Thầy Trí Chơn chia sẻ trong Khóa huân tu và Bồi dưỡng nghiệp vụ văn phòng với chủ đề “Chất liệu để phụng sự Giáo hội”

29/11/2024 9:41
Chiều ngày 26/11/2024, trong khuôn khổ Khóa huân tu và Bồi dưỡng nghiệp vụ văn phòng dành cho chư Tôn đức Ban Thư ký và bộ phận Văn phòng thuộc Ban Trị sự Phật giáo 34 tỉnh, thành phố miền Trung và Nam diễn ra từ ngày 26 đến 29/11/2024 (nhằm ngày 26 – 29/10 năm Giáp Thìn), được tổ chức tại Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN - Thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM). Thầy Viện chủ đã có những chia sẻ tu tập trên bước đường phụng sự đạo pháp đến quý tôn đức là hành giả của khoá huân tu, chủ đề “Chất liệu để phụng sự Giáo hội”.

   Mở đầu, Thầy chia sẻ: ngoài xã hội, mỗi người có một nghề và cái nghề đó gắn liền với cuộc đời của họ tạo thành cái nghiệp, gọi là nghề nghiệp. Người tu sĩ không có nghề nghiệp, nhưng người tu sĩ có đạo nghiệp. Đạo nghiệp là cốt lõi, là trục vận hành của đạo Pháp. Và đạo Pháp nằm ở chính trong mỗi Tăng sĩ.


   Thầy chỉ ra mối quan hệ mật thiết được thể hiện trong Hiến chương GHPGVN, Điều 11, chương 3, Giáo hội quy định rất rõ: Nguyên tắc hoạt động của Giáo hội, đầu tiên là lấy đạo Pháp làm mục tiêu tối thượng. Thứ hai, Tăng Ni, cư sĩ Phật tử làm trung tâm. Và thứ ba, kính ngưỡng, phụng hành giáo pháp, giới luật và pháp luật của đạo Pháp.

   Thầy diễn giải: “Huân” là xông ướp, “tu” là hoàn thiện lấy mình. “Huân tu” là lấy giáo pháp xông ướp vào mình để hoàn thiện nhân cách của một người tu, trở thành một nhà hướng đạo tâm linh chuẩn mực để phụng sự cho Giáo hội. Thầy nhấn mạnh, Giới - Định - Tuệ chính là nền tảng. Hãy lấy giới luật làm nền tảng và lấy định tâm chuyên chú để trau dồi lấy mình, từ đó mà có được trí tuệ. Có như vậy thì mới đạt được thánh Đạo của Thế Tôn, không uổng phí một đời xuất gia.


   Thầy nói thêm, Giới - Định - Tuệ là thận trọng, chú tâm và tỉnh giác. Thận trọng là giữ thân khẩu của mình, chú tâm là đặt tâm vào một chỗ để giúp lắng tâm và tỉnh giác là thấy rõ được bản chất để xử lý công việc. Các bậc Tổ đức nuôi dưỡng đạo lực trong sáng ở tâm của mình, rồi từ đó mới nói đến chuyện phụng đạo. Thế nên, với một người ở thế gian, người có đạo đức gọi là có tác phong, còn với người tu được gọi là đạo phong. Phụng sự đạo Pháp trước hết phải toát ra được chất đạo từ ánh mắt, bước chân, lời nói và hành động của mình. Các bậc Tổ đức đã dạy dỗ như thế, và hôm nay chúng ta vẫn tiếp tục phải đi theo con đường đó.

   Cuối lời, Thầy nhắn nhủ, nói đến chất liệu để phụng sự thì đoàn kết, hòa hợp là giới luật, trưởng dưỡng đạo tâm là giáo pháp. Chỉ có giới luật, giáo pháp, trang nghiêm tự thân mình thì mới có khả năng trang nghiêm giáo hội. Chư hành giả khoá huân tu – những người phụng sự cho đạo Pháp, tôn thờ Tam Bảo, mỗi ngày cần tinh chuyên rèn luyện và trau dồi cho đạo tâm càng thêm sâu sắc. Hãy lấy đạo Pháp làm tối thượng, nương ánh sáng của chư Phật để được tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

Khánh Ngân


Một số hình ảnh ghi nhận khác:


Tin Tức Liên Quan