Pháp thoại Chuyển Hóa Tam Độc tại chùa Linh Phước - Thủ Đức

12/03/2019 3:45
Chiều tối ngày mùng 5 tháng 2 năm Kỷ Hợi (tức 10/3/2019), nhận được lời mời từ Hòa thượng thích Thiện Minh, trụ trì chùa Linh Phước (Thủ Đức), thầy Trí Chơn đã có buổi chia sẻ pháp thoại với chủ đề “ Chuyển hóa ba nghiệp”.

Mở đầu thời pháp Thầy nói về lý vô thường trong cuộc đời. Tất cả những gì được sinh ra rồi cuối cùng nó cũng trở về bản tính sơ khai nhất của nó. Trong kiếp sống này không có cái gì vĩnh cửu, tất cả đều trong vòng “thành, trụ, hoại, diệt” của vũ trụ, có nghĩa là mỗi sự vật đều xuất hiện, có mặt một thời gian, biến đổi dần, rồi chấm dứt, hoặc là chết, hoặc là tan vỡ. Vạn vật đều vô thường  ai cũng biết nhưng không phải ai cũng ngộ lẽ ấy. Con người thường có xu hướng, cái gì thuận với mình thì mình hoan hỷ, còn không thuận thì lập tức giận dữ,  sân hận. Chính sự giận dữ đó giết chết niềm vui và lẽ sống của bản thân mình. Sự giận dữ đó chính là một trong các yếu tố cấu thành nên tam độc: tham, sân, si luôn ngự trị trong tâm của mỗi con người. Đây là những nguyên nhân gây ra bất hạnh và phiền não, ưu tư cho con người. Bất cứ ở đâu hay lúc nào, nếu tham, sân, si có mặt và ngự trị thì cuộc sống riêng hay chung đều trở nên xấu xa, đau khổ.

Tham chính là trạng thái tâm ham muốn, mong cầu, muốn chiếm hữu vật gì đó hoặc bằng cách này, hoặc bằng cách khác. Từ tham tiền đến tham tình, tham dục đến tham sắc, đến tham những điều rất nhỏ nhặt trong cuộc sống. Có người tham cao, có người tham thấp, có người tham ít, có kẻ tham nhiều. Nhưng tất cả tựu chung cũng vẫn là tham.

Sân là trạng thái nóng nảy, bực bội, tức tối. Do tham lam mà không toại nguyện, hoặc bị ngăn trở liền nổi sân. Một khi nổi sân thì mọi tội ác nào cũng dám làm, mọi khổ đau nào cũng dám tạo. Tất cả sự hung tợn, dữ dằn, ác độc đều do sân mà phát sanh.

Si là mê muội, không biết đúng lẽ thật giả, không nhận ra phải trái, không thấy được tà chánh, ngu tối mờ mịt, thiếu trí tuệ.

 

1

6

8

13

 

Tham, sân, si luôn có mặt trong mỗi chúng ta, tâm con người thường có xu hướng tham muốn được nhiều hơn người khác. Chỉ cần khởi tâm muốn vật gì đó thì khi ấy tâm tham đã sinh khởi nhưng nhờ có trí tuệ soi sáng, khi tam độc nhen nhóm trong tâm ta phải biết nhận diện chúng để chuyển hóa và dừng lại đúng lúc. Cỗ xe đưa chúng ta trên con đường tu tập chuyển hóa mọi khổ đau chính là từ, bi, hỷ, xả.

Tâm từ chính là tình thương vô điều kiện tới vạn loại chúng sinh từ chim muông thú rừng đến cả cỏ cây hoa lá. Bông hoa cũng biết vui, ngọn cỏ cũng biết buồn. Cho nên đem tâm từ rải đến mọi loài cũng chính là đem tâm an lành đó tưới tẩm  cho chính mình. Từ bi sẽ giúp cho trí tuệ sinh khởi, trí tuệ chính là hòn ngọc quí để đổi lấy của cải và sự nghiệp, là ngọn đuốc soi sáng cho chúng ta tránh khỏi lạc lối lầm đường. Dứt một phần phiền não, chúng ta được một phần an lạc, hoàn toàn sạch phiền não thì còn gì làm phiền lụy chúng ta. Sau khi mở sáng con mắt trí tuệ và dứt sạch phiền não, con người mới được an vui, tự tại.

Tâm bi là lòng trắc ẩn, biết chia sẻ nỗi buồn và đồng cảm với những đau khổ của mọi người. Bi là động lực làm cho tâm rung động trước sự đau khổ của kẻ khác. Đồng cảm để thấy rằng cuộc đời này rất cần sự sẻ chia “Sáng cho người niềm vui, chiều giúp người biết khổ”.

Tâm hỷ là khi thấy người khác thành công hay làm điều thiện chúng ta khởi tâm hoan hỷ, vui vẻ và cầu cho họ được bình an.

Xả là trạng thái của tâm, khiến cho giữa ta và toàn thể chúng sinh không còn sự riêng biệt, chia cách vạn vật, chúng sinh cùng với ta là đồng nhất thể. Ngoại cảnh, vũ trụ cùng vô lượng chúng sinh đã trở thành ta và ta đã trở thành chúng sinh và vũ trụ. Tứ vô lượng tâm là bốn trạng thái của tâm khiến ta thương tất cả, buồn cái buồn của chúng sinh, vui cái vui của tha nhân và mọi loài, từ đó, năng lượng từ bi sẽ tỏa ra nếu tình yêu thương của ta đủ lớn để cảm hóa được mọi người. Mỗi chúng ta đều có sẵn chất liệu của lòng từ. Vì thế, hãy rèn giũa tâm từ, yêu thương vạn vật từ cỏ cây hoa lá, từ những loài hữu tình đến những loài vô tình.

Muốn tu tập được từ, bi, hỷ, xả, Thầy dạy có một lối đi hữu hiệu nhất đó là hành thiền. Mỗi ngày dành vài chục phút quán chiếu mọi vật, lấy hơi thở làm đề mục quán sát, khi ấy chúng ta sẽ thấy được sự màu nhiệm của hơi thở, càng thực tập, ta càng thấy hơi thở trở nên êm dịu, và thân tâm trở nên thanh thản nhẹ nhàng, khi ấy ta biết được lẽ sống của Ðạo Phật, lấy giác ngộ làm gốc rễ, lấy giải thoát làm hoa trái, lấy từ bi và bình đẳng làm nhựa sống. Bốn tâm vô lượng này rất gần gũi với nhân loại văn minh. Bất cứ nền văn minh nào cũng đòi hỏi con người phải có đủ trí tuệ sáng suốt và trái tim đầy ắp tình thương vì chỉ có tình thương mới đủ sức mạnh làm vơi cạn đau khổ cho con người.

Buổi Pháp thoại khép lại trong niềm hoan hỷ vô biên của đại chúng.

Ngọc Ánh, Chơn Phúc

Một số hình ảnh ghi nhận

 2

 

3

4

5

7

10

12

11

Tin Tức Liên Quan