dưỡng các đức tính: yêu mến nghề, tận tâm, chu đáo, có tinh thần trách nhiệm, và luôn khiêm cung cầu thị.

   … Mười hai ngày, 24 bốn buổi học đã qua, như tiếng chuông ngân cũng đến hồi lặng dứt, khóa học Người dẫn chương trình Phật giáo dần khép lại, còn đây trong mỗi học viên là những tình cảm khác nhau theo cảm nhận. Nhưng chắc hẳn rằng không ai có thể quên sự thân thiện hài hòa của MC Quốc Bình, nụ cười đằm thắm, duyên dáng của MC Phương Thảo; sự tinh tế dịu dàng của giảng viên Minh Hương, kinh nghiệm dày dặn 50 năm của cựu Phát thanh viên truyền hình, cô Khải Hoàn v.v., đã đem lại không khí sinh động phấn khởi cho học viên nhưng cũng không kém phần căng thẳng (khi được gọi trả bài ứng dụng thực hành).

    Tất cả rồi sẽ theo dòng thời gian đi qua, tất cả chỉ còn lại là hồi ức! Song, giữa những dòng hồi ức miên man vô tận, đây sẽ là dòng hồi ức đẹp chẳng xói mòn theo cát bụi cuộc đời. Và mai đây trên vạn dặm hành trình tự lợi lợi tha trở về nguồn, những người học trò lớp MC 2024 tại Khánh An năm nào sẽ luôn nhớ mãi chiếc áo nâu bạc màu, hình dáng Thầy chủ nhiệm (Thích Trí Chơn), giữa trưa nắng gắt lặng lẽ dạo quanh thiền đường, xếp từng đôi dép học viên vào chỗ mát; khẽ khàng nhắc nhở và cảm ơn quý chư Ni Ban Điều hành chăm lo từng bữa ăn chu đáo cho học viên; và dù Phật sự đa đoan, Thầy vẫn dành thời gian lên lớp giờ chính quy hoặc sẵn sàng điền vào chỗ trống khi giảng viên vắng mặt. Từng ngày, mỗi học viên được tiếp thêm nguồn năng lượng từ Thầy để dưỡng nuôi tâm chí, để vững tin đứng trước mọi người, vận dụng ngôn từ làm đẹp cửa Từ bi. Từ nguồn năng lượng ấy, con nhận thấy khóa học này vô cùng bổ ích, giúp con thêm kiến thức, sự hiểu biết sâu sắc hơn về vai trò của một MC Phật giáo và càng trân quý hơn những phút giây ngắn ngủi tĩnh lặng “trở về với chính mình”.

    Từ 3 yếu tố quan trọng “năng lực, nội lực và đạo lực”, chúng con cảm nhận được vai trò, trách nhiệm của một MC. MC Phật giáo không chỉ là một MC đơn thuần, chỉ có trách nhiệm hoàn thành xong một chương trình mà còn là một Hoằng pháp viên chuyển tải những lời hay ý đẹp. MC Phật giáo không chỉ là người phát ngôn thông báo, kết nối chia sẻ các thông tin trong phạm vi hẹp mà còn là gương mặt đại diện Hoằng pháp lợi sinh. Khác với những chiếc áo dài diễm lệ, MC Phật giáo bình dị với chiếc áo màu nâu, màu lam, với dáng vẻ thong dong, tao nhã, ngôn từ chuẩn mực, lời dẫn khiêm cung, ngữ điệu hài hòa v.v., đó chính là bài pháp vi diệu thầm lặng đi vào lòng người. Điều đó cũng cho thấy, dù chương trình chính quy trong buổi Đại nghị, Đại lễ hay chỉ là trong nghi lễ thông thường bổn tự, MC Phật giáo luôn là người đại diện kết nối nhịp cầu chuyển lưu pháp Phật từ trái tim đến trái tim…


    Có thể nói tại Khóa học này, con may mắn được cơ duyên tốt đẹp, được vào dự học cùng quý thầy cô - Tăng Ni từ các nơi tụ hội. Một lần lại một lần, con thấy mình được trẻ hóa với những bài học đầy “tình người” qua chiếc Micro. Tại đây, con được nghe, được thấy, được tiếp nhận những nguồn năng lượng từ trường chân thật, được lắng nghe những lời truyền đạt chân tình, những kinh nghiệm thực tế từ quý Tôn đức, các giảng viên, từ Thầy, vị Trưởng ban tổ chức “Người dẫn chương trình Phật giáo”. Vì vậy, thâm tâm con luôn rất cảm niệm Thầy đã gia tâm tổ chức Khóa học này cho Tăng Ni thế hệ kế thừa. Và cũng vì niệm ơn ấy, con luôn cố gắng tham gia đầy đủ, chí ít không cô phụ tấm lòng Thầy đã cho chúng con cơ hội.

    Có thể là, chúng con không có được thiên phú để làm hậu duệ xuất sắc nhưng tin rằng những gì Thầy và quý Tôn đức đã truyền đạt trong khóa học này, mãi là bài học vô cùng quý giá cho chúng con trên con đường phụng sự “tri ân và báo ân”.

    Nhìn về phương diện tổng quan, khóa học này, Thầy và quý tôn đức Tăng Ni Ban Điều hành đã tận tâm chu đáo mọi điều. Thế mà buổi học sau cùng, Thầy còn ân cần hỏi học viên về điểm ưu và điểm khuyết của khóa học để Thầy rút kinh nghiệm! Lời hỏi ấy, khiến chúng con cảm thấy bùi ngùi xúc động. Con nghĩ rằng, bất kỳ một công trình, một dự án nào cũng sẽ có khiếm khuyết, nhưng xin Thầy hãy an lòng. Thầy và Ban điều hành đã vô cùng chu đáo, nếu có khiếm khuyết là thuộc về phần của chúng con chưa thực hành, chưa thực tu nghiêm túc như những gì Thầy mong đợi! Và cuối cùng, Thầy đã dạy cho chúng con bài học biết nói lời “cảm ơn”, cảm ơn đến tất cả học viên, cảm ơn quý Tôn đức cộng sự, cảm ơn đến những người đệ tử xuất gia, tại gia đã không nề hà khổ nhọc đồng hành với Thầy chung lo Phật sự, đưa đến thành công tốt đẹp.


    Thiết nghĩ, một bàn tay sẽ không tạo nên tiếng vỗ, các pháp đều không thể đơn duyên tựu thành, mọi người trên thế gian này đến với nhau từ nhiều mối nhân duyên, và các mối nhân duyên ấy theo nhau tạo thành sự được mất hơn thua, vinh nhục sang hèn, thành bại.

    Con nhớ lại, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để gió cuốn đi” . Thế thì, thưa Thầy! Thầy đã cho các học viên, cho chúng con “một tấm lòng” rất đẹp và đang được “gió cuốn đi” khắp mọi miền. Để rồi, từ ấy:

Giữa chốn phồn hoa đô hội

Người vội vàng cuộc sống mưu sinh

Nơi nào đó trăng vẫn cao và vẫn sáng

Soi đường người bước khỏi bóng vô minh.

    Dù ngôn từ hạn hẹp, con vẫn mong kính nguyện Thầy vững an trong ngôi nhà chánh pháp, lợi lạc hữu tình. Một lần nữa, con trân trọng cảm niệm Thầy, kính chúc chư Tôn đức Ban điều hành Khoá đào tạo Người Dẫn chương trình Phật giáo, năm 2024 một mùa An cư Giáp Thìn phước tuệ trang nghiêm, đạt thành sở nguyện.

Thích nữ Tắc Phú

Tin Tức Liên Quan