Cựu phát thanh viên, nhà báo Khải Hoàn giảng dạy với chủ đề: “Phát âm trong tiếng Việt và sửa các âm sai do cách nói vùng miền” – Khóa đào tạo Người dẫn chương trình Phật giáo

24/04/2024 10:43
Sáng ngày 20/4/2024, tại Pháp đường Chánh Niệm – Tu viện Khánh An (Quận 12), khóa đào tạo Người dẫn chương trình Phật giáo tiếp diễn những buổi học cuối cùng với bài giảng từ cựu phát thanh viên, nhà báo Khải Hoàn, chủ đề: “Phát âm trong tiếng Việt và sửa các âm sai do cách nói vùng miền”.

    Mở đầu buổi học, cựu phát thanh viên Khải Hoàn nhận định, người dẫn chương trình cần có cách biểu đạt để người nghe thích thú, chăm chú và ghi nhớ được nội dung. Theo đó, để phát âm tốt trong tiếng Việt, trước tiên nên tìm hiểu giọng nói chứa đựng những yếu tố và mang đặc điểm gì, từ đó vận dụng tối ưu giọng nói của mình.


    Khi khảo sát giọng nói trong tiếng Việt, ta khảo sát các yếu tố: (1) Chất giọng (âm sắc riêng); (2) Độ cao và thấp trong giọng nói: cho thấy ưu - nhược điểm của các tông giọng: cao, trung, trầm; (3) Khẩu ngữ địa phương; (4) Âm lượng: độ to và nhỏ trong giọng nói (sức khỏe của giọng nói).

    Cựu phát thanh viên Khải Hoàn chia sẻ đến học viên tham dự những kỹ năng đơn giản, hiệu quả để luyện tập giọng nói như sau:

    Bài tập 1 – Luyện tập hít thở sâu: Hít một hơi sâu và dài bằng mũi, miệng ngậm. Khi không hít vào được nữa, hãy ngưng trong 3 giây, sau đó từ từ thở ra bằng mũi và miệng rất chậm, rất nhẹ cho đến khi cảm thấy hơi thở sắp cạn thì lấy lại hơi thở bình thường, ổn định cơ thể và lặp lại quy trình thở nói trên.

    Trong lĩnh vực nói nói chung và đối với người dẫn chương trình nói riêng, khi nói cần nói rõ, nói đúng, nói thuyết phục và bảo tồn chất giọng bền bỉ theo thời gian. Cô Khải Hoàn nhắn nhủ đến toàn thể học viên cần có ý thức giữ gìn giọng nói, ngoài sức khỏe cơ thể thì sức khỏe giọng nói là điều kiện tiên quyết, đảm bảo có được sức khỏe tốt thì mới có thể truyền tải, thể hiện sâu sắc thông điệp, truyền tới người nghe trọn vẹn và bao quát nhất hồn cốt của nội dung.

    Bài tập 2 – Luyện cơ môi miệng: Luyện khẩu hình linh hoạt bằng dãy nguyên âm mở “a, o, ô, u, ư, i”. Bài tập này nhằm tránh xảy ra những tai nạn nhỏ như cắn môi, lưỡi, niêm mạc má; tránh nói liệu, nói láy, nói sai; luyện toàn bộ hệ thần kinh cơ mặt, môi, miệng, lưỡi để hoạt động nói diễn ra an toàn, dẻo dai, linh hoạt.

    Bài tập 3 – Luyện thở phụ âm môi: Thực tập bằng phát âm chữ “m”, đẩy mạnh hơi từ lồng ngực lên mũi. Đây là bài tập bổ trợ cho bài tập hít thở, giúp hơi dài, chắc, khỏe và có độ vang nhất định;

    Bài tập 4 – Luyện thanh bằng “ma, mư, mi”: Xướng như cách xướng các nốt nhạc.

    Tại đây, cựu phát thanh viên đặc biệt lưu ý, mỗi người cần lựa chọn một bài tập phù hợp với thể trạng và tính chất công việc của bản thân, không nên lạm dụng để có thể mang lại hiệu quả thiết thực nhất.


    Đến với tiết học sau, học viên được tìm hiểu nội dung về đặc trưng phát âm vùng miền. Buổi học diễn ra sôi nổi với phần phát biểu đọc một đoạn ngắn về tác phẩm văn học đến từ phía học viên tham dự.

    Buổi học sáng thứ 7 khép lại, chiều cùng ngày, lớp đào tạo Người dẫn chương trình Phật giáo tiếp tục diễn ra với buổi học đến từ TT. Thích Trí Chơn, trưởng Ban tổ chức.

Tin, ảnh: Khánh Ngân, Phúc Nguyên.


Một số hình ảnh ghi nhận khác trong buổi học:


Tin Tức Liên Quan