Đời người như giấc mộng. Sinh và tử nối nhau không dừng. Sáu mươi năm lẻ dạo chơi trong cõi tạm, huyễn thân vô thường nay xin trả lại thời gian.
Ánh hoàng hôn đã khuất, còn lưu lại vệt sáng bên hiên thiền đường, đóa hoa ưu đàm tuy rụng như vẫn còn thoang thoảng chút dư hương.
I – THÂN THẾ
Ni trưởng Thích nữ Như Hoa húy thượng Nhật hạ Liên là vị giáo phẩm ni của Phật giáo Quận 12 và TP.HCM.
Ni trưởng thế danh là Nguyễn Thị Hương, sinh ngày 13 tháng 10 năm 1949 tại làng Thanh Lương, xã Chí Công, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận. Thân phụ húy Nguyễn Văn Chẻo, pháp danh Minh Thọ, thân mẫu húy Phạm Thị Nuôi, pháp danh Diệu Trường. Gia đình có hai chị em, Ni trưởng là người thứ hai. Tuổi thơ sống bình yên trong thôn làng ven biển, một miền đất hiền hòa đậm màu cát trắng lẫn cây xanh.
Thân phụ mất sớm, Ni trưởng sống bên cạnh ông bà ngoại và mẹ hiền, vẫn vô tư ngày cắp sách đến trường, vui đùa với bạn đồng trang lứa.
Năm 12 tuổi, (1960) Hòa thượng Đức Niệm là cậu của Ni trưởng- một học tăng của Phật học đường Nam Việt - Ấn Quang lúc bấy giờ về thăm quê. Nhìn hình ảnh một người cậu, một vị thầy giản dị trong chiếc áo nâu sòng, vừa gần gũi vừa oai nghiêm, tỏa nét thanh cao của bậc thượng sĩ xuất trần, thế là hạt giác ngộ nảy mầm trong lòng cô thiếu nữ. Chiều hôm đó, người rụt rè thưa với cậu: “Con muốn được đi tu, mong thầy giúp con”.
Hòa thượng mỉm cười gật đầu, cầm tay người cháu vào thưa gia đình, được ông bà ngọai và mẹ đồng ý cho theo thầy vào Sài Gòn. Cuộc đời từ đó rẽ qua con đường khác.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
(Tản Đà dịch thơ Thôi Hiệu)
II- XUẤT GIA TU HỌC
Được gửi vào chùa Từ Nghiêm, một Ni trường lớn giữa trung tâm Sài Gòn, người được Sư bà thượng Như hạ Huệ tiếp nhận và ban cho pháp danh là Diệu Hoa.
Vốn xuất thân nơi miền thùy dương cát trắng, nay được vào tu học tai một Ni trường là trụ sở Trung ương của Ni bộ miền Nam, tuy tuổi nhỏ nhưng cô tiểu Hoa vẫn ý thức được phước duyên lớn của mình nên càng gia tâm tu học. Những sớm công phu, những chiều tịnh độ, mỗi ngày được hòa mình trong tiếng mõ uy lực,lời kinh trầm hùng của hải chúng không dưới 100 người, âm ba vang vọng như sóng diễn pháp mầu, biển thuyết lời kinh.
Tuổi còn nhỏ, nhưng việc công quả, việc nhà trù siêng năng chấp tác. Nhờ túc duyên sâu dày với Phật pháp nên tính tình hòa nhã, học ít hiểu nhiều, trên dưới an hòa, trong ngoài thuận thảo
Một năm sau, năm 13 tuổi (1961), căn lành hội đủ, Ni trưởng được Sư bà Bổn sư làm lễ thế phát và ban cho pháp danh Nhật Liên, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 41, theo bài kệ:
Đạo bổn nguyên thành Phật Tổ tiên
Minh như hồng NHẬT lệ trung thiên…
Năm 1965, lúc vừa 17 tuổi, Ni trưởng được thọ giới Sa-di-ni tại đại giới đàn Kiều Đàm tổ chức tại chùa Từ Nghiêm. Được hun đúc trong môi trường lấy giới làm căn bản,hạnh khiêm từ luôn gìn giữ trang nghiêm. Tuổi còn nhỏ đã dưỡng nuôi tâm đạo lớn, chí xuất trần không ngại bước gian nan.
