Ăn chay trong Phật giáo có ý nghĩa gì, có phải tích đức nhiều hơn?

2/07/2023 10:24
TN - Mạng xã hội có nhiều ý kiến khác nhau về việc ăn chay, ăn mặn. Còn trong đạo Phật, ăn chay có ý nghĩa thế nào? Có phải người ăn chay sẽ tích đức nhiều hơn người ăn mặn?

Khi thuyết giảng về việc ăn chay, ăn mặn trong Phật giáo, những người tu hành cho biết, Đức Phật thuở ban đầu không ăn chay, mà Ngài đi khất thực, người dân cho gì thì ăn đó. Đây cũng là truyền thống Phật giáo Nam truyền.

Theo đó, Phật giáo Nam truyền có pháp ăn tam tịnh nhục, tức là mắt không thấy giết, tai không nghe giết và không nghi giết (nghi ngờ vì mình mà sinh vật ấy bị giết) thì có thể sử dụng được. Còn truyền thống Phật giáo Bắc truyền ăn chay thô, không có sinh mạng của động vật.

Ý nghĩa của ăn chay

Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, viện chủ tu viện Khánh An cho biết, ăn chay có nhiều ý nghĩa:

1.    Nuôi dưỡng lòng từ bi: Ai trong chúng ta cũng có tâm từ bi, tâm thương người, thương vật, thương đồng loại, thương môi trường, thương hoàn cảnh sống. Chúng ta chỉ ăn thực phẩm rau, củ, quả sẽ giúp nuôi được tâm thiện lành.

2.    Bảo vệ môi trường sống: Các nhà khoa học đã nghiên cứu và nhìn thấy tác hại của việc nuôi những loài súc vật để đáp ứng cho sinh hoạt của con người, tác động rất lớn đến môi trường. Ví dụ, Mỹ đã thống kê 1 năm có khoảng 200 triệu ha cây cối, rừng bị phá đi để trồng hoa màu cho súc vật ăn sau đó chế biến thực phẩm hay 1 đĩa rau thành phẩm chỉ khoảng 20 lít nước nhưng 1 đĩa thịt thì phải tốn cả ngàn lít nước trong thời gian nuôi dài, chế biến,…

3.    Bảo vệ sức khỏe con người: Khi con vật đứng trước sự sống - chết thì tâm sân giận nó nổi lên để phản ứng với sự chết chóc, ngay trong lúc đó nó tiết ra những độc tố của tâm sân giận.



Ăn chay nuôi dưỡng lòng từ bi

Diệu Mi


Theo thượng tọa Thích Trí Chơn, ăn chay là tốt nhưng không nên ăn chay quá cực đoan đến mức có bộ chén đũa, nồi niêu, xoong, chảo cho người ăn chay riêng. "Trong 1 gia đình mà mỗi ngày ăn mặn, 1 tháng có vài ngày ăn chay thì đến ngày ăn chay chúng ta có thể rửa chén cho thật kỹ để không còn mùi là được", thượng tọa Trí Chơn chia sẻ.

Viện chủ tu viện Khánh An cũng cho rằng, những trường hợp ăn chay cực đoan, chỉ có tương, dưa, rau, muối là không phù hợp. "Không bao giờ có một trí tuệ trong thân thể bệnh tậy, không bao giờ có một lối sống lành mạnh trong thân thể ốm yếu, gầy gò, cho nên ăn như thế nào không làm tổn hại sinh mạng mà đảm bảo sức khỏe, trí tuệ, hạnh phúc gia đình, tình thương yêu cuộc sống mới là điều nên làm", vị thượng tọa nói.

Ăn chay có trứng, sữa không?

Thượng tọa Thích Trí Chơn cho biết, hiện có 2 khuynh hướng ăn chay. Khuynh hướng thứ nhất không ăn trứng vì cho rằng trứng cũng có nhân tố hình thành nên sự sống; khuynh hướng thứ hai thì cho rằng, trứng công nghiệp không hình thành nên sự sống nên có thể sử dụng được.

