Buông bỏ quá khứ

14/01/2019 11:29
Không khí vào những ngày cuối năm Mậu Tuất càng nhộn nhịp và tất bật hơn cho những công việc chuẩn bị đón tết cổ truyền. Mọi người, mọi nhà đều lo trang hoàng dọn dẹp lại nhà cửa, làm mới mọi vật dụng trong gia đình, vứt bỏ những cái cũ, hy vọng năm mới mọi việc luôn gặp được may mắn tốt đẹp; nhưng có mấy ai nghĩ rằng mình phải làm mới tâm, vứt bỏ đi những phiền não đau buồn hay phải gở bỏ cái “bản ngã” đang đeo bám trên thân ta trong suốt nhiều năm qua.

Đối với người con Phật, mùa xuân này hãy khoác lên tâm bằng một chiếc áo mới như những gì mà chúng ta đã được nghe quý Thầy cũng như Thiền sư Minh Niệm đã có những lời chia sẻ quý báu trong bài Pháp thoại “Buông bỏ quá khứ để nắm chắc hiện tại” vào sáng ngày 13/1/2019 trong thời khóa của khóa tu Sống Tỉnh thức lần thứ 34. Đây là  khóa tu cuối của năm Mậu Tuất 2018 trước khi chuẩn bị bước sang năm Kỷ Hợi 2019; Thiền sư muốn nhắc nhỡ các hành giả rằng hãy quay về với chính mình đi, đừng rong rủi bôn ba tìm cầu những thứ ảo huyền mà ta cho là hạnh phúc từ những thứ vật chất - tiền tài, danh vọng - chúng chỉ là những bọt biển phù du vụt đến rồi vụt tan trong chớp mắt. Hãy chọn cho mình một niềm vui, an lạc và tự tại ngay trong mỗi phút giây hiện có. Sau giấc ngủ đêm dài để khi thức giấc được nhìn thấy trong bình minh những tia nắng ấm áp trên bầu trời xanh, được nghe tiếng chim hót trên cành đón chào ngày mới và được ngắm nhìn những cảnh vật bình dị xung quanh ta mà thiên nhiên đã ban tặng cho cuộc đời này, đôi khi ta đã không nghĩ đến.

“Giản đơn nhưng hạnh phúc” là cụm từ mà quý Thầy muốn chuyển tải thông điệp “Quá khứ đã đi qua; Tương lại thì chưa đến, chỉ có giây phút hiện tại” đến với mọi người, khuyên chúng ta hãy buông bỏ mong cầu, không mơ đến tương lai, không tìm về quá khứ, vì thực tại là mầu nhiệm luôn có mặt ở đây ngay nơi này; nơi có bầu trời xanh, nơi có những hàng dừa, nơi có ánh mắt của em thơ, nơi có những nụ cười của người thân, nơi có luống tía tô, rau húng, rau ngò xanh rờn… tất cả có trong giây phút trở về với thực tại.

Ôi! đẹp biết bao khi mỗi ngày ta được đón nhận năng lượng bình an, bỏ lại sau lưng những tỵ hiềm ích kỷ nhỏ nhoi mà hãy bước đi trong từng bước chân mầu nhiệm của cuộc đời này; chỉ khi nào ý thức trong tâm ta được soi rọi bởi ánh mặt trời tỏ rạng nơi phía đông thì khi đó ta biết cảm ơn đời đã cho tamột ngày mới đơm bông, cảm ơn đời đã cho ta những nghịch duyên để từ đó ta mới nhận ra tỉnh thức mà Sư Ông Làng Mai đã mượn những vần thơ để nói lên:

Thức dậy hôm nay em thấy trời xanh;

chắp tay em cảm ơn đời màu nhiệm.

Cho em hai mươi bốn giờ tinh khôi;

cho em bầu trời bao la.

Mặt trời lên cao, rừng cây ý thức.

Mặt trời lên cao. Rừng cây vươn nắng chan hoà.

DSC 7048

DSC 7126

Vì sao tác giả đã mượn hình ảnh “rừng cây ý thức”? vì rừng cây cũng có chánh niệm, rừng cây cũng có ý thức, rừng cây không có chạy rong rũi, không luyến tiếc quá khứ; Rừng cây chỉ biết đứng yên trong thực tại để đón nhận ánh mặt trời đang lên mỗi ngày như đón lấy những năng lượng bình an nuôi dưỡng cho thân … cho nên con người cũng vậy, cần phải đứng yên (Thiền định) dùng cảm giác của thân để đón nhận sự mầu nhiệm mà đất trời thiên nhiên ban tặng trong hai mươi bốn giờ tinh khôi.

Em đi ngang qua đồng hoa hướng dương,

hàng vạn bông hoa ngoảnh nhìn về phương Đông chói sáng;

Ý thức em mặt trời tỏ rạng,

bàn tay em gieo hạt cho mùa sang năm”.

Khi nói về hoa hướng dương mọi người biết rằng loài hoa luôn hướng về ánh mặt trời, vì sao? Vì hoa biết tìm cho mình một năng lượng để tự thân nuôi sống, tìm về những tia nắng ấm áp để khơi thông mạch nhựa cung cấp dinh dưởng để cho đời những sắc hoa tươi đẹp; Còn con người thì sao? Cứ mãi tìm về quá khứ, luôn cất giữ những luyến tiếc những buồn thương, cho nên “tôi buồn không biết vì sao tôi buồn?” là vậy đó.

