KHÓA TU “SỐNG TỈNH THỨC” LẦN THỨ 44

9/12/2019 4:37
Sáng 8/12/2019 (nhằm 13/11/Kỷ Hợi), khóa tu “Sống tỉnh thức” lần thứ 44 đã diễn tại Tu viện Khánh An với hơn 1,000 hành giả tham dự.

Như thường lệ, các hành giả đã vân tập về Tu viện khá sớm để bắt đầu thời khóa thiền hành. Từng đoàn người nối tiếp nhau trong ánh nắng ban mai dưới sự hướng dẫn của Thầy Viện chủ, chậm rãi mỗi bước chân quanh Hồ chuyển hóa. Sau khi thiền hành một vòng khuôn viên bổn viện, các hành giả hướng về “Pháp đường chánh niệm” và “Pháp đường Thấy & Biết” để ôn tụng năm giới của Phật tử tại gia.


Trong khóa tu tháng này, nhận được lời mời của Thầy Viện chủ và Tăng thân Tu viện, Thầy Minh Niệm đã có mặt nơi đây với quý hành giả và ban những lời pháp nhũ quý báu. Trước khi vào bài giảng, Thầy đã dành 15 phút đầu để hướng dẫn đại chúng thiền tọa quán chiếu đề mục hơi thở.


Qua câu chuyện Tổ Huệ Khả cầu “pháp an tâm” với Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Thầy nói rằng hầu hết tất cả chúng ta đều nhận cái suy nghĩ phân biệt lăng xăng là tâm của mình, chính cái tâm mong cầu là thứ luôn làm cho con người bất an. Nếu ta ý thức được những gì đang xảy ra thường trực trong tâm thì sẽ phát hiện tâm mong cầu dễ dàng. Tổ Bồ Đề Đạt Ma muốn người cầu pháp hãy quay về bên trong để điều phục tâm mình. Khi phiền não khống chế, trí tuệ mê mờ thì tâm tư không sáng suốt, không tìm ra được vấn đề cần giải quyết.  Rõ ràng pháp an tâm của Ngài Bồ Đề Đạt Ma có nhưng cũng như không có, Ngài Huệ Khả chỉ cần xoay ánh sáng trí tuệ soi rọi xem cái tâm bất an ấy thế nào thì ngay tức khắc nó biến mất. Cũng vậy, thiền là tiếp xúc với đối tượng đang hiện hữu trước mặt ta. Việc tiếp xúc ấy là con đường thoát khổ, dừng lại tất cả việc tìm tòi những phân biệt, vọng tưởng, u mê, mà thay vào đó là làm cho tâm ta bừng sáng, quay về với hiện tại như đang ngắm nhìn đóa hoa tươi thắm nở trước mặt, lắng nghe tiếng chim hót, tay nâng niu chén trà ấm nóng với những cảm xúc chân thật nhất.

Phần lớn đại đa số chúng ta đau khổ không phải vì tương lai, cũng không phải vì giây phút hiện tại mà ta đau khổ, bất an vì quá khứ, vì những điều đã xảy ra. Vì tâm ta luôn tưởng nhớ, kết nối với quá khứ nên mới có sự bất an ấy. Năm năm tháng tháng cứ nối tiếp nhau dài đằng đẵng, những chuyện tưởng chừng như đã say giấc thì bỗng nhiên trỗi dậy, có người tự hào vì quá khứ, cũng có người ôm mối uất hận không biết tâm sự cùng ai. Mỗi người một câu chuyện, chẳng ai giống ai, và quá khứ đó dù tốt đẹp, hạnh phúc hay buồn bã, âu sầu cũng là một đoạn đời chẳng thể chối bỏ. Quá khứ là một kẻ lì lợm, luôn bám riết lấy ta, chỉ chực phá hoại đi tất cả những điều ta cố công vun đắp. Vì thế, hãy để thời gian phủ bụi những giấc mơ cũ, ký ức cũ, những điều không đẹp ấy mà lãng quên hướng về một tương lai tươi sáng. Đừng để tâm vọng tưởng, chạy theo những cảm xúc mộng mị mà hãy thực tập hình thành thói quen điều phục tâm quay về với hiện tại và an trú trong sự chánh niệm, khi ấy Niết Bàn đã hiển hiện ngay nơi tâm ta.