Sư thầy lấy ví dụ, Phật giáo phương Tây hầu như đều ăn trứng, còn tại Việt Nam đại đa số chưa ăn trứng. Còn sữa dù không làm tổn hại sinh mạng, nhưng cũng làm những con vật đau đớn, quằn quại, có khi phải đau đớn vì bị vắt sữa nên cũng không uống.

Ăn chay tích đức nhiều hơn ăn mặn?

Theo Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, nếu một người ăn chay tự mãn với việc mình ăn chay, cho là mình ăn chay là hơn người, tiến xa trên con đường từ bi, từ đó nuôi dưỡng bản ngã xem thường những người chưa ăn chay thì bị tác động ngược, có thể trở thành cản trở từ bi cho giác ngộ, trí tuệ.

Con người ăn mặn nhưng biết được đây là món nuôi thân, không nên quá chú trọng đến vấn đề hưởng thụ, ăn xong rồi có sức khỏe, trí tuệ làm nhiều lợi ích tốt đẹp cho cuộc đời thì rất tốt.

Thượng tọa Trí Chơn giải thích, ý thức của con người về ăn uống thể hiện phẩm chất chứ không phải cái ăn thể hiện phẩm chất. Sư thầy cho rằng, ăn chay sẽ có nhiều tố chất của rau củ quả, những chất hiền hậu giúp con người tươi mát hơn, tâm từ bi mở rộng nhưng người ăn mặn vẫn có khả năng để trở thành một nhân cách lớn nếu biết ý thức về cái ăn, xây dựng đời sống gia đình, lấy mình đặt vào môi trường, mình là con người, hoàn cảnh sống hài hòa.

Người ăn chay và ăn mặn vẫn ngồi cùng mâm

Qua khảo sát từ Phật tử, các nhà hàng chay, thượng tọa Thích Trí Chơn cho biết hiện đang có một trào lưu ăn chay. Trong nhiều gia đình, có khi các thành viên ăn mặn nhưng có 1 - 2 người ăn chay, cuộc sống gia đình vẫn hòa thuận, người ăn chay vẫn hoan hỷ nấu món mặn cho các thành viên trong gia đình.

Do đó, nếu chúng ta tôn trọng nếp sống, cách nhìn, cách nghĩ của nhau, biết chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp cho sức khỏe thì cuộc sống sẽ đem lại niềm vui, an lạc.


Mỗi người hãy lấy sức khỏe của mình làm thước đo cho việc ăn uống.

Diệu Mi


Phật tử ăn chay bao nhiêu ngày là phù hợp?

Tại tu viện Khánh An, thượng tọa Trí Chơn từng lắng nghe nhiều Phật tử bày tỏ rằng: "Con sẽ ăn chay 3 tháng", "Con sẽ ăn chay 1 năm" hay "Con sẽ ăn chay trường"…

Tuy nhiên, ở góc độ người tu hành, sư thầy thường khuyên Phật tử hãy cứ thử ăn chay 1 tháng 2 ngày, nếu thích nghi, ngon miệng, ăn đem lại niềm vui thì mình nâng lên 4 ngày, từ 4 ngày dần dần nâng lên 8 ngày, 10 ngày, có thể 1 tháng ăn từ 8 – 10 ngày.

Và nếu có thể thì ăn chay 1 năm 3 kỳ: tháng 4, tháng 7, tháng 10 âm lịch – những tháng có sự kiện liên quan Phật giáo. Tuy nhiên, dù ăn chay bao nhiêu ngày, thượng tọa Trí Chơn cũng lưu ý rằng, mỗi người hãy lấy sức khỏe của mình làm thước đo cho việc ăn uống.

"Nếu thấy sức khỏe tụt giảm thì phải cân đối lại. Còn sau khi ăn chay sức khỏe ổn định và phát triển thì chúng ta ăn tiếp, ăn chay trường là điều rất khuyến khích. Còn nếu ăn phản tác dụng, đuối sức, gia đình lục đục mình sống tự nuôi bản ngã mình đi trước người khác về ăn chay thì phải coi lại", thượng tọa Thích Trí Chơn đưa ra lời khuyên.


Vũ Phượng

Tin Tức Liên Quan