Năm 18 tuổi(1966), Ni trường Dược Sư mở lớp Trung đẳng Chuyên khoa Phật hoc theo chương trình của Tổng vụ Giáo dục đề ra, Ni trưởng và một số ni chúng Từ Nghiêm được đưa về Dược Sư nhập học.
Năm 1968, Ni trường Dược Sư chính thức là cơ sở giáo dục trực thuộc Tổng vụ Giáo dục do Hòa thượng Thích Minh Châu làm Tổng Vụ trưởng, Ni trưởng Thích Nữ Huyền Học làm Giám viện. Qui mô hoạt động và đường hướng giáo dục được nâng cao, khóa Trung cấp Phật học chuyên khoa II được khai giảng. Người tiếp tục theo học, dưới sự dạy bảo của quí Ni trưởng Huyền Học, Như Châu, Huyền Huệ, Như Chí, Như Hòa . . .
Thủa ấu niên được tu học ở Từ Nghiêm, một trung tâm tu học nổi danh về huấn luyện ni chúng, sống trong tăng đoàn,được gần gũi minh sư và các bậc cao đức thường xuyên tới lui chăm sóc, nét từ bi đạo hạnh và những lời huấn thị của quý ngài là hành trang đầu đời khắc cốt ghi tâm. Nếp sống thiền môn, hồi chuông nhịp mõ đã nằm lòng, phẩm chất người tu đã được xông ướp giới hạnh hơn 7 năm trường. Bước sang Ni trường Dược Sư một trung tâm đào tạo về kiến thức Phật học, không chỉ để hành giả tu học, hành trì mà còn làm nhiệm vụ “sứ giả Như Lai” đem đạo mầu quảng tuyên khắp chốn. Có sẵn vốn tu học ban đầu, nay được tuyển vào môi trường đạo tạo mới càng làm Ni trưởng tinh tấn hơn, nỗ lực hơn, miệt mài trau giồi đèn sách, truy tầm, nghiền ngẫm Phật thư, hòa trong dòng chảy xuất thế để đến bờ thanh lương.
Năm 1970, sau khi tốt nghiệp Trung đẳng Chuyên khoa I vàđang theo học Trung đẳng Chuyên khoa II, Người được bổn sư cho thọ giới Thức-xoa tại Đại Giới đàn Kiều Đàm I chùa Từ Nghiêm.
Ngày 17 tháng 10, vào điểm thời sinh nhật lần thứ 24 của người, đó là năm 1972, xét phẩm hạnh và giới đức đã tròn đầy, cơ duyên hội đủ, xứng đáng được dự vào hàng Tăng Bảo tại thế gian, Bổn sư đã cho phép người thọ Cụ túc giới tại Giới đàn Kiều Đàm II tại chùa Từ Nghiêm do Ni sư trưởng thượng Như hạ Thanh làm Đàn chủ kiêm Hòa thượng Đàn đầu.
Thời gian lâu xa, tâm chí thêm thuần hòa, học hỏi thêm nhiều điều lợi ích. Năm 25 tuổi, cấp Trung đẳng Phật học kết thúc, Ni trường mở thêm cấp Sư phạm một năm, đào tạo lớp Ni sinh vừa tốt nghiệp, chuẩn bị bước vào con đường hành đạo, Ni trưởng tiếp tục dự học khóa đào tạo quan trọng này.
Năm 1974, theo bước chân thầy, mỗi tháng lên Tu viện Chơn Không - Vũng Tàu một tuần học thiền với Thiền sưThanh Từ thời gian hơn 1 năm.