Hãy xem việc an tâm là điều quan trọng hàng đầu. Đã là con người thì ai cũng phải có yếu tố dục, thắng giải nhưng cũng chính nhờ những thứ ấy mà ta mới chế tác ra được năng lượng bình an. Trong phương pháp thiền Vipassana thì quán tâm là bài học quan trọng hơn hết, an trú nơi hơi thở, quan sát nơi phiền não đang sinh khởi, biết rõ những gì đang xảy ra trong tâm dù là an hay bất an. Chính vì ta luôn có sẵn những điều kiện tổn thương nên ta dễ đau khổ. Ta đau khổ vì ta quá kỳ vọng, đặt quá nhiều niềm tin vào bản thân hay người thương, tự tay ta đặt họ vào một cái đích đến quá lớn lao trong khi điểm xuất phát thì vẫn như những người khác. Dục vọng và ham muốn của chúng ta thì vô cùng nhiều, nhiều không kể hết, ai cũng truy cầu cuộc sống cao sang, mong muốn bản thân có mọi thứ, đạt được mục tiêu của mình. Nếu đạt được cái mục tiêu “ảo” mà ta đặt ra rồi thì nhất thời cảm thấy vui vẻ, ngược lại nếu không đạt được thì thống khổ cả đời. Vì thế hãy thực tập dùng tình thương một cách trong sáng nhất, chuyển những kỳ vọng ấy thành ước mơ mà cố gắng phấn đấu thực hiện, không cho tham dục khởi lên mà chỉ hỗ trợ cho người ta thương tốt hơn từng ngày.

Chúng ta cũng cần hiểu rõ rằng vạn vật ở kiếp sống nhân sinh này đều thuận theo quy luật vô thường của cõi nhân gian, đến rồi sẽ đi. Vì thế mọi sự đấu đá tranh giành lẫn nhau rồi cũng chỉ còn là những phù phiếm, xa hoa. Tin vào sự thật ấy thì lòng sẽ bình yên hơn. Đã là chúng sinh thì ai cũng có tâm mong cầu, điều đó không phải là sự xấu xa mà quan trọng hơn hết là chính ta phải hiểu rõ và có sự phân biệt đúng sai mà đừng làm những hành động trái lương tâm.


Ở một khía cạnh khác, ta hãy quay về tâm để thấy rõ phiền não, chính sự quan sát ấy sẽ hình thành thói quen, theo thời gian dần dần phiền não sẽ bị bào mòn

Hãy gọi đúng tên tôi
Giữa cuồng điên mộng tưởng
Dù chưa biết ra sao
Vẫn quay đầu tìm hướng.

Đức Phật chỉ là người tìm ra phương pháp, con đường để chúng ta bước đi chứ Ngài không thể mang cái gọi là hạnh phúc, bình yên đến cho ta được. Vì thế mỗi người chúng ta hãy là hải đảo tự thân, cần xây dựng hệ thống ý thức vững mạnh để tự quyết định con đường riêng cho bản thân, tự mình nỗ lực tu tập tạo ra nguồn năng lượng an lạc, hạnh phúc cho chính mình. Đến khi nào ta có thể sống được với chính bản thân một cách trọn vẹn, ấy chính là lúc mà ta có thể sống an lành và tự tại với tất cả mọi người và mọi loài.

Trước khi kết thúc buổi pháp thoại, Thầy đã dành ra vài phút để trả lời những băn khoăn, khó khăn trong đời sống tu tập tại gia cho quý hành giả.

Buổi Pháp thoại của Thầy kết thúc viên mãn với niềm hoan hỷ của đại chúng.

Trung Pháp, Ngọc Ánh

Một số hình ảnh trong khoá tu:











Tin Tức Liên Quan