Bồ Tát Quán Thế Âm là
hình ảnh rất gần gũi với người Việt Nam. Hình ảnh vị Bồ Tát hiền hòa ở sân chùa
biểu tượng cho tình thương lớn, tâm từ bi vô lượng. Mỗi lần phiền muộn khổ đau,
mọi người hay nghĩ về Ngài nguyện cầu.
Chúng ta thường gặp hình ảnh
Phật tử phủ phục người cúi lạy, chắp đôi bàn tay hướng về Ngài, bày tỏ khổ đau,
tuyệt vọng, bế tắc, thậm chí có khi một vài giọt nước mắt rơi xuống để rũ bỏ muộn
phiền. Bồ Tát Quán Thế Âm chỉ nhìn, không nói, nhưng về đức tin, Phật tử cảm nhận
được Ngài có mặt ở trong mỗi người.
Bồ
Tát Quán Thế Âm hay còn gọi Bồ Tát Quán Tự Tại quen thuộc với Phật tử, người
yêu mến đạo Phật
ẢNH:
TU VIỆN KHÁNH AN
Quán, tức là sự quan sát,
tìm hiểu để biết rõ ràng. Thế là thế gian, cuộc đời, cuộc sống trong nhân gian.
Âm là âm thanh, là tiếng kêu cứu, thỉnh cầu của những chúng sinh đang đau khổ.
Quán Thế Âm Bồ Tát là vị Bồ Tát luôn quan sát, lắng nghe tiếng kêu cứu khổ của
chúng sinh trong nhân gian để đến cứu. Với lòng từ bi, vị tha Ngài cứu tất cả
chúng sanh, không phân biệt ai cả, giống như người mẹ luôn bảo vệ con của mình.
Và tinh thần từ bi, cứu khổ, cứu nạn ấy luôn được coi là hạnh nguyện đặc trưng
của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Người Việt thường tổ chức lễ vía Bồ Tát Quán Thế Âm vào 3 ngày: ngày 19.2 âm lịch là ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm đản sanh, ngày 19.6 là ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm thành đạo và ngày 19.9 là ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm xuất gia.
Tại sao phải học lắng
nghe?
Thượng tọa Thích Trí
Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo
TP.HCM, viện chủ tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM) cho biết, trong cuộc sống,
chúng ta thường thích nói hơn là lắng nghe.
Đứa trẻ dành 3 năm để tập
nói giỏi, nhưng con người học lắng nghe đôi khi là cả đời, im lặng là nghệ thuật,
lắng nghe cũng là nghệ thuật. "Chỉ có im lặng mới có bình an, thấu hiểu,
đó là lý do chúng ta học hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quán Thế Âm. Khi ai đó đang
bực dọc, phiền muộn hay cau có tức giận thì chúng ta cũng nên lắng nghe bằng tất
cả sự chú tâm, thành khẩn, đó là đang thực tập hạnh lắng nghe", thượng tọa
Thích Trí Chơn chia sẻ.
Hình ảnh vị Bồ Tát hiền hòa ở sân chùa biểu tượng cho tình thương lớn, tâm từ bi vô lượng
ẢNH:
VŨ PHƯỢNG
Mỗi người có tư duy, nhận
thức, hiểu biết về thế giới bên ngoài khác nhau, đó là cảm nhận riêng của mỗi
người, không ai giống ai. Do vậy, thượng tọa Trí Chơn khuyên rằng, đừng lấy cái
nhìn, cái nghe của mình áp đặt lên người khác. Những điều áp đặt này sẽ tạo
xung đột, xích mích.
Đức Phật đã dạy, thân ở
đâu thì tâm ở đó, mỗi người cần làm chủ được chính cảm xúc của mình. Khi nhìn
ai đó, dù là tốt hay xấu, chúng ta vẫn còn có thói quen phán xét, dù là ở trong
tâm. Phán xét xong có thể dẫn đến phản ứng và điều này làm sứt mẻ những mối
quan hệ mà mình xây dựng. Những vết thương do lời nói gây ra có thể không bao
giờ chữa lành được.
Thực tập được hạnh nguyện
lắng nghe của Quán Thế Âm Bồ Tát, tâm mỗi người sẽ thảnh thơi hơn, không tốn thời
gian phản ứng những điều không liên quan đến mình. Hiểu được điều này, mỗi người
sẽ sống vui sống khỏe, giảm trừ việc ác, nỗ lực làm việc lành.
Học mỉm cười trước những
lời khen chê
Viện chủ tu viện Khánh An
cho rằng, nếu ai lớn tiếng với mình, việc đầu tiên thay vì mình phản ứng lại,
chúng ta hãy lắng nghe với tất cả sự chú tâm, thành khẩn, không định kiến,
không phán xét, không phản ứng.
Thay vào đó, chúng ta chỉ cần ghi nhận sự có mặt của điều đang diễn ra, nhìn lại chính tâm của mình. Vị thượng tọa chia sẻ, những điều phản ứng nóng vội có thể gây ra đau khổ cho chính bản thân và người xung quanh. Do vậy, mỗi người hãy nhìn lại chính mình, lắng nghe, đừng phản ứng thái quá, không cần thiết để rồi đánh mất tình thương dành cho mình, gia đình.
Thực tập được hạnh nguyện lắng nghe của Quán Thế Âm Bồ Tát, tâm mỗi người sẽ thảnh thơi hơn
ẢNH: VŨ PHƯỢNG
"Lắng nghe thứ nhất
là nghe âm thanh ở bên ngoài, sau nữa là nghe chính thân, tâm của mình. Ngay
nơi đó có Phật, có Bồ Tát cho chính mình. Đừng vì vài câu khen mà sướng tới
mây, vài câu chê mà bực tức. Mỗi người đều tự chủ được thân, tâm của mình. Lắng
nghe chính mình là làm chủ lấy mình, chọn hạnh phúc cho chính mình. Biết mỉm cười
trước những khen chê là người trưởng thành, vững chãi, có bình an", thượng
tọa Thích Trí Chơn phân tích.
Muốn làm được như vậy,
trước hết, bản thân mỗi người cần nuôi ý chí, nỗ lực, nhẫn nại để luyện tập, tu
tập, huấn luyện tâm. Với mọi việc, chúng ta không bỏ cuộc, vững chãi ý chí thì
thành công sẽ đến. Chung quy lại, biết lắng nghe thì cuộc đời sẽ bớt khổ đau.
Vũ
Phượng
Tin Tức Liên Quan
- HƯƠNG XUÂN CÒN ĐƯỢM (19/02/2025 9:55)
- Hoa Lòng Nến Ngọc Dâng Thầy (13/02/2025 10:12)
- Tăng thân Khánh An viếng thăm chúc Tết đầu xuân Ất Tỵ ( 5/02/2025 11:28)
- Tiễn Cô! ( 5/02/2025 11:24)
- Có những cái Tết như thế ( 2/02/2025 9:51)
- Đền ân đáp nghĩa ( 2/02/2025 9:50)
- XUÂN VỀ TRÊN KHẮP MỌI NẺO ĐƯỜNG ( 2/02/2025 9:49)
- [HÌNH ẢNH] Hương sắc Xuân Ất Tỵ - 2025 tại Tu viện Khánh An ( 2/02/2025 9:46)
- THÂN CẬN THIỆN HỮU NHƯ VỤ LỘ TRUNG HÀNH ( 2/02/2025 9:43)
- Tăng thân tu viện Khánh An và Ban Giáo thọ khánh tuế Thầy ( 2/02/2025 9:34)