III- THỜI GIAN HÀNH ĐẠO
Mây bay qua đầu núi không dừng, tuổi đời tuổi đạo tăng trưởng theo năm tháng. Thắm thoát đã tám năm, từ lúc bước chân ngập ngừng vào Ni trường Dược Sư, cho đến nay người đã trưởng thành nên người hữu dụng.
Sau năm 1975, các ni sinh lần lượt rời trường về trụ xứ của mình hành đạo, Ni trưởng và một số huynh đệ lớn được Ban Quản trị chọn lưu lại đây để hành đạo tại Ni trường để tiếp nối tiền nhân dạy bảo hậu học. Lúc đầu dẫn chúng về nông trại Dược Sư ở Đại Tòng Lâm, cùng quý Ni sư ban Chức sự đồng lao cộng khổ gây dựng kinh tế. Về lại Dược Sư, tùy lúc tùy thời uyển chuyển trong cuộc sống, trải qua các việc làm tiểu công mỹ nghệ, tiếp sức duy trì sinh hoạt của chúng, của trường. Ni trưởng xứng đáng với lòng tin cậy của Ban Chức sự, luôn tâm nguyện sống phụng sự hết khả năng của mình.
Năm 1984 các sinh hoạt tòng lâm khởi sắc, Ni trưởng được mời làm Giảng sư Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh, phụ trách giảng dạy các trường hạ Ni trong thành phố, bấy giờ là 35 tuổi. Năm này, Sư bà Bổn sư bệnh nặng, Ni trưởng cùng các huynh đệ hết lòng chăm lo sức khỏe, theo sát bên giường bệnh, nâng giấc sớm hôm, vẹn toàn hiếu đạo. Thế nhưng, cái gì đến rồi sẽ đến, không ai tránh được gềnh thác vô thường, Bổn sư viên tịch, để lại di ngôn các đệ tử gắng công hành đạo, sau đó, gởi gắm môn đệ cho Sư bà thượng Huyền hạ Học – nguyên Giám viện Ni trường Dược Sư,lúc này đang tịnh tu tại tịnh thất Vĩnh Phước, Huyện Hóc Môn - người dày công đào tạo thế hệ ni sinh mà Ni trưởng là một trong những học ni ưu tú, được hầu hết các bậc tôn trưởng quan tâm.
Năm 1988, thầy Y chỉ sư thượng Huyền hạ Học cho gọi Ni trưởng rời Dược Sư về Vĩnh Phước - Hóc Môn hành đạo, phụ giúp thầy phát triển cơ sở, kế nghiệp ân sư. Vĩnh Phước lúc bấy giờlà ngôi tịnh thất bé bỏng nằm giữa đầm ruộng bao quanh.Mấy thầy trò nương náu, buổi đầu bắt tay xây dựng với vô vàn gian nan. Theo cùng năm tháng, ni chúng tu hành miên mật, tín đồ lui tới sum vầy, các môn đệ của Ni trưởng Huyền Học cũng thường xuyên tụ về thỉnh vấn việc tu học, đạo tràng ngày một trang nghiêm, ngôi tịnh thất được chuyển thành chùa Vĩnh Phước
Thành phố tiến một bước dài đổi mới, các quận huyện cũng phát triển mở mang. Năm 1992, tuổi đã già, sức đã tận, thầy Y chỉ sư, làm văn bản xin Giáo hội bổ nhiệm Ni trưởng Như Hoa được chính thức trụ trì chùa Vĩnh Phước. Năm 1994, Ni trưởng cho khởi công xây dựng Đại hùng bửu điện, giảng đường, các công trình chung quanh. Được sự yểm trợ của Hòa thượng Đức Niệm từ Hoa Kỳ, sự chỉ dạy thân tình của Ni sư trưởng Huyền Học, mọi phật sự trùng kiến được thành tựu như ý nguyện. Năm 1995, chùa Vĩnh Phước vừa hoàn thành công trình xây dựng. Nhưng hỡi ôi, niềm vui chưa trọn thì người đã phải gánh chịu đại tang: Ni sư trưởng Huyền Học viên tịch.