 1

Thế gian thường hay nói rằng niềm vui thì chóng qua, nhưng nỗi buồn thường giữ mãi trong lòng. Đó là một sự thật, con người thường hay tiếc nuối những cuộc vui đã qua và muốn giữ mãi hạnh phúc nhưng lại không chịu gieo trồng phước đức, đến khi việc không may xảy đến, thì đau khổ, tuyệt vọng, để rồi chấp nhận cuộc đời đen tối mà không tìm ra lối thoát. Cuộc sống là nhịp gỏ của quả lắc đồng hồ thời gian theo vòng quay chu kỳ tuần hoàn được lặp đi lặp lại, có-được, sống-chết, thành-bại…; Con người phải biết rằng bản chất của các pháp là thành - trụ - hoại - không hay sinh - già - bệnh - chết nhưng có mấy ai sống an vui để chấp nhận điều đó mà chỉ muốn cố giữ cái hư huyễn, cứ mong cầu nghĩ rằng nó sẽ không bao giờ “hoại” cho nên không chịu buông bỏ. Tất cả mọi thứ đều chịu sự chi phối của vô thường, nên những điều mong muốn mà không được như ý sẽ làm cho chúng ta khổ. Sự sống có thể đem đến cho chúng ta nhiều an vui và hạnh phúc, song cũng có những lúc chúng ta bất an lo lắng, mệt mỏi và chán chường.

Cuộc sống hôm nay ta đang thọ nhận những quả tốt hay xấu trong hiện tại là do nhân tạo từ quá khứ và trở thành nhân-quả tương tục từ đời này sang kiếp khác theo nguyên lý duyên khởi “cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không”. Phật dạy: "Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, hãy sống trong giây phút hiện tại". Nếu ta quá ưu tư tiếc nuối về quá khứ, hay lo nghĩ mơ mộng về tương lai, để luôn hoang mang lo sợ thì chính ta sẽ đánh mất chính mình. 

DSC 7195

Trong trái tim của con người thường dành một góc riêng để cất giữ những kỷ niệm dấu yêu một thời để hoài niệm lúc tuổi về chiều có phải không các bạn? cho dù nó có đầy thương đau đi chăng nữa, thì vẫn cứ giữ lấy. Có phải chăng là ta đang tự ràng buộc mình, cột tâm thức mình vào một kiếp lai sinh, vậy là ta lại “được” một kiếp nữa trong cõi luân hồi.

Còn mơ tưởng về một tương lai xa vời thì không ai biết được kết quả sẽ được những gì, có câu nói: “Hạnh phúc không là điểm đến, mà hạnh phúc là hành trình đi đến điểm cuối”.

DSC 7120

Quả thực, con người đang bị lôi cuốn quá nhiều trong cuộc sống. Đối với các quốc gia văn minh, xã hội tiến bộ chừng nào thì dòng chảy mưu sinh càng mạnh chừng nấy: Vì ta phải lo “cày” để đáp ứng cho mọi nhu cầu thỏa mãn về vật chất. Ta cứ mãi chạy theo thời gian và tiền bạc, đôi lúc ta ta đã quên đi bản thân mình là ai? đang làm gì?..., đến khi giật mình nhìn lại thì than ôi “trên đầu đã già rồi”, lưng còng gối mõi mà Trịnh Công Sơn đã mượn những giai điệu sâu lắng để viết lên những nót nhạc đời “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt , rọi xuống trăm năm một cõi đi về…”

Thôi thì ta hãy an trụ lại tâm, đứng yên mà nhìn lại dòng đời đã trôi qua bao mùa xuân kể từ khi ta cất tiếng khóc chào đời; nhìn mọi việc xảy ra giống như một màn kịch sau ánh đèn sân khấu; vì thế chúng ta hãy đừng nhìn về quá khứ mà hãy cảm nhận “cái đang là”, nhìn vào thực tại vạn vật đang diễn ra ngay trong giây phút này nó đang như thế nào? để rồi ý thức bằng sự ăn năn sám hối, chuộc lại những sai lầm trước kia và nhìn lại những việc thiện, việc tốt đã làm mà để lòng mình thanh thản nhẹ nhàng hơn. Có hạnh phúc nào hơn khi được trở về với những câu hò quê hương, được bay cùng cánh cò trong câu hát mẹ ru, dịu ngọt trong lời ca dao

“Quê hương thân yêu ngát hồ sen thơm, quê hương hàng dừa ven sông,

ruộng đồng vươn vai cười theo bông lúa, ruộng đồng vươn vai cười mưa vui nắng trăm mùa.

Đất mẹ cho em hương quế, tần ô, tía tô, rau húng, rau ngò mầu nhiệm;

mai đây xanh tươi núi đồi quê hương, mai đây lộc đời lên nhanh,

ngọt lời ca dao trần gian vui hát, ngọt lời ca dao màu xanh đưa bước chân người”. (Thích Nhất Hạnh)

Nguyễn Hưng-Minh Trí

Tin Tức Liên Quan