Khóa thiền “NỀN TẢNG CỦA CHÁNH NIỆM” - Bài 2: Quán Thân (tiếp theo)

6/07/2019 6:31
Sáng 30/06/2019, buổi học thứ hai trong khoá thiền “Nền tảng của chánh niệm” được diễn ra tại Pháp đường Chánh Niệm. Buổi học hôm nay, Thầy Viện chủ tiếp tục dạy về Quán thân trong Kinh Tứ Niệm Xứ. Thực hành được phép quán niệm này hành giả sẽ ý thức được phút giây hiện tại nhiệm mầu, thấy được sự bình yên, thanh thản trong cuộc sống hiện tại.

Sau khi Sư cô Trinh Nghiêm đọc đoạn đầu của Kinh Tứ Niệm Xứ, Thầy dựa vào Kinh văn để phân tích về Quán thân.




Thứ nhất,  hành giả nên tìm không gian yên tĩnh thanh vắng. Thứ hai, tư thế ngồi, nên ngồi kiết già với lưng thẳng để niệm đề mục thiền trước mặt Như kinh dạy “Vị tỳ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước đề mục  quán niệm”.



Thứ ba, quán hơi thở. Có bốn phương pháp: quán hơi thở dài, biết dài; quán hơi thở ngắn, biết ngắn; cảm giác toàn hơi thở, rõ biết như vậy;  an tịnh toàn hơi thở rõ biết như vậy. Khi thở, đôi khi ta thở với hơi thở ngắn, đôi khi ta thở với hơi thở dài. Ta chỉ cần ghi nhận một cách rõ ràng về chiều dài của mỗi hơi thở vào ra trong từng sát na. Khi thở vào một hơi thở dài, ta biết ta đang thở vào một hơi thở dài. Khi thở ra một hơi thở dài, ta biết ta đang thở ra một hơi thở dài. Chỉ cần ý thức khách quan về điều đó một cách đúng như thật. Khi thở vào một hơi thở ngắn, ta biết ta đang thở vào một hơi thở ngắn. Khi thở ra một hơi thở ngắn, ta biết ta đang thở ra một hơi thở ngắn. Chỉ cần ý thức khách quan về điều đó một cách đúng như thật.

Thầy khuyên các hành giả không nên cố tình xây dựng hơi thở theo ý thức chủ quan của mình mà đơn giản chỉ là quán chiếu hơi thở tự nhiên vào, ra.

Cảm giác toàn hơi thở chính là cảm nhận hơi thở. Ý thức rõ trong hơi thở có đoạn đầu, đoạn giữa và giai đoạn kết hơi thở. 

An tịnh toàn hơi thở. Hơi thở ban đầu khi chúng ta quán chiếu được chỉ là hơi thở thô đến một lúc nào đó ta cảm thấy hơi thở trở nên mềm, mịn, vi tế.

Các hành giả sống quán thân trên nội thân, quán thân trên ngoại thân và quán thân cả trên nội thân và ngoại thân. “Quán thân trong nội thân"? Câu này có nghĩa là hành giả quán sát hay ghi nhận hơi thở vào và hơi thở ra của mình. Khi hành giả chú tâm trên hơi thở của mình thì được gọi là “quán thân trong nội thân”. Khi hành giả đã đạt được một số tiến bộ trong việc chú tâm vào hơi thở của chính mình, bỗng nhiên nghĩ đến hơi thở của người khác. Đó là ta đã "quán thân trên ngoại thân". Đôi khi ta quán sát hơi thở của chính mình rồi bỗng nhiên lại "nghĩ" đến hơi thở của người khác, xong lại trở về với hơi thở của mình, tiếp đó lại nghĩ đến hơi thở người khác... Đi đi lại lại giữa hơi thở của mình và hơi thở của người khác đó là "quán thân trong nội thân và thân trong ngoại thân"

Trong Kinh văn, Đức Phật đã dạy rằng, có ba yếu tố để định hình hơi thở. Đó là quán tính sinh khởi, quán tính đoạn diệt, quán tính sinh khởi và đoạn diệt. Đây là các yếu tố để hơi thở có mặt. Hơi thở sinh khởi là do thân, mũi và tâm thức của chúng ta. Hơi thở đoạn diệt là do một trong ba yếu tố trên bị đoạn trừ. Tính sinh khởi và đoạn diệt xảy ra ngay trong lúc chúng ta thực tập thiền quán. Khi vị hành giả đặt tâm vào hơi thở thì sinh khởi và khi ý thức không còn thì nó đoạn diệt. Khi thở một hơi thở vào, ta ý thức về hơi thở đang đi vào thân thể trong suốt quá trình thở vào. Ta ý thức hơi thở bắt đầu vào (sự sinh khởi của hơi thở vào). Ta ý thức hơi thở vào bắt đầu chấm dứt (sự hủy diệt của hơi thở vào). Khi thở một hơi thở ra, ta ý thức về hơi thở đang đi ra khỏi thân thể trong suốt quá trình thở ra. Ta ý thức hơi thở bắt đầu ra (sự sinh khởi của hơi thở ra). Ta ý thức hơi thở ra bắt đầu chấm dứt (sự hủy diệt của hơi thở ra).



Ta quán niệm “có hơi thở đây” và hơi thở chỉ là hơi thở. Không có ta đang thở. Tất cả chỉ là hơi thở và hơi thở ở nơi hơi thở. Với sự quán niệm như thế đủ để giúp ta phát khởi được ý thức về hơi thở, quán chiếu về sự vô thường của hơi thở không để bất kì các yếu tố ngã sở tác động đến tâm, khi ấy ta sẽ đoạn trừ được tham đắm, quán chiếu sâu sắc như thế là ta đang dần chạm tay đến Niết Bàn, giải thoát, lâu ngày trí tuệ phát sinh, đoạn trừ tất cả lậu hoặc, những sự dính mắc, vô ngã và ưu tư ở đời.

Kết thúc buổi học là 30 phút thực hành thiền quán và sau đó là khất thực, thọ trai trong chánh niệm. 



Lệ Ánh, Trung Pháp 

Một số hình ảnh ghi nhận được:









Tin Tức Liên Quan