Thời gian mải miết đi qua, không kể ngày giờ năm tháng, mọi việc theo nhau diễn tiến. Đức hạnh ngày thêm vun bồi, tài năng không ngừng cống hiến. Uy tín Ni trưởng trong tăng, ni ngày càng lang tỏa, được Chư Tôn đức giáo phẩm Giáo hội Trung ương và Giáo hội Thành phố tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Với hạnh đức vẹn toàn, tuệ tâm liễu đạt, lại trụ trì ngôi Vĩnh Phước rộng thoáng, uy nghiêm, vị trí thuận lợi cho việc tu họccủa ni chúng. Nơi đây, nhiều năm là điểm an cư kiết hạ tập trung cho chư Ni toàn thành phố. Nơi đây cũng là Văn phòng Giáo hội Phật giáo Quận 12, nơi diễn ra nhiều sự kiện Phật giáo trọng đại của Phật giáo nhà.
Đối với công tác Phật sự chung, Ni trưởng luôn thuận tùng tôn ý của chư vị cao đức, hết mình để phụng sư Đạo pháp, phục vụ chúng sinh. Trên nhờ hồng đức đại Tăng, dưới được chúng ni yểm trợ, nhờ vậy mà mọi công tác Phật sự đều được công viên quả mãn.
Đối với xã hội, Ni trưởng luôn lấy phương châm “Phục vụ lợi ích chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật” làm nền tảng hành đạo. Từ thượng du tới đồng bằng, dù miền Bắc, Trung phần hay Nam bộ, ở đâu có khó khăn, ở đâu có nghèo khổ là ở đó có bóng dáng, có tấm lòng từ ái của Người đến chia sẻ, an ủi, vỗ về.
Một đời người, một hạnh nguyện, tận tâm vì Phật pháp, tận lực với chúng sinh. Công đức và đạo hạnh của người luôn là niềm tin và tấm gương sáng cho hậu thế soi chung.
IV. ThỜi kỲ viên tỊch.
Trên bước đường phụng sự không mệt mỏi cứ ngỡ người còn tiếp tục cống hiến, tiếp tục phụng sự vì hưng long Phật pháp, vì lợi ích chúng sinh. Nhưng than ôi, ngày tháng trôi nhanh, mạng căn dần giảm, một sáng mùa xuân năm 2008, sau khi biết mình có bệnh, Người đã nhập thất tịnh tu, mọi việc phật sự của Giáo hội đều xin tạm gát, mọi pháp duyên nơi bổn xứ, người cắt đặt cho môn nhơn.
Sống trong chính niệm tinh cần
Giới hương ngào ngạt muôn phần NHƯ HOA.
Thế rồi, vào một sáng mùa xuân năm 2012 – nhâm thìn, người cho gọi một số huynh đệ tỷ muội và chúng ni đệ tử có trách nhiệm với Vĩnh Phước để dặn dò phó thác.
Đầu tháng tư, thấy bệnh tình Ni trưởng đã nặng, ni chúng đưa đến Bệnh viện Pháp - Việt để điều trị. Được 2 tuần, Ni trưởng thấy mình thân tứ đại đã tàn, sức lực đã tận, chắc là ngày về Phật không xa, người yêu cầu cho về lại Vĩnh Phước.
Thân tứ đại giả hợp, có tụ ắt có tán, vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 22 tháng 5 năm 2012 nhằm ngày mùng 2 tháng 4 nhuần năm nhâm thìn, trong tiếng niệm Phật của ni chúng, người đã nhẹ nhàng xả báo an tường, thâu thần thị tịch. Trụ thế 64 năm, trải qua 41 mùa An cư Kiết hạ.
Nam mô Vĩnh Phước đường thượng, Nối dòng pháp Lâm Tế đời thứ 41, Pháp húy Nhật Liên, tự Diệu Hoa, đạo hiệu Như Hoa Ni trưởng Giác linh.