Tháng Vu Lan - Tháng Của Tình Mẹ

18/08/2018 5:44
Thơ ca nhân loại khắp Đông Tây kim cổ đã nói rất nhiều về người mẹ. Nói mãi mà sao vẫn như chưa nói được gì. Vẫn luôn còn một cái gì đó về mẹ mà không sao ta nói cho hết được.
Con ơi giờ mẹ chân đi không vững

Nhấc không bước nổi...

Mẹ xin con nắm tay mẹ...

Dìu mẹ chậm thôi...

Như năm đó...

Mẹ dìu con đi những bước đầu đời....

Trái tim mẹ dành cho con là trái tim của một vị Bồ Tát dành cho chúng sanh. Ai mồ côi mẹ từ nhỏ đều là những người đáng thương, vì họ phải chịu những sự mất mát to lớn mà không có gì trên đời này có thể bù đắp được. Có lẽ mọi người phụ nữ sinh ra đời là để thực hiện thiên chức làm mẹ. Một người mẹ sẵn sàng đứng trước những hàm răng nhọn hoắt của loài thú dữ hoặc  trước những họng súng đen ngòm để bảo vệ cho con. Đó là tình mẫu tử. Tình thương yêu đó không hề biết đến sợ hãi. Đó là sự hy sinh phi thường của một tình yêu mênh mông thầm lặng, mà không hề mong chờ đến sự báo đáp, dù chỉ trong muôn một. Do đó, bất hiếu là một trong năm tội cực trọng, tương đương với tội làm thân Phật ra máu, phải đọa địa ngục.

Có kẻ du tử lang bạt kỳ hồ nào lại không cảm thấy hạnh phúc tràn trề, mỗi khi quay về mái nhà xưa, còn được cầm bàn tay nhăn nheo của mẹ già để hôn lên và rưng rưng nói lời chúc tụng. Hình ảnh của mẹ già tần tảo chốn quê xưa, với chiếc đèn dầu từng đêm treo bóng mẹ gầy lên vách, sẽ theo chân của những đứa con trôi nổi sông hồ, như một chiếc nôi êm, để ru họ giữa những giông bão cuộc đời. Có nỗi đau khổ nào lại không nguôi đi trongvòng tay gần guộc của mẹ?

Mùa Vu lan là mùa báo hiếu. Nguyên lai của lễ Vu Lan có thể tìm thấy trong truyền thuyết về Mục Kiền Liên, một trong mười đại đệ tử của Đức Phật, và trong kinh Phật Thuyết Vu Lan Bồn là được Ngài Đàm Vô Sấm (Dharmarakya, 239-316) dịch ra Hán văn cùng với kinh Pháp Hoa từ thờ Tây Tấn cuối thế kỷ thứ ba tây lịch. Kinh Vu Lan Bồn được phiên âm từ tiếng Phạn là Ullambana Sutra. Chữ Ullambana có gốc từ động từ ud-√lamb, nghĩa là "treo ngược lên". Thế nên Vu Lan Bồn có nghĩa là “Ngày hội cứu những oan hồn bị treo ngược”.

Câu chuyện Mục Kiền Liên vào địa ngục để cứu mẹ đã thể hiện lòng hiếu thảo của Ngài làm rung động cả chư Phật mười phương lại là điều rất bình dị và dễ hiểu đối với những người Việt còn mang nặng trong lòng nền đạo lý Á Đông.

Theo truyền thống, lễ Vu Lan được tổ chức vào ngày mười lăm tháng bảy âm lịch mỗi năm. Mục đích đầu tiên của lễ là cúng dường thức ăn cho các quỉ đói và cầu nguyện cho họ được siêu thăng tịnh độ. Vào ngày này, tại các chùa chiền, các tăng ni tập trung làm lễ, đọc kinh sớ...Lúc trước, trong dịp lễ Vu Lan người ta sau khi tụng kinh Vu Lan thường hay đọc bài Thỉnh Âm Hồn Văn hay Chiêu Hồn Ca. Bài chiêu hồn văn này chính là bài thơ danh tiếng Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du. Trong văn tế có đoạn rất cảm động, thể hiện tinh thần từ bi cứu độ chúng sanh của đạo Phật:

Nhờ Phật lực uy linh dũng mãnh

Trong giấc mê, phút tỉnh chiêm bao

Mười loại là những loài nào

Gái trai già trẻ đứng vào nghe kinh

Kiếp phù sinh như hình bào ảnh

Có câu rằng vạn cảnh giai không

Ai ai lấy Phật làm lòng

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi

...

Phật hữu tình từ bi cứu độ

Chớ ngại rằng có có chăng chăng

Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng

Nam mô nhất thiết siêu thăng thượng đài.

Lễ này cũng là dịp người ta báo hiếu phụ mẫu, cầu nguyện cho ông bà cha mẹ cửu huyền thất tổ được siêu thăng tịnh độ và cha mẹ hiện tiền được sống lâu khỏe mạnh. Và ngày này cũng được coi như “Ngày của Mẹ”, một dịp cho con cái tỏ lòng hiếu kính. Vì vậy, lễ Vu Lan ngày nay không chỉ còn là “lễ cúng cô hồn” như trước. Rất tiếc chữ hiếu ngày nay đã bị xao lãng trong giáo dục trẻ thơ, một trong nét đẹp trong tinh thần đạo lý Á Đông. Một người con bất hiếu thì không thể thương yêu được ai trên cõi đời này, ngoài chính bản thân mình. 

Theo lịch sử, chúng ta có thể tin là Bất Không Kim Cương (Amoghavajra) là tác giả đầu tiên tổ chức lễ Vu Lan tại Trung Hoa mà ta thấy như ngày nay. Bất Không Kim Cương là vị thứ ba trong “Khai Nguyên Tam Đại Sĩ” của Mật Tông Trung Hoa (hai vị kia là Thiện Vô Úy và Kim Cương Trí) và là một trong bốn dịch giả danh tiếng (ba vị kia là Cưu Ma La Thập, Huyền Trang và Chân Đế). Bất Không Kim Cương là thầy của liên tiếp ba vị hoàng đế thời nhà Đường là Đường Huyền Tông, Đường Túc Tông và Đường Đại Tông. Theo sách sử Phật giáo Trung Quốc, ngày lễ Vu Lan được tổ chức đầu tiên vào ngày rằm tháng bảy năm 768 ở Trường An do chính Bất Không làm chủ lễ với sự ủng hộ của Đường Đại Tông. Theo sử Nhật Bản thì Nữ hoàng Saimei (594-661) vào năm 675 đã tổ chức lễ Vu Lan và hai năm sau bà ra chiếu thỉnh cầu các chùa trong kinh đô hàng năm phải làm lễ Vu Lan cầu cho cha mẹ và cha mẹ ông bà bảy đời của dân gian. Điều đó cho thấy các nước đã có tập tục làm lễ Vu Lan từ đầu. Nhưng có lẽ nghi thức Vu Lan ở Nhật không có nhiều yếu tố Mật Tông như sau này của Bất Không Kim Cương.

Như thế, ngay từ khởi thủy lễ Vu Lan không chỉ là lễ “cúng cô hồn” mà còn là dịp cầu nguyện cho bảy đời phụ mẫu thoát khổ nạn và cha mẹ còn sống hiện tiền được sống lâu không bệnh hoạn phiền khổ. Với trọng tâm này Vu Lan lại càng đánh động vào tập tục thờ cúng tổ tiên và truyền thống hiếu đạo của người Á Đông, khiến lễ Vu Lan trở nên một lễ hội ngày càng phát triển. Một số người không hiểu được yếu tố tâm lý và đạo đức của buổi lễ nên đã vọi vã coi lễ Vu Lan như một hình thức mê tín của loại Phật giáo bình dân. Nhìn bề ngoài kinh Vu Lan nói đến hình thức siêu độ vong nhân nhưng nội dung chính là thuyết giảng chúng sanh quy y Tam Bảo nhận lãnh bài học căn bản, nhìn thẳng vào vô minh nguyên gốc gác của mọi khổ đau để thoát nghiệp. Vì vậy lễ Vu Lan cơ bản hoàn toàn chứa đựng giáo lý căn bản nhất của đạo Phật. Những người chỉ nhìn hình thức bên ngoài mà vọi vã phê bình Lễ Vu Lan là hình thức mê tín của Phật giáo bình dân thực ra mới chính là người hời hợt.

Lễ Vu Lan là một đại lễ báo hiếu như kinh Vu Lan đã dạy: “Khấn nguyện cho cha mẹ còn sống được sống lâu trăn tuổi không bị bệnh hoạn và không khổ não buồn phiền. Và cũng cầu cho cha mẹ bảy đời thoát khổ nạn ngạ quỷ, cùng đắc sinh lên cõi trời người, hưởng phúc lộc vô cùng”. Chữ hiếu là nền tảng để ta tập sống làm người. Chúng ta đừng tự lừa gạt mình và đừng để bị lừa gạt bởi những danh từ kêu to nhưng sáo rỗng về tình yêu dành cho nhân loại, một khi chúng ta sống chưa xứng đáng là một người con. Chúng ta có thể phạm nhiều điều sai lầm trong cuộc sống mà đã là người ai lại chẳng sai lầm, song khi trong tâm hồn còn biết hướng về hình ảnh của người mẹ thì chúng ta vẫn còn có cơ hội hướng thiện.

Trái tim mẹ ôm trọn cả những người con thân yêu vào lòng. Còn mẹ là đời ta còn bóng mát. Giữa cái nắng chói chang của cuộc đời thì bàn tay gầy của mẹ sẽ là bóng mát mênh mông. Trong bước bươn chải lang thang trên vạn nẻo đường đời với bao nỗi muộn phiền cơm áo, khi trên lưng đã thấm hằn những lằn roi đời cay đăng, nếu ta còn cưu mang hình ảnh mẹ trong lòng thì ta vẫn còn bóng mát để quay về, và tìm thấy vô vàn an ủi trong lòng mẹ bao dung.

Trung Nhã

Tin Tức Liên Quan