Những chuyến xe đời gây tai nạn tâm

22/06/2017 2:53
Như chúng ta biết, chuyến xe khách định mệnh đi từ Gia Lai vào Sài Gòn đã gặp nạn vào ngày 7/05/2017 khiến 13 người tử vong và hơn 30 người bị thương. Câu chuyện đau thương, gây chấn động này, ai nghe cũng bàng hoàng, đau sót. Ấy vậy mà có những người đã lợi dụng nỗi đau này để kiếm tiền không chút lương tri.

Sáng chủ nhật rồi, sau giờ hành trì, tôi tiếp một vị khách. Anh ta xưng pháp danh là “Tịnh Ý”, trạt tuổi 50, mặc chiếc quần đen và chiếc áo sọc xanh với bộ dạng thiểu não. Anh ta, than vãn, kể lể vụ tai nạn đó, mẹ anh ta là một trong số các nạn nhân nhưng may mắn hơn là không tử vong mà chỉ gãy cột sống, hiện giờ đang nằm Bệnh viện Đại học Y Dược điều trị. Tự nhận là “người trong cuộc”, anh ta “diễn khá sâu”, đến nỗi cả Thầy Viện chủ và huynh đệ chúng tôi đều tin là thật, và chút xíu nữa là lòng từ đặt sai chỗ.
Trước sự thành khẩn và quá … “hiếu kính” của anh ta, Thầy Viện Chủ dạy tôi trực tiếp đến bệnh viện thăm hỏi ân cần và gởi bao thơ đến nạn nhân. Ngoài bao thơ biếu người “gãy cột sống”, Thầy dạy mang theo một ít nữa để tặng các bệnh nhân xung quanh.
Tôi xin tên, số phòng, số giường của bệnh nhân, sau một lúc ngập ngừng rồi anh ta cũng ghi và gởi cho tôi. Nhưng hỡi ơi, khi đến nơi, tôi tìm đến số phòng, số giường thì không có người nào tên như vậy. Gặp được bác sĩ trực, tôi nêu câu chuyện và xin gặp bệnh nhân để thăm viếng. Sau một hồi xem sổ sách, bác sĩ nói không có bệnh nhân tên đó. Và khuyến cáo “Thầy bị lừa rồi đó”. Vẫn chưa nãn chí, tôi gọi điện thì anh ta nói đang ở quận 8 có việc quan trọng chưa vào bệnh viện được. Tôi gọi đôi lần nữa thì anh ta bảo hay mang qua quận 8 giúp anh ta. Tôi nói cần gặp bà cụ để thăm hỏi, động viên bà. Thế là anh ta tắt máy.
Sau một lúc khó chịu, tôi mỉm cười và hiểu thêm, ngoài tai nạn thân thể, còn có một tai nạn khác nữa mà anh chàng “Tịnh Ý” đang gặp phải. Cái tham lam kia đã làm mờ lương tri, đạo đức khiến anh ta đem cả an nguy tính mạng của cha mẹ mình để mà lừa lọc thiên hạ; lợi dụng tình thương nơi cửa thiền, nơi những nhà hảo tâm để gom góp tiền của nhằm mục đích hưởng thụ bất chính. Đó là những tai nạn của tâm, những ung nhọt của tham, sân, si làm con người ta mù loà tâm trí, què quặc lương tri.
Chúng ta, những người có tâm tốt, luôn sẵn lòng ban rãi tình thương, nhưng nếu thiếu tuệ, không khéo chính ta lại tiếp tay cho kẻ xấu. Cầm bao thơ 10 triệu trên tay, tôi giựt mình với suy nghĩ: nếu lòng từ hời hợt mà trao bao thơ này cho… con nghiện thì có phải chúng tôi đang tiếp tay cho các tội ác, gây đau khổ xã hội.
Ngay trong công việc thiện nguyện ta chỉ có thể giúp ngặt chứ sao giúp hết nghèo. Vì vậy, việc giúp người, ngoài phát tâm giúp vật chất ta cần phải chú trọng hơn đến việc giúp người kiến thức, văn hoá, lối sống .. . Quan trọng hơn là đem giáo pháp giúp họ thì sẽ lợi lạc hơn nhiều. Nếu giúp được kiến thức, người kia sẽ giàu có hơn về văn hoá, lối sống; nếu giúp được giáo pháp, người kia sẽ giàu có hơn về trí tuệ, biết được nhân quả, nghiệp báo luân hồi, lấy đó làm vốn sống, nhằm hoàn thiện bản thân, tốt cho đời này và cho cả mai sau.
Sau khi Đức Phật nhập diệt, tài sản mà Ngài để lại cho đệ tử của mình là giáo pháp. “Này các Tỳ kheo, ai thấy Pháp là người đó thấy Như Lai”. Điều đó muốn nói lên rằng chúng ta phải hành trì giáo pháp của Ngài. Cả cuộc đời Thế Tôn chỉ nói đến hai việc sự khổ và con đường diệt khổ mà thôi. 
Đứng trước những cái khó, khổ của cuộc đời ai cũng than thân trách phận. Nhưng kỳ thật, cái khổ nơi đời sống này chẳng hề hấng gì so với cái khổ vô minh. Trong nhãn quan Phật giáo, người nào không thấy được Bốn đế là khổ. Vì không thấy được nhân duyên, không thấy được duyên khởi nên ta hay chấp vào tự ngã, chấp vào ngã sở. Từ đó chỉ biết lo vơ vét của cải, vật chất bất chấp lương tri, đạo đức để nuôi thân.
Nhiệm vụ của chúng ta đối với những cái khổ trước mắt chúng ta phải làm gì? Khi khó khăn về vật chất ta có thể cho được. Còn khó khăn về tinh thần ta sẽ làm gì? Vật chất hay tinh thần đều quan trọng hết. Người con Phật luôn nuôi dưỡng tâm từ và biết động lòng trắc ẩn trước nỗi đau của tha nhân, từ đó chung tay góp sức, yểm trợ những mãnh đời bất hạnh. Giúp được một người đang trong lúc khó khăn thì ý nghĩa lắm chứ! Nhưng làm sao ta giúp đúng người, đúng việc mới là quan trọng. Lòng từ luôn sẵn có nhưng phải nhờ đến ánh tuệ soi đường thì việc làm ta có nghĩa.
Hãy cẩn với những việc thiện mà thiếu tâm bồ đề, thiếu ánh tuệ dẫn lối, vô hình trung ta dung dưỡng những tà tâm. Thỉnh thoảng, Khánh An vẫn có những người đến mong được yểm trợ vật chất vì bệnh, vì gia cảnh, vì lỡ đường … Thầy chúng tôi vẫn thường chỉ dạy của cho không bằng cách cho. Giúp một ai thì phải bày tỏ sự trân trọng, phải thầm cám ơn người đó đã cho ta cơ hội nuôi lớn tình thương bên trong. Đó là lý do mà mấy huynh đệ chúng tôi cất công đến tận bệnh viện để …. có được bài học sâu sắc này. Nếu sự hiến tặng, cúng dường không đúng cách, không thành tâm chúng ta cũng không  có phước. Nhiệm vụ được đặt ra cho xã hội là ta phải làm gì trước những thành phần bất hảo như thế để góp phần tạo nên xã hội văn minh tốt đẹp.
Quảng Thức

Tin Tức Liên